Chúng ta

‘akaFace giống như bộ suit sang trọng cho khách hàng’

Thứ ba, 3/11/2020 | 14:12 GMT+7

Xuất phát từ nhu cầu chuyển đổi số của nhiều công ty, video analytics đang là ‘hot trend’ ở thời điểm hiện tại, nhóm tác giả Nguyễn Đức Hiển và Kiều Văn Xuân đã bắt xu hướng thị trường để nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm akaFace. 

akaFace là giải pháp ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, phân tích video (video analytics) vào bài toán quản lý an ninh, an toàn trong văn phòng, khu vực sản xuất, từ đó giảm thiểu quy trình đăng ký ra vào cổng (không cần giữ giấy tờ tùy thân, đăng ký giấy). Ứng dụng sử dụng thiết bị nhận diện khuôn mặt (edge device) để định danh: chấm công, kiểm soát ra vào cổng/cửa và IP camera + AI để giám sát các hành vi.

Sau khi thu nhận video từ camera, hệ thống sẽ xử lý và phân tích dữ liệu theo những yêu cầu đề ra nhằm phân tích hành vi đối tượng. Ứng dụng phù hợp để quản lý khách ra vào, nhân viên, quản lý, bảo vệ… trong một công ty. Ngoài việc dùng để quản lý ra vào cổng, akaFace còn giải quyết bài toán ra vào văn phòng, quản lý canteen, giám sát văn phòng, theo dõi giờ làm việc của nhân viên. Trong mùa dịch, akaFace còn giúp đo thân nhiệt, tránh tiếp xúc gần và trực tiếp.

IMG-1820-JPG-4151-1604310446.jpg

akaFace đưa AI vào việc giám sát, quản lý an ninh an toàn ở văn phòng, công sở.

Điểm mới của hệ thống là ứng dụng AI vào quy trình giám sát, số hóa quy trình và giảm các công đoạn thủ công, giúp quản lý tập trung, chính xác cao, nhanh chóng. Bài toán nhận diện gương mặt vốn đã được nhiều người làm nhưng để ứng dụng cụ thể vào khu vực ra vào hay nơi làm việc, trước giờ lại chưa được nhắc đến. Bên cạnh quản lý khuôn mặt, ứng dụng có thể mở rộng thêm: điểm danh, giám sát khu vực, đo cân nặng xe ra vào, phân tích hành vi về đi - ngồi - nằm - giơ tay… hoặc tối ưu thuật toán ở những công ty mà nhân viên thường xuyên phải mang nón bảo hộ và khẩu trang,…

Ngoài ra, akaFace giúp tạo ra quy trình số hóa để kiểm soát, quản lý an ninh hoàn toàn tự động; xây dựng hệ thống có khả năng mở rộng cao cho tất cả doanh nghiệp với chi phí thấp. Suốt quá trình thực hiện đến khi đưa vào triển khai từ tháng 8 năm nay, nhóm tác giả đã nhận nhiều góp ý, tư vấn từ các chuyên gia công nghệ FPT. Hiện tại độ chính xác của akaFace lên đến hơn 99%. Tuy nhiên, nhóm vẫn muốn tối ưu hơn nữa, đồng thời giải quyết nhiều bài toán hơn, phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Về lâu dài, akaFace mong muốn hợp tác cùng những sản phẩm khác của FPT, như: FPT Camera,…

“Đổi mới - Sáng tạo - Hoàn hảo” là phương châm nhóm tác giả luôn hướng đến để giải quyết tốt nhất yêu cầu khách hàng. “Nếu bài toán khách hàng đưa ra là một hình dáng thì akaFace sẽ là bộ suit sang trọng được thiết kế riêng, đo ni đóng giày cho chính khách hàng”, anh Kiều Văn Xuân chia sẻ.

Hiện tại, ứng dụng akaFace đang được triển khai cho canteen của một doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị xe hơi, có quy mô hơn 3.000 nhân viên. Thông qua video, ứng dụng sẽ nhận diện những người sử dụng suất ăn canteen và trả lời câu hỏi: Người đó đã ăn những gì thông qua hình ảnh ghi lại. Từ đó biết được mỗi ngày, công ty sẽ tốn bao nhiêu suất ăn lẫn thói quen ăn uống của nhân viên, để có thể chuẩn bị thực phẩm cho những bữa ăn tiếp theo. Khi đã có đầy đủ thông tin về thực đơn và chỉ số dinh dưỡng, ứng dụng cũng đưa ra những khuyến nghị dinh dưỡng cho từng người.

Đối với đối tượng văn phòng, akaFace giúp giám sát vấn đề giãn cách trong mùa dịch, việc mặc đồng phục và các hành vi không an toàn trong nơi làm việc. Đồng thời, theo dõi ở những nơi cần độ bảo mật cao nhưng dễ dàng kiểm tra lịch sử, truy vết. Để phục vụ công việc giám sát này, ứng dụng sẽ sử dụng hệ thống đăng nhập và quản lý thông tin, với các công nghệ như: Big Data, AI, video analytics…

akaFace còn giúp phát hiện và cảnh báo sớm những nguy cơ có thể xảy ra về an ninh, an toàn. Ngoài ra, ở campus F-Town (FPT Software) trước đây, người lạ ra vào cổng cần phải ghi thông tin lên giấy đăng ký. Điều đó có thể không chính xác, nhưng giờ đây hệ thống akaFace chụp gương mặt người ra vào, giúp tiết kiệm thời gian và tăng độ chính xác thông tin. Việc áp dụng công nghệ ngay từ cổng ra vào cũng gây ấn tượng với những người lần đầu tiếp xúc với FPT Software.

IMG-2233-3326-1604310446.jpg

akaFace nhận giải Bạc chung kết iKhiến số 3 (2020).

Sắp tới, akaFace đang trong giai đoạn đàm phán với đối tác Trung Quốc để sản xuất thiết bị riêng, giúp giảm giá thành sản phẩm. Trong tương lai, akaFace có thể tương thích với nhiều ứng dụng khác mà FPT Software đã và đang phát triển. Ngoài ra, ứng dụng hướng đến nhận diện những thực thể khó hơn, như: khói, lửa… và phân biệt được hành vi phù hợp/không phù hợp trong nơi làm việc thay vì còn máy móc như hiện nay. Không chỉ thân thiện và dễ sử dụng, chi phí lắp đặt hệ thống cũng rất “mềm”, vào khoảng 300 USD/thiết bị và 700 USD/server.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai hệ thống akaFace là thay đổi quy trình hoạt động hiện tại. Bảo vệ công ty chuyển sang nhập liệu thay vì ghi sổ, không còn giữ CMND/Thẻ căn cước mà chỉ chụp thẻ và gương mặt rồi trả lại. Ngoài ra, dữ liệu để “dạy” cho AI phải thu thập rất nhiều. Việc sản xuất thiết bị ở Việt Nam rất khó, đơn vị phải liên hệ nhiều đối tác để thiết kế và đặt hàng.

Ở vòng Chung khảo iKhiến số 3 (2020), akaFace đã giành giải Bạc. “Đây vừa là niềm động viên vừa là động lực để nhóm tiếp tục hoàn thiện và giới thiệu sản phẩm đến nhiều khách hàng”, anh Kiều Văn Xuân - thành viên nhóm tác giả chia sẻ sau khi nhận giải.

>> Shopping TV giành giải Vàng Chung khảo iKhiến số 3

Sơn Thạnh

Ý kiến

()