Chúng ta

Việt Nam lần đầu xếp số 1 thị trường thuê ngoài toàn cầu

Thứ năm, 9/4/2015 | 14:49 GMT+7

Khi chi phí nhân công Trung Quốc tăng cao, Việt Nam lần đầu vươn lên trở thành thị trường gia công phần mềm hàng đầu thế giới, theo nghiên cứu mới nhất của hãng tư vấn toàn cầu Cushman & Wakefield.

Trang World Property Journal cho biết, xét về tiêu chí chi phí, rủi ro và điều kiện hoạt động, Việt Nam và một số nước khác đang trở nên đặc biệt hấp dẫn trong thị trường thuê ngoài toàn cầu.

Với tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực gia công phần mềm, Việt Nam đã thiết lập sự hiện diện của mình như một điểm đến thay thế cho dịch vụ thuê ngoài chi phí thấp, Cushman & Wakefield đánh giá và thông tin, Việt Nam có bước tăng trưởng ngoạn mục từ vị trí thứ 5 hồi năm ngoái. “Chính phủ cũng đã đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển theo hướng trở thành một điểm đến của gia công phần mềm, với các phân khúc dịch vụ dự kiến mở rộng nhanh chóng”.

IMG-6406-1-7565-1428551164.jpg

Đầu năm nay, Hiệp hội Các chuyên gia outsourcing chuyên nghiệp quốc tế (International Association of Outsourcing Professional - IAOP) vừa chính thức công bố FPT Software tiếp tục lọt vào danh sách 100 nhà cung cấp dịch vụ outsourcing toàn cầu. Năm ngoái, FPT Software là doanh nghiệp phần mềm đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách này.

Báo cáo của Cushman & Wakefield chỉ ra, Ấn Độ vẫn là thị trường BPO (Business Process Outsourcing - Gia công quy trình doanh nghiệp) lớn nhất thế giới và Philippines đã vượt qua Ấn Độ về mức tăng trưởng nhằm tăng cường khẳng định vị thế của mình.

"Dù không phải là điểm đến gia công phần mềm với giá rẻ nhất, Việt Nam vẫn còn rất cạnh tranh so với các địa điểm khác trên toàn cầu, và vấn đề tăng lương ở Ấn Độ, Trung Quốc đã góp phần quan trọng giúp nước này vượt lên vị trí dẫn đầu vào năm 2015”, Richard Middleton, người đứng đầu dịch vụ quản lý tài sản cho khối APAC (châu Á - Thái Bình Dương) và EMEA (châu Âu và châu Phi) của Cushman & Wakefield nhận xét. “Mặc dù chi phí và những lo ngại về sự phát triển quá nóng chắc chắn sẽ dẫn đến áp lực hơn nữa trong việc tiếp cận với lao động có trình độ cao, Ấn Độ vẫn là điểm đến BPO lớn nhất thế giới bởi quy mô thị trường".

Tăng một bậc lên vị trí thứ hai trong năm nay là sự trưởng thành của ngành BPO Philippines, vốn là trụ cột của nền kinh tế đất nước. Thị trường gia công quy trình doanh nghiệp của nước này đạt mức doanh thu kỷ lục 15 tỷ USD vào năm ngoái, vượt qua Ấn Độ về mức tăng trưởng. Việc chuyển giao vị thế một phần do ảnh hưởng của chi phí lao động Ấn Độ tăng theo hình xoắn ốc và leo mức tăng cao, chiếm 26,9%, mức cao nhất trên toàn cầu, do tăng tiền lương nhưng công ty vẫn phải tiếp tục cạnh tranh cho các tài năng tốt nhất.

Trong khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn rất chậm chạp, nhiều lĩnh vực BPO đang được thúc đẩy bởi các nước công nghiệp nói tiếng Anh, một lợi thế cho Philippines so với nhiều điểm đến khác. Tiếng Anh phương ngữ của lực lượng lao động Philippines cũng được đón nhận tại Mỹ.

Lithuania là nhân tố mới tại khu vực châu Âu khi lần đầu tiên giữ vị trí thứ 11. Đây là quốc gia có thứ hạng cao nhất trong lần đầu tiên được xếp hạng. Richard Middleton thông tin: “Được hưởng lợi từ môi trường có chi phí cạnh tranh, lực lượng lao động có khả năng và mức độ thông thạo ngôn ngữ, Lithuania cũng được xem như một điểm đến mới của ngành BPO".

Sự không chắc chắn của Ukraine làm lu mờ Lithuania với một số nhà khai thác, nhưng nước này vẫn có sự tiến bộ và đang trưởng thành như một trung tâm dịch vụ mạnh của Bắc Âu, cung cấp một cơ sở hạ tầng dịch vụ chia sẻ hàng đầu thế giới và một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ấn tượng. Lithuania đang đứng thứ 10 trên thế giới về tốc độ kết nối Internet.

Trong khu vực Latin và Trung Mỹ, Brazil tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về quy mô thị trường, được hưởng lợi từ kinh nghiệm và sự sáng tạo của lực lượng lao động trong việc hỗ trợ các nền tảng và dịch vụ công nghệ sáng tạo. Sự trưởng thành này giúp Brazil tăng lên vị trí thứ 8 từ vị trí thứ 18 của năm ngoái.

Mark Wanic, người đứng đầu dịch vụ quản lý tài sản các nước châu Mỹ của Cushman & Wakefield, cho biết: "Trong khi Brazil có thể cung cấp dịch vụ gia công phần mềm thị trường đại chúng, các loại thuế và chi phí chỗ ở cao hơn khiến một phần thị trường gia công phần mềm đã bị dịch chuyển qua những nước trong khu vực như Mexico, Colombia và Trung Mỹ với chi phí cạnh tranh hơn".

Cushman & Wakefield dự đoán các xu hướng BPO toàn cầu bao gồm:

Chi phí: Lạm phát tăng, chi phí lao động và tài sản tăng cao tại các thị trường BPO đã được củng cố như Trung Quốc và Ấn Độ làm tăng thêm sự hấp dẫn của những thị trường mới nổi.

Giá trị sáng tạo: Các nhà cung cấp BPO đang nhìn xa hơn chứ không chỉ đơn giản là cắt giảm chi phí để tập trung vào đổi mới và tối ưu hóa chăm sóc khách hàng.

An ninh năng lượng: Việc Nga sẵn sàng hạn chế nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu hiện được coi như một đối tác cung cấp không đáng tin cậy. Điều này có nghĩa là những nước phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga sẽ trở nên rủi ro hơn khi tìm cách để thu hút BPO mới cũng như hoạt động dịch vụ chia sẻ.

Bề rộng và chiều sâu của các quy định dịch vụ BPO: Nhà cung cấp BPO đang kết hợp các giải pháp theo chiều dọc (như xử lý khiếu nại, kinh doanh sức khỏe và quản lý danh mục cho vay) với các giải pháp ngang (như nguôn lực, nhân sự và quản lý chuỗi cung ứng) để cung cấp các chiến lược BPO hiệu quả.

Thông thạo ngôn ngữ: Đóng vai trò quan trọng trong các chương trình hợp tác dành cho nhà cung cấp BPO.

FPT hiện có các đơn vị chuyên làm BPO gồm: FPT Document Services (FDS, thuộc FPT Software); F-AGREX - Liên doanh BPO đầu tiên tại Đông Nam Á giữa AGREX (Nhật Bản, thuộc Tập đoàn IT Holdings và FPT Software) và FPT IS.

Thanh Mai

Ý kiến

()