Chúng ta
Thứ tư, 24/8/2022 | 23:34 GMT+7

Hope School - ‘Lớn lên như mầm xanh vui vẻ’

Ở ngôi trường của hy vọng, ánh mắt buồn khôn tả, dáng điệu bần thần ngày nào của các em học sinh dường như đã lùi vào xa lắm, nhường chỗ cho tiếng hát rộn rã, nụ cười toả nắng mai. Điều kỳ diệu ấy không tự nhiên đến, mà được vun đắp bởi bao la tình thương người FPT dành tặng các em.

Hope School - ‘Lớn lên như mầm xanh vui vẻ’

Ở ngôi trường của hy vọng, ánh mắt buồn khôn tả, dáng điệu bần thần ngày nào của các em học sinh dường như đã lùi vào xa lắm, nhường chỗ cho tiếng hát rộn rã, nụ cười toả nắng mai. Điều kỳ diệu ấy không tự nhiên đến, mà được vun đắp bởi bao la tình thương người FPT dành tặng các em.

Mùng 6 Tết Nhâm Dần. Sân bay Đà Nẵng ngày Tết, lại là thời Covid, đìu hiu. Các chị Trương Thanh Thanh - Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT, Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn FPT, Trịnh Thu Hồng - Trưởng Ban triển khai Trường đào tạo FPT đứng chờ những nhân vật đặc biệt từ miền Nam vào.

Rồi đoàn người xuất hiện. Họ có lẽ là một trong những đoàn khách đặc biệt nhất sân bay: rất ít hành lý, trang phục giản dị, gương mặt trĩu buồn, ánh mắt chơi vơi. Đó là những đứa trẻ mất bố, mẹ hoặc cả bố lẫn mẹ trong dịch Covid-19. Các em đi cùng người thân còn lại, hoặc hàng xóm láng giềng. Nhiều em không có vali hay ba lô, đồ đạc được để trong giỏ, túi hay đóng vào thùng carton, ì ạch vác trước ngực. Với nhiều người, đây là lần đầu tiên được đi máy bay.

Những chuyến bay như thế khởi đầu một hành trình mới, chở nhiều ước mơ chưa gọi tên, nhưng đều hướng về một nơi sẽ là mái ấm cho các em nhỏ trong những năm tiếp theo của cuộc đời: Hope School (Trường Hy Vọng).

Để những chuyến bay ấy cất cánh, các cán bộ Hope School đã miệt mài đi dọc đất nước, đến từng gia đình, gặp từng em nhỏ.

Cũng như các cán bộ tuyển sinh Trường Hy Vọng đồng hành mình nhiều tháng trời, Giám đốc dự án Hope School Hoàng Quốc Quyền không thể nhớ hết anh đã gặp tổng cộng bao nhiêu hoàn cảnh. Anh gọi đây là hành trình của yêu thương, mang “mầm xanh” hy vọng lan toả. Mỗi nơi cán bộ Hope School đi qua, sẽ là “tin vui” cho những em nhỏ, cho những gia đình đang chịu nỗi đau đại dịch để lại.

“Con muốn được đi học”, chàng thiếu niên Lưu Hữu Nghị, 17 tuổi, hướng đôi mắt về phía anh Quyền. Nói xong, Nghị lại nhìn lên bàn thờ bố mẹ, nước mắt chực trào.

Anh Quyền gặp Nghị một buổi trưa Sài Gòn nắng gắt, con hẻm nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố, vắng vẻ và thưa thớt người qua. Căn nhà chỉ để vừa bộ bàn tiếp khách và cái bếp đơn sơ. Giữa nhà, chiếc bàn thờ nghi ngút hương khói. Bố mất sau một cơn tai biến, mẹ cũng không thể vượt qua đại dịch mà bỏ lại Nghị cùng em gái lớp 9 chơ vơ, nương tựa nhau sống qua ngày.

Không nói nên lời, hai tay  Quyền cầm chặt tờ thông tin tuyển sinh ướt đẫm mồ hôi vì bối rối. Dù đã đến rất nhiều gia đình, trò chuyện với rất nhiều em nhỏ không may, nhưng mỗi em là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, khiến anh không thể cầm lòng. Nghị cũng thế.

Không còn sự chở che của bố mẹ, Nghị đành bỏ học giữa chừng. Cậu thiếu niên tâm sự, nếu không đi làm thì không có tiền cho hai anh em trang trải cuộc sống. Nếu Nghị học tiếp, lại càng không đủ tiền. Ngày Nghị quyết định không đến trường nữa, em giam mình trong phòng, buồn và tủi. Nhưng ngay sáng hôm sau, chàng trai đã tự mình đi kiếm việc làm. Nghị phải nuôi em.

