Chúng ta

Anh Hoàng Minh Châu: 'Hãy dạy con làm người trước khi làm nghề'

Thứ tư, 15/4/2015 | 17:16 GMT+7

Theo Cố vấn cao cấp về Văn hóa của FPT, việc học của con cái nên chia thành 2 phần: Học làm người và học làm nghề. Bậc cha mẹ nào cũng muốn con cái đỗ đạt, giỏi giang, nhưng trước hết hãy dạy con chữ Lễ, biết quan tâm đến người xung quanh và tập đứng vững trên đôi chân của mình trước khi chọn trường, chọn nghề phù hợp. 

Buổi seminar chủ đề "Kinh nghiệm nuôi dạy con cái" đã được Hội Cựu chiến binh FPT (Ex FPT) tổ chức tối ngày 14/4 tại lầu 1, Công ty Cổ phần Giáo dục Titan, số 94 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP HCM, thu hút khoảng 40 người FPT tham dự. Diễn giả của chương trình là anh Hoàng Minh Châu, thành viên Hội đồng Sáng lập FPT, Cố vấn cao cấp về Văn hóa của tập đoàn kiêm Chủ tịch Ex FPT. Đây cũng là buổi chia sẻ đầu tiên của Ex FPT kể từ khi thành lập vào ngày 14/3 vừa qua. 

seminar chủ đề

Seminar chủ đề "Kinh nghiệm nuôi dạy con cái" cũng là buổi chia sẻ đầu tiên của Ex FPT kể từ khi thành lập vào ngày 14/3 vừa qua.

Trong cuộc sống hiện đại, hối hả nhưng đầy cám dỗ như hiện nay, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội luôn được các bậc làm cha mẹ quan tâm và dành nhiều công sức. Tuy nhiên, theo anh Hoàng Minh Châu, so với trẻ em ở các nước tiên tiến thì người Việt Nam đang dạy con không đúng cách. 

Ở lứa tuổi nào cũng vậy, việc nuôi dạy trẻ đòi hỏi nhiều phương pháp khác nhau, không nên áp dụng máy móc bất kỳ một chuẩn nào. Thay vào đó hãy dựa theo tính cách, sở trường, sở đoản của trẻ để đưa ra phương pháp phù hợp nhất.

Anh Châu nhìn nhận, hầu hết các trường học ở Việt Nam đều treo bảng lớn có dòng chữ "Tiên học lễ, hậu học văn", nhưng lại không hề có tiết học nào dạy học sinh về "Lễ". Và rất nhiều người còn lầm tưởng chữ "Lễ" trong câu nói này. Hãy chỉ nên hiểu đơn giản rằng, chữ "Lễ" ở đây chính là "Người", hãy học làm người trước rồi mới nên học những thứ khác sau.

Chữ "Lễ" được coi là trung tâm trong ngũ thường của đạo đức Khổng học, gồm: Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Vì vậy, trước tiên hãy dạy con biết quan tâm đến người xung quanh, người thân trong gia đình, dạy cho con hiểu những giá trị truyền thống tốt đẹp...

Trong khi đó, chữ "Nghĩa" ở đây được lấy từ "Nghĩa lợi", tức là dạy con không tham lam, bởi nó sẽ làm cho trẻ hình thành tính sở hữu trong bản năng, thứ gì cũng muốn giành lấy cho bản thân. Với chữ "Trí" và "Tín", hãy dạy trẻ điều nên làm, không nên làm và biết đặt trách nhiệm của mình vào từng câu nói, hành động.

"Người có Nghĩa - Chí - Tín càng nhiều càng tốt, nhưng chữ "Lễ" cần phải có chữ "Độ" đi cùng. Bởi lẽ, "Lễ" quá cao thì trở thành người cao ngạo, còn "Lễ" quá thấp sẽ trở thành người rụt rè, nhút nhát. Vì vậy, rất cần giữ cân bằng chữ "Lễ" trong đời sống, xã hội, cộng đồng", anh Châu đúc kết.

Chia sẻ về đam mê và việc chọn ngành nghề theo học cho con, Chủ tịch Ex FPT cho rằng, không nên lấy đam mê để làm tiêu chí chọn nghề của con sau này. Giữa đam mê và thực tế khác nhau rất nhiều. Nếu trẻ có đam mê hay ước mơ thì cha mẹ hãy khuyến khích trẻ ghi chép lại những điều này để tương lai, khi có đủ điều kiện rồi hãy thực hiện những đam mê, ước mơ đó. 

"Đừng nghĩ con có năng khiếu, đam mê với hội họa, ca hát rồi cho rằng con mình sẽ trở thành thiên tài trong lĩnh vực đó. Không nên để những điều này cám dỗ chúng ta trong việc dạy dỗ con cái", Cố vấn cao cấp về Văn hóa của FPT nhấn mạnh. "Thay vì đặt kỳ vọng con sẽ trở thành Thủ tướng hay một thiên tài thì nên đặt ra mục tiêu cụ thể hơn là con mình sẽ nằm trong 20% những người giỏi nhất".

