Từ cuối tháng 5, Chủ tịch Trương Gia Bình thông báo Workplace/Workchat chính thức trở thành nền tảng làm việc và giao tiếp chính thức của toàn FPT. Theo đó, để đẩy mạnh chiến dịch này, Ban lãnh đạo Tập đoàn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các 'Ong chúa' tại 7 công ty thành viên. 'Ong chúa' sẽ bao gồm quản lý các đơn vị, trưởng bộ phận/ban/ngành... Họ là người trực tiếp truyền cảm hứng sử dụng Workplace đến hơn 3 vạn người FPT.
Cụ thể, tính đến ngày 6/6, hầu hết các 'Ong chúa' FPT Software đã hoạt động trên Workplace, chiếm 99%. Ngay từ ngày đầu, FPT Software đã là đơn vị tiên phong sử dụng Workplace trong công việc và giao tiếp. Anh Trần Minh Hùng, GĐ FPT Software Cần Thơ, khẳng định, Workplace là công cụ hữu ích cho mọi người trao đổi công việc và tiết kiệm thời gian.
Bên cạnh đó, các đơn vị khác, 'Ong chúa' cũng 'kéo quân' rầm rộ lên Workplace: FPT Telecom - 95.6%; Synnex FPT - 94.5%; FPT IS - 93.3%; FPT Retail - 84.1%. Anh Hoàng Trung Kiên, PTGĐ FPT Telecom cho biết: "Việc sử dụng Workplace cũng tốt, thúc đẩy tốc độ xử lý công việc và dễ dàng tương tác".
Đơn vị Nhật Bản đi đầu trong việc sử dụng Workplace. |
Với đặc trưng ngành nghề, hai đơn vị có số lượng 'Ong chúa' chưa active trên hệ thống là FPT Education (49.5%) và FPT Online (41.7%). Trong tuần này, FPT Education sẽ hoàn thành việc chuyển các group làm việc từ các công cụ khác sang FPT Workplace. "Đơn vị sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ để làm quen với thao tác làm việc trên Workplace", anh Trần Tuấn Cường, Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính FPT Education chia sẻ.
Tuy nhiên, số lượng CBNV hoạt động trên hệ thống vẫn hạn chế. Theo thống kê, FPT Software - 62.6%; FPT IS - 63.4% ; FPT Telecom - 64%; FPT Education - 24.5%; FPT Online - 36%; Synnex FPT - 65.3%; FPT Retail - 18.1%. Chia sẻ trong buổi giao ban tuần này (ngày 10/6) Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định: "Ong chúa cần ra dáng Ong chúa, là người tiên phong hoạt động tích cực trên Workplace để thúc đẩy và truyền cảm hứng đến CBNV".
Số lượng người dùng tăng hạn chế sau 1 tuần triển khai. |
Hiện tại, TGĐ FPT IS Nguyễn Hoàng Minh đã yêu cầu 253 “Ong chúa” trong nhà Hệ thống đẩy mạnh sử dụng Workplace trong công việc tới toàn bộ CBNV. Đội ngũ này do anh Đào Gia Hạnh, Trưởng ban CNTT FPT IS, đứng đầu là nòng cốt để nhà Hệ thống đạt mục tiêu 100% CBNV sử dụng Workplace. Từ đó, các cấp lãnh đạo từ tổng công ty tới phòng ban thể hiện sự gương mẫu bằng việc sử dụng Workplace để tăng cường các hoạt động, chia sẻ thông tin trên nhóm nội bộ, đồng thời yêu cầu nhân viên sử dụng Workplace thay những công cụ khác. Đặc biệt, FPT IS GMC và FPT IS SRV kêu gọi nhân viên chuyển sang trao đổi làm việc trên Workchat - nền tảng nhắn tin, nghe gọi video của Workplace.
Tháng 6/2016, FPT sử dụng Workplace - mạng xã hội dành cho doanh nghiệp, nhằm tăng cường truyền thông, tạo môi trường làm việc kết nối, chia sẻ và gần gũi trong tập đoàn. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5, toàn tập đoàn có khoảng 50% CBNV sử dụng Workplace trong tháng.
CEO FPT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ Workplace được quy định là công cụ làm việc chính thức của tập đoàn. Nền tảng này phân định rõ ràng giữa công việc và cá nhân. Mấu chốt của việc triển khai Workplace gồm thay đổi thói quen và tính chuyên nghiệp.
Workplace là nên tảng truyền thông chuyên biệt giúp người dùng trong một công ty kết nối, giao tiếp nội bộ và hợp tác với nhau trong công việc. Bắt đầu được thử nghiệm từ năm 2015 với tên gọi Facebook at work, Workplace chính thức ra mắt vào tháng 10/2016 với hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Sau 6 tháng, số lượng tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nền tảng này lên tới 14.000 với hơn 400.000 nhóm được tạo ra.
Để tham gia Workplace, nhân viên phải đăng nhập bằng email nội bộ do đó tách biệt được tài khoản công việc và cá nhân, đảm bảo tính riêng tư mà không cần công cụ khác như SMS, email…
Hà Trần
Ý kiến
()