Ban ngày, Nghị làm thêm ở hiệu sách. Buổi trưa, Nghị mua cơm rồi mang về cùng ăn với em gái. Buổi chiều, em lại đạp xe ra quán trà sữa gần nhà, phụ bán hàng cho đến tối. Mỗi tháng, em kiếm được khoảng 4 triệu đồng, không dư dả tiền cơm cho hai anh em giữa đất Sài Gòn. Nhưng vẫn hơn là cả hai bị đói.

Lắm khi đang sửa xe nhìn thấy đám bạn trạc tuổi được bố mẹ chở đến trường, trong khi mình thì tay đầy dầu luyn, nhem nhuốc, Nghị bỗng tủi thân. Em cũng từng có ý định quay trở lại trường, nhưng “nếu con đi học thì không ai lo cho em. Con muốn em của con được đi học”.

“Thế con có muốn đi học tiếp không?”, anh Quyền hỏi. Nghị gật đầu, rồi cúi mặt. Nhưng thật lạ, khi anh chia sẻ về việc đón cả hai anh em ra thành phố Đà Nẵng, được học tập, được nuôi dưỡng… Nghị chỉ trầm ngâm không đáp. Gặng hỏi một hồi, Nghị mới chịu thổ lộ. Thì ra, em không muốn đi xa vì còn lo hương khói cho bố mẹ, sợ nhà cửa không có ai trông.

Anh Quyền nhìn lên phía bàn thờ chưa tròn năm. Trời đứng bóng, thấy hộp cơm Nghị mua về còn chưa kịp ăn, anh để lại thông tin liên lạc, rồi chào hai anh em ra về. Rời ngôi nhà mà lòng anh chua xót, tự hứa sẽ quay trở lại, bằng mọi cách giúp các em thực hiện ước mơ được đến trường. “Covid đã biến việc đi học, một điều tưởng chừng đơn giản của bao đứa trẻ, lại trở thành mơ ước. Tuổi ăn, tuổi học, em xứng đáng được đến trường, được yêu thương, đó là điều mà chúng tôi luôn nghĩ, luôn đau đáu để làm sao kết nối các em đến với Trường Hy Vọng”.

Và anh Quyền đã làm đúng mệnh lệnh từ trái tim mình. Sau nhiều lần người của Hope School trở lại nhà Nghị và gặp người thân của hai em, cùng động viên, Lưu Hữu Nghị, Lưu Gia Nghi quyết định nhập học Trường Hy Vọng. Hai anh em đã đến trường sau khi làm giỗ đầu cho mẹ. “Chúng tôi đã đón thêm một mầm xanh, vun đắp bằng tình thương và hy vọng ở ngôi trường này”, GĐ dự án Hope School mừng rỡ.

Ngày Nghị - Nghi cùng 200 bạn hội ngộ ở Trường Hy Vọng đầu tháng 8 vừa qua, cô bé Ngọc Diệp - nhỏ tuổi nhất nhưng nhập học sớm hơn - đã biết hướng dẫn các anh chị và các bạn làm quen ngôi trường, ngôi nhà mới. “Anh cả” Trần Quang Bảo, vừa đậu Top 10 Đại học FPT, đã xin ở lại trường giúp thầy cô chăm sóc các em, cũng có mặt.

Hình ảnh bỡ ngỡ của những thành viên mới khiến chị Trịnh Thu Hồng nhớ lại ngày đón những em nhỏ đầu tiên. Thời điểm đó, ảnh hưởng tâm lý nặng nề do những mất mát chồng chất, cộng thêm việc xa nhà để sống cuộc sống mới, môi trường mới khiến các em không khỏi lạ lẫm, hoang mang.

Từng đi thiện nguyện ở vùng cao, tiếp xúc trẻ em nghèo biên giới xa xôi thiếu ăn thiếu mặc nhưng chị Hồng nhận thấy, ánh mắt trẻ vẫn hồn nhiên, trong trẻo. Còn với các em ở Hope School, đó là ánh mắt khiến chị ám ảnh. Khó khăn về vật chất vẫn có thể bù đắp, nhưng mất mát về tinh thần thì thật khó vơi đi.