Như trường hợp con gái đầu của anh từng rất thích vẽ và bằng chứng là cháu vẽ rất đẹp, những tác phẩm của cháu được nhiều người khen ngợi. Đến khi học lớp 12, đứng trước quyết định chọn ngành theo học, anh đã dành thời gian trao đổi với con gái về những dự định của cuộc đời và cháu đã quyết định học Y khoa và sau đó là học Tiến sĩ Luật thay vì theo đuổi đam mê hội họa. Bởi theo anh, những người nổi danh trong hội họa chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, họ không chỉ có tài năng, đam mê, mà còn hội tụ nhiều yếu tố khác nữa. Trong khi đó, chọn một nghề có thể dễ xin việc làm, có thu nhập cao sẽ là tiền đề tốt để con có điều kiện thực hiện đam mê, ước mơ của mình.

"Đừng nghĩ con có năng khiếu, đam mê với hội họa, ca hát rồi cho rằng con mình sẽ trở thành thiên tài trong lĩnh vực đó. Không nên để những điều này cám dỗ chúng ta trong việc dạy dỗ con cái", Cố vấn cao cấp về Văn hóa của FPT nhấn mạnh.

Việc chọn trường cho con cũng cần được các bậc cha mẹ cân nhắc kỹ. Trường tốt, có danh tiếng và trường phù hợp với con là hai tiêu chí hoàn toàn khác nhau. Không nên coi trường tốt là trường phù hợp, điều này đôi khi dễ làm hại con trẻ, khiến các cháu không tiếp thu được hết kiến thức trong khả năng, dẫn đến thiếu tự tin, thiếu kiến thức sau khi ra trường.

Một điều nữa khiến không ít bậc cha mẹ phải đau đầu là làm thế nào để có thể gần gũi và tìm được tiếng nói chung với con cái. Dù có sự khác nhau về thế hệ, sở thích nhưng những điều này thực sự không đáng kể nếu có phương pháp tiếp cận. Anh Châu khuyên bậc phụ huynh nên có sự tôn trọng với con cái từ những điều nhỏ nhặt như tham khảo ý kiến hoặc gợi ý của con về việc đi siêu thị nên mua món đồ gì, sơn màu phòng ngủ theo sở thích của con... Có như vậy thì khi cha mẹ mới dễ gần gũi và tham gia vào việc riêng của con cái.

Khi nhận thức và kiến thức còn hạn chế, con trẻ sẽ thường hỏi cha mẹ về những điều chúng tò mò hoặc chưa biết. Thay vì trốn tránh, trả lời cho có lệ hoặc đưa ra đáp án sai thì cha mẹ hãy cố gắng trả lời tất cả những câu hỏi đó. Nếu chưa thể có đáp án ngay thì hẹn con ở một thời điểm khác, có như vậy mới tạo nên thế giới nhân sinh quan cũng như tạo thuận lợi cho trẻ tiếp cận được những điều tốt đẹp.

Bên cạnh đó, việc tạo tính tự lập cho con trẻ cũng không kém phần quan trọng. Không nên nghĩ thay, làm thay mà hãy nên khuyến khích, tạo động lực cho con tìm hiểu và vượt qua khó khăn đó cả trong cuộc sống lẫn học tập.

Anh Châu dẫn chứng câu chuyện vui về cô con gái nhỏ của anh khi còn học lớp 3. Theo thời gian biểu, cháu sẽ phải đi ngủ lúc 20h30 để sáng hôm sau đi học sớm. Nhưng có một hôm cháu muốn đọc thêm vài trang sách nữa trước khi đi ngủ. Khi cháu ngỏ ý xin phép anh, anh không đồng ý và nói rằng hãy hỏi thêm ý kiến của mẹ. Và tất nhiên vợ anh cũng không đồng ý với lý do rằng cháu sẽ đọc rất nhanh hoặc cam kết sẽ không ngủ dậy trễ. Cuối cùng, anh mới gợi ý cho cháu rằng "con hãy nói với mẹ là nếu không được đọc hết những trang sách còn lại thì con sẽ không thể ngủ được", và kết quả là cháu đã được mẹ đồng ý.

Buổi chia sẻ chỉ diễn ra trong gần 2 giờ nhưng các chủ đề, mỗi câu chuyện và những đúc kết của Chủ tịch Ex FPT đều tạo sự hào hứng cho người tham dự. "Dù mỗi gia đình có hoàn cảnh và phương pháp dạy dỗ khác nhau nhưng những điều anh Châu chia sẻ đều rất bổ ích và thiết thực. Đặc biệt tôi rất tâm đắc với những chia sẻ của anh Châu về phương pháp dạy con tự lập và làm bạn với con", anh Đoàn Ngọc Khá, FPT Software, bày tỏ.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới Ex FPT sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình trao đổi và chia sẻ dành cho các thành viên cũng như người FPT.

Hà Dương

Ý kiến

()