Năm 2009, FPT đưa ra chiến lược “Go mass”. Đó là đưa dịch vụ và sản phẩm FPT tới khách hàng đại chúng kịp thời, mọi nơi, mọi lúc. Bắt nhịp với tinh thần tập đoàn, ĐH FPT định hướng triển khai thêm nội dung đào tạo cho số đông bên cạnh việc đào tạo tinh hoa, với tham vọng thu hút khoảng 100.000 sinh viên trở lên. Để làm được điều này, ĐH FPT đã xác định cần tháo bỏ các hạn chế về tài chính, về thi tuyển đầu vào và về đòi hỏi năng khiếu. Những rào cản này đều tồn tại ở cả 3 sản phẩm: Aptech, Arena và ĐH FPT. Cụ thể là: mô hình học phí cao, yêu cầu kỹ năng tiếng Anh, với đại học thì có thi đầu vào mang tính quốc gia.
Trước đó 2 năm, luật dạy nghề lần đầu tiên cho phép đào tạo nghề trình độ cao đẳng. Năm 2008 các quy định hướng dẫn mới dần hoàn thiện, cho phép các trường đại học được dạy cao đẳng nghề và chịu sự quản lý của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Anh Lê Trường Tùng thấy đây là hướng đúng, là tiền đề để triển khai sản phẩm mass gắn với bằng cấp chính quy - đồng thời cũng tạo sự cân đối giữa chương trình đào tạo “chuyên nghiệp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, và chương trình “nghề” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.
Thế là các thủ tục được tiến hành. Năm 2010, FPT Polytechnic được ra đời trong danh sách các sản phẩm đào tạo của nhà giáo dục FPT.
Về “Polytechnic”, tên gọi này được lấy dựa theo hệ thống các trường dạy các chương trình tương tự ở Singapore. Còn về tên gọi “Cao đẳng Thực hành” là biến thể của “Cao đẳng nghề”, chữ “thực hành” nằm trong “kỹ sư thực hành” nhằm nhấn mạnh quan điểm thực hành của chương trình này. Theo anh Lê Trường Tùng, tên “Cao đẳng nghề” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đặt - như mức cao hơn “Trung cấp nghề” và đối trọng với “Cao đẳng chuyên nghiệp”. Từ đó dễ dẫn đến suy nghĩ hệ cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục Đào tạo quản lý là “cao đẳng không nghề”. Vì vậy, “Cao đẳng Thực hành” là cái tên khá chuẩn và “an toàn”.
Thời kỳ đầu, các trung tâm FPT Polytechnic tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM chưa thống nhất trong việc sử dụng tên gọi. Cả 3 trung tâm đều dùng cái tên “Cao đẳng Thực hành FPT” để hoạt động. Thực ra, FPT Polytechnic mới là tên thương hiệu, còn “Cao đẳng Thực hành” là tên sản phẩm. Ban lãnh đạo phải mất khá nhiều thời gian để “uốn nắn” lại việc thiếu thống nhất này.
Nhiều trường khác học theo FPT gọi “cao đẳng nghề” là “cao đẳng thực hành”, đến mức năm 2011 báo chí có một loạt bài phê phán việc gọi không đúng chuẩn này. Đến nay, tên gọi “cao đẳng thực hành” đã trở thành khái niệm quen thuộc.
FPT Polytechnic gắn với tên tuổi của anh Đàm Quang Minh (Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam), anh Quách Ngọc Xuân (Trưởng ban Thiết kế chương trình), anh Vũ Chí Thành (Giám đốc FPT Polytechnic Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Giám đốc FPT Polytechnic TP HCM), anh Lê Văn Duẫn (Giám đốc FPT Polytechnic Đà Nẵng), chị Trần Thị Hoàng Phương (Giám đốc FPT Polytechnic Quảng Ninh), anh Huỳnh Ngọc Khoan (Giám đốc FPT Polytechnic Đăk Lăk và Thanh Hóa). FPT Polytechnic là hệ thống phát triển địa bàn hoạt động nhanh nhất trong các sản phẩm giáo dục của FPT Education.
Từ cơ sở đầu tiên được thành lập tại Hà Nội tháng 07/2010, một năm sau đó, Cao đẳng thực hành FPT thành lập 2 cơ sở mới tại Đà Nẵng và TP HCM. Và các địa bàn như Tây Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Đắc Lắc, Cần Thơ đều lần lượt xuất hiện.
Với sự ra đời của mình, FPT Polytechnic trở thành hệ thống phát triển địa bàn hoạt động nhanh nhất trong các sản phẩm giáo dục của FPT Edu.
Tính đến nay, FPT Polytechnic đã có 7 cơ sở thuộc 5 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Tây Nguyên, Cần Thơ. Ảnh: FPT Polytechnic |
Trong 6 năm liên tiếp (2012 - 2017), FPT Polytechnic được trao giải thưởng Sao Khuê về dịch vụ đào tạo công nghệ thông tin chính quy, từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).
Con đường đi tới thành công không trải hoa hồng. Bên cạnh những “tượng đài” đạt được, còn có một vài “xác chết” nằm lại trên chặng đường gian nan ấy. Quá trình xây dựng FPT Polytechnic cũng có nhiều thử thách, ví dụ như câu chuyện thất bại của FPT Polytechnic tại Thanh Hóa và Quảng Ninh.
Năm 2011, trường mở tuyển sinh tại Thanh Hóa, Quảng Ninh. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, hai cơ sở này đều phải đóng cửa. Lý do là số lượng tuyển sinh tại hai cơ sở này không được như dự kiến. Bởi lẽ tinh thần của FPT Polytechnic là “thực học, thực nghiệp”, vội đem gắn với hai địa phương này mà chưa nhìn rõ thị trường lao động tại đây. “Bằng cấp quan trọng, nhưng việc làm còn quan trọng hơn”, anh Lê Trường Tùng cho rằng đây là bài học nhà trường cần rút ra sau thất bại đáng tiếc này.
Trải qua 9 năm xây dựng và phát triển, FPT Polytechnic đã khẳng định được năng lực giảng dạy, qua việc đào tạo ra các khóa sinh viên được doanh nghiệp đánh giá cao về năng lực và kỹ năng thực hành. Với phương pháp đào tạo theo triết lý “thực học thực nghiệp”, sinh viên FPT Polytechnic có cơ hội vừa học vừa hành. Thời lượng thực hành của sinh viên FPT Polytechnic là từ 60 - 80% suốt quá trình học, đồng thời sinh viên sớm được tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế. Ngoài ra FPT Polytechnic còn có bộ phận Quan hệ doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên tìm được việc làm phù hợp sau khi ra trường.
Được thành lập năm 2010, FPT Polytechnic là một đơn vị trực thuộc khối Cao đẳng, Tổ chức Giáo dục FPT. Hiện tại, FPT Polytechnic có cơ sở tại 5 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Tây Nguyên và Cần Thơ. Tổ chức Giáo dục FPT định hướng trở thành hệ thống giáo dục với tiêu chí Mega “5 đa”, bao gồm đa trình độ, đa ngành, đa phân khúc, đa phương thức và đa vị trí. Nằm trong hệ thống của Tổ chức Giáo dục FPT gồm có: khối Phổ thông, khối Đại học, khối Cao đẳng, khối Sau đại học, khối Liên kết Quốc tế, khối Đào tạo Trực tuyến. Năm 2019, Tổ chức Giáo dục FPT - FPT Edu kỷ niệm tròn 20 năm theo đuổi hành trình đổi mới giáo dục. Nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 20 năm, hơn 1.000 cán bộ giảng viên FPT Edu đã tham gia hoạt động leo núi tại: Yên Tử - Quảng Ninh, Langbiang - Lâm Đồng và Bà Đen - Tây Ninh. Đêm gala "Dream On - Viết tiếp giấc mơ" sẽ diễn ra với quy mô toàn quốc dành cho hơn 1.600 cán bộ nhân viên, giảng viên trên toàn hệ thống giáo dục FPT vào các ngày: ngày 11/11, tại khách sạn TTC Cantho, Cần Thơ; ngày 13/11, tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP HCM; vào ngày 15/11, khách sạn 5 sao Grand Mercure Danang sẽ là điểm đến của người FPT Education tại khu vực Đà Nẵng. Tại Hà Nội, đêm gala sẽ được tổ chức tại khách sạn InterContinental Hanoi Landmark 72 vào ngày 17/11. |
Khánh Linh
Ý kiến
()