“Nhưng vừa đến trường, thấy thầy cô và người FPT đứng đợi, ai nấy ngạc nhiên xen lẫn xúc động. Các con không nghĩ sẽ được ở một nơi khang trang, gặp gỡ thầy cô gần gũi, ấm áp như thế. Còn người thân từng lo sợ vì các con đến từ nhiều tỉnh thành, độ tuổi và tính cách nhau sẽ gặp trở ngại thì lúc này, họ thở phào an lòng”, chị Trịnh Thu Hồng nhớ lại lần đầu tiên đón học sinh tới Hope School.

"Tôi cảm thấy sự có mặt của mình, của người FPT lúc đấy đã tạo chỗ dựa ban đầu, tạo niềm tin cho những con người vừa trải qua mất mát lớn và đang vô phương hướng" - chị Trần Thu Hà chung nhịp hồi tưởng.

May mắn, có thầy cô chăm sóc từng chút, tâm sự từng chút, các em đã hòa nhập nhanh hơn. Tròn một tháng sau, khi các chị quay lại, mọi thứ khác hẳn. “Những nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt tươi tắn của con giúp tôi biết rằng, nỗi đau tinh thần đã vơi ít nhiều”, chị Hồng tâm sự. Thầy cô ở Trường Hy Vọng đã xây dựng nên một ngôi trường mà ở đó, có một tập thể sống tự lập, chan hòa, thương quý nhau. Anh chị lớn sẽ trông em nhỏ, ăn uống xong phải tự rửa bát, sáng khi tiếng kẻng vang lên phải thức dậy rồi gấp chăn vuông vức…

"Cảm giác ban đầu chỉ đọng lại rất nhỏ. Còn những niềm vui và nụ cười sau này mới lấn át hết", chị Hà đồng tình. Ngày trở lại thăm, các chị thấy ánh mắt các bé ánh lên niềm vui như gặp lại người thân. Những bé hiếu động, hoạt ngôn thì hỏi han, những bé tính trầm chỉ đến ngồi cạnh, chạm tay vào người các chị.

Khoảnh khắc nhận trọng trách triển khai dự án từ anh Trương Gia Bình, chị Trần Thu Hà từng ngỡ ngàng và lo âu, xen niềm tự hào và xúc động. "Dự án lãng mạn" - theo cách gọi của chị - gặp nhiều khó khăn ngoài dự đoán. Nhưng như một người phất cờ dám nghĩ dám làm, FPT sau đó đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng như chính người nhà - các CBNV FPT.

Xem học sinh Hope School là những người FPT đích thực chứ không chỉ là FPT Small, Trường Đào tạo cán bộ FPT đã tìm cách xây dựng những chương trình trải nghiệm cho các em. “72h trải nghiệm FPT” là chương trình đặc biệt giới thiệu về văn hóa, con người ở công ty, giúp các em hiểu và hoà nhập nhanh hơn. Những buổi vừa học vừa chơi khiến học sinh mê tít. Vì các em còn nhỏ nên bài giảng được “biến tấu” thành trò chơi đuổi hình bắt chữ, vẽ tranh, team building, thiết kế hẳn một phim hoạt hình về FPT để thu hút các em… “Con thông minh, dí dỏm vô cùng. Những bài thi hay trò chơi trí tuệ, các con hoàn thành xuất sắc có khi hơn cả người lớn khiến tôi bất ngờ”, chị Hồng - người trực tiếp đứng lớp - nhận xét.

----

Một năm trước, khi nghe tin sẽ có ngôi trường nhận nuôi dạy các em nhỏ mất cha mẹ vì Covid của FPT sẽ nằm ở Đà Nẵng, lại sát khu FPT Plaza nơi anh ở, Ông Ích Duy - FPT Software Đà Nẵng - khấp khởi mong chờ một ngày được gặp các em, phần nào có thể góp phần xoa dịu nỗi mất mát lớn của những đứa trẻ kém may mắn.

Duy vốn là thành viên CLB Thiện nguyện Volunteer Light Club (VLC) của người Phần mềm Đà Nẵng - một CLB có mô hình tổ chức, kế hoạch hoạt động bài bản. Từ ngày có Hope School, nhiều hoạt động được CLB chú trọng hướng tới các em như trao sách; tặng quà, dụng cụ thể thao dịp 1/6, Tết; tổ chức trò chơi giao lưu… Duy hầu như không bỏ lỡ dịp nào.

"Mới đầu gặp, các bé khá rụt rè, khép nép, ngại gặp người lạ. Nhưng dần dần, qua những lần thăm sau, tôi thấy các con được các thầy cô huấn luyện đã hòa nhập với môi trường, trở nên tự tin hơn, nhanh nhẹn, vui vẻ, hoạt bát hơn. Đó là một sự thay đổi, trưởng thành đáng mừng."

