4 nhân sự FPT IS GMC gồm: Nguyễn Xuân Cương, Thái Thuận Kiệt, Lê Hoàng Vương và Trương Ngọc Bách là những cái tên nổi bật, nêu cao tinh thần vượt dịch của nhà F. Trong đó anh Nguyễn Xuân Cương và anh Trương Ngọc Bách vừa vinh dự được trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ áo cam tiêu biểu tháng 9” - ghi nhận những đóng góp thầm lặng của các anh và tập thể khối Ngành Y tế.
4 người “gánh” 36 bệnh viện
Mặc dù cơn bão Covid đã có phần hạ nhiệt nhưng Nguyễn Xuân Cương và các cộng sự vẫn đang quay cuồng trong công việc. Những yêu cầu về vận hành, duy trì hệ thống và tích hợp tính năng mới đang được FPT IS GMC đảm bảo triển khai cho những bệnh viện dã chiến hay các bệnh viện lớn khác như: Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP HCM…
Song, chừng ấy không là gì so với thời điểm các tỉnh phía Nam bùng phát dịch, đỉnh điểm bắt đầu từ tháng 7 với nhiệm vụ cấp bách triển khai đồng loạt hàng chục bệnh viện dã chiến điều trị Covid. Nguyễn Xuân Cương rùng mình nhớ lại, đó là những ngày mà 4 nhân sự của FIS GMC chỉ biết căng mắt ra để làm việc. “Đến ăn cả đội còn không kịp nuốt chứ đừng nói đến chuyện chợp mắt”.
Ngoài những bệnh viện đang sử dụng phần mềm FPT.eHospital từ trước, FPT IS GMC phải triển khai mới hệ thống cho gần 20 bệnh viện dã chiến tại TP HCM, Cần Thơ và nhiều tỉnh/thành khác.
4 nhân sự FPT IS GMC liên tục trực chiến để triển khai, vận hành cùng lúc 36 bệnh viện trong mùa dịch. Ảnh: NVCC |
Chia đều theo số nhân sự, thời điểm ấy, mỗi cá nhân như anh Cương phải đảm nhận thiết kế nhanh phần mềm cho 5 bệnh viện dã chiến cùng lúc. Đặc biệt, tính cấp bách của đại dịch Covid khiến công việc bắt buộc hoàn thành chỉ trong 2 ngày. “Áp lực về thời gian có lẽ là áp lực lớn nhất. Tôi có 2 ngày và bắt đầu đếm. Vừa lúc sáng yêu cầu thiết kế cho 2 bệnh viện, đến chiều đã tăng lên 3 và ngày hôm sau là 5. Nhưng thời gian vẫn chỉ có 2 ngày”, anh kể.
Công việc của cả đội hầu như luôn kéo dài tới tận khuya. Sau khi có được thiết kế triển khai, FPT IS GMC sẽ tạo hệ thống lưu trữ, cài đặt phần mềm FPT.eHospital và đào tạo, hướng dẫn cán bộ y tế sử dụng… Việc đào tạo, hỗ trợ cũng được triển khai online liên tục, trên tinh thần tranh thủ bất cứ lúc nào và xử lí bất kể phát sinh trong quá trình sử dụng. “Chúng tôi hiểu khó khăn của ngành y tế nên FPT IS GMC sẽ chủ động luôn phần hỗ trợ 24/24. Biết là chúng tôi thêm việc nhưng tôi nghĩ anh em y tế còn vất vả hơn nhiều”, anh nói.
Cũng tham gia vào chiến dịch này, Trương Ngọc Bách ngại nhất ở chỗ, số lượng bệnh viện dã chiến tăng nhanh bao nhiêu thì tốc độ xử lý phần mềm của đội dự án FPT.eHospital cũng sẽ tăng bấy nhiêu… nhưng thành viên thì vẫn luôn cố định ở con số 4. “Nếu gọi thiếu thì chúng tôi thiếu cả thời gian lẫn nguồn lực nhưng may sao lại có thừa tinh thần. Toàn đội bảo nhau giờ mỗi bệnh viện đưa vào vận hành là một nguồn hy vọng cứu người giữa đại dịch. Nên dù phải thức đêm thì cả nhóm vẫn rất vui vẻ, cố gắng hoàn thành”.
Vừa vận hành, vừa triển khai, vừa nâng cấp hệ thống… Trương Ngọc Bách, đại diện cho cả nhóm, nhẩm tính đã có hơn 36 bệnh viện được FPT IS GMC triển khai trong đợt dịch vừa qua. Đồng nghĩa, 4 nhân sự của đơn vị đã tham gia vào 36 đầu việc cùng lúc.
Trách nhiệm cộng đồng
Trước khối lượng công việc rất lớn và áp lực về mặt thời gian, Trương Ngọc Bách cho rằng, chỉ có tinh thần kiên cường và trách nhiệm cộng đồng của người FPT mới có thể giúp toàn đội hoàn thành yêu cầu khó khăn như vậy.
Anh Cương kể, mỗi lần tính nghỉ giải lao, bật Tivi lại thấy ca nhiễm Covid tăng không ngừng, trong lòng bỗng bất an, sốt ruột vì bản thiết kế còn dang dở. “Thế là ngồi đâu tầm 5 phút là đứng dậy vào bàn, bật máy tính lên ngay”, anh nói.
Tốc độ thành lập bệnh viện nhanh đến đâu thì tốc độ triển khai phần mềm của đội dự án đều phải kịp thời hoàn thành và đưa sử dụng đến đó. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng 4 nhân sự FPT IS GMC đều rất quyết tâm vì hiểu được, chính họ và FPT đang gián tiếp góp sức cùng y, bác sĩ cứu người - khi thời gian đặc biệt quan trọng đối với việc điều trị bệnh nhân Covid.
“Ngẫm lại tôi cũng không hiểu vì sao mọi người làm việc quần quật như thế mà không ai than vãn. Cả 4 anh em trong nhóm đều động viên nhau làm, mà làm hăng say”.
Anh Nguyễn Xuân Cương và anh Trương Ngọc Bách vinh dự nhận danh hiệu Chiến sĩ áo cam tiêu biểu. Ảnh: NVCC |
Trong cơn bão Covid, FPT đã tặng toàn bộ bản quyền hệ thống FPT.eHospital cho những bệnh viện dã chiến khắp các tỉnh/thành trên cả nước. Phần mềm Quản lý bệnh viện Made by FPT đã góp phần không nhỏ trong công cuộc ngăn chặn, kiểm soát dịch và hơn hết là việc cứu người hết sức cấp bách.
Tại TP HCM, có 12 bệnh viện dã chiến được triển khai FPT.eHospital. Các bệnh viện còn lại ở Cần Thơ, Đồng Nai, Lâm Đồng… và cả những bệnh viện khu vực Tây Nguyên.
Hệ thống FPT.eHospital được xây dựng, thiết kế riêng cho từng bệnh viện dã chiến, giúp nhân viên y tế không phải sử dụng các thao tác thủ công khi điều trị. Toàn bộ dữ liệu được trích xuất nhanh chóng, kết quả xét nghiệm liên thông cập nhật theo thời gian thực… Từ đó, giảm mật độ tiếp xúc, giảm bớt rủi ro cho nhân viên y tế, tăng nâng suất trong quá trình điều trị bệnh. Ngoài ra, hệ thống còn hỗ trợ bệnh viện lập hồ sơ cho bệnh nhân và quản lý thông minh các thông tin của bệnh nhân để lập báo cáo đầy đủ hoặc truy xuất dữ liệu khi cần thiết.
Nền tảng y tế nhà F còn giải quyết được bài toán nhân lực phục vụ, thiếu hụt hệ thống công nghệ thông tin quản lý vật tư y tế, thuốc, trang thiết bị… Theo thống kê từ đội dự án, tổng số bệnh nhân điều trị ở bệnh viện được quản lý thông qua phần mềm FPT.eHospital là hơn 100 ngàn người. Hệ thống đã giúp giảm 80% thời gian so với thao tác quản lý bệnh nhân thủ công.
Trong thời gian tới, FPT IS GMC - đơn vị đảm nhận dự án triển khai FPT.eHospital - cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, mang tinh thần FPT góp sức cùng ngành y tế chống dịch.
Với mục đích động viên kịp thời những nỗ lực, tinh thần làm việc cao và đạt thành tích tốt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, những bức thư tuyên dương là lời tri ân sâu sắc tới những chiến sĩ áo cam và truyền cảm hứng tới tất cả cán bộ nhân viên FPT - những chiến sĩ trên "chiến trường" hãy tiếp tục kiên cường, kỷ luật, sáng tạo để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Tất cả những tập thể, cá nhân được vinh danh "Chiến sĩ áo cam" và "Chiến sĩ áo cam Tiêu biểu tháng" đều đang làm việc ở tuyến đầu tại vùng dịch với số ca lây nhiễm lớn, áp dụng giãn cách xã hội, phong tỏa. Họ thể hiện tinh thần làm việc trách nhiệm, nỗ lực bám trụ địa bàn và đặc biệt có giải pháp, hành động cụ thể để đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của công ty diễn ra bình thường. Bên cạnh đó còn là những cá nhân đạt thành tích vượt trội trong công việc, được quản lý trực tiếp, lãnh đạo công ty thành viên đánh giá cao hoặc có những hành động thiết thực, nhân văn để giúp đỡ cộng đồng, người thân hay bạn bè trong công ty.
Nguyễn Huy
Ý kiến
()