Anh bảo, mình và đồng nghiệp cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy niềm vui của các bé mỗi lần cô chú đến chơi. Chẳng ai nghĩ đến việc phải hy sinh thời gian ngoài giờ làm việc và cuối tuần để tham gia những hoạt động như thế.

"Ít được tiếp xúc người ngoài, nên khi được thăm, được chơi cùng, được chọc cười, các con hưởng ứng rất nhiệt tình, thoải mái đứng trên sân khấu hát, chơi. Khi chúng tôi rời đi, một số bé đã nhắn nhủ: ‘Hôm nào mấy cô chú qua chơi với tụi con nữa nghe’, Duy kể. Anh hiểu chuyện được quà hay không không quan trọng vì các bé đã được đầu tư đầy đủ. Chủ yếu là các con muốn được chia sẻ, thông cảm, được gặp gỡ giao lưu, trò chuyện.

Hiện, FPT Software Đà Nẵng triển khai dự án "Vườn Vui vẻ" tặng học sinh Hope School. Khu vườn có tổng diện tích 2.880 m2 trên phần đất FCity tài trợ cho trường, sẽ được dùng để trồng rau củ trên diện tích sử dụng hơn 2.000 m2. Dự án bắt đầu đầu tháng 8, đang đi đến bước hoàn thiện và sắp bàn giao nhà trường.

Vườn Vui vẻ được gây quỹ bằng 2 phương thức: bán các "lô đất vườn", người mua được viết thông điệp lên bảng gắn trên mỗi lô; và "bán vé số" với giá trị nhỏ hơn - 10.000 đồng/vé. Số lượng vé lên tới 5.000. "Chỉ cần nói về trường Hope, mọi CBNV đều muốn đóng góp, chỉ là trước đây nhiều người chưa biết đóng góp bằng cách nào thôi" - Lê Diệu Hiền (FPT Software Đà Nẵng), thư ký dự án, cho biết.

----

Thay vì đi du lịch, hè 2022, Đỗ Quốc Đăng - học sinh lớp 12 và Đỗ Như Nguyệt Minh - học sinh lớp 9, con của CEO FPT Japan Đỗ Văn Khắc, chọn tới Trường Hy Vọng để dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ.

Quốc Đăng biết đến Hope School qua lời giới thiệu của bố. Tìm hiểu về trường, em thấy đây là dự án nhân văn của FPT. Biết thông tin các em nhỏ cần học tiếng Anh, bản thân đã có những kiến thức nhất định, cậu cùng em gái và 2 người bạn của mình đã xin tham gia dạy tiếng Anh tại trường.

Nhóm bạn trẻ "đứng lớp" vào các buổi tối với thời gian từ 1-1,5 giờ/buổi. Cách dạy là thông qua các trò chơi về chủ đề hằng ngày để các em nắm được các từ thông dụng. Các bạn nhỏ đều hào hứng và hăng hái tham gia.

Sau mỗi buổi học, các "giáo viên nhí" đều hỏi các bạn nhỏ học được những gì để cải thiện cho buổi dạy sau. Nhóm cũng thường chuẩn bị món quà đặc biệt cho các em có điểm bài kiểm tra cuối ngày cao nhất.

"Khi tới đây, em đã rất hào hứng và không hề có cảm giác mình đang ở xa nhà" - Nguyệt Minh chia sẻ. Trải nghiệm cùng học sinh Hope School đã mang lại cho hai anh em FPT Small nhiều bất ngờ thú vị. "Nhiều bạn viết rất tốt và có nhiều câu chuyện xúc động. Được biết các bạn đến từ các vùng miền khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau, được học tập và sinh hoạt với các bạn khiến em thấy rất vui và tự hào", Đăng nói.

Khép lại hành trình của mình với 10 buổi dạy, 2 bạn cũng cho biết, nếu có cơ hội sẽ quay lại sớm và sẽ rủ thêm nhiều bạn cùng lớp tới Hope School để dạy tiếng Anh cho các em nhỏ.

----

Cứ thế, mỗi ngày trong suốt gần một năm qua, người F cùng đồng nghiệp, người thân của mình lại gom góp thật nhiều yêu thương, gửi về Trường Hy Vọng. Tất cả đều tin rằng, các em sẽ gác lại nỗi đau, như những mầm xanh lớn lên mạnh mẽ và vui vẻ như tên gọi của góc vườn trường, giữa biết bao tình yêu của đại gia đình FPT.

Viết Chung

Thiết kế: Quyên Quyên

Ý kiến

()
 
Tags: