Đây là dự án giúp hàng triệu nông dân và người chăn nuôi gia súc ở châu Phi sử dụng đất đại bền vững, hiệu quả nhất. Trước đó, năm 2021, Google Research đã trao cho anh Trần Thanh Long (QAI.CoE) - với tư cách Phó Giáo sư tại Đại học Warwick (Anh) - một khoản tài trợ không hoàn lại để làm việc với AfriScout - tổ chức phi chính phủ (NGO) - để triển khai giải pháp quản lý đồng cỏ toàn diện ở châu Phi dựa trên trí tuệ nhân tạo.
Do những thế mạnh của Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (thuộc FPT Software) trong lĩnh vực này, anh Long đã chủ động mời một số đồng đội tham gia dự án và làm việc trên hai hợp phần: Dự đoán giá bán của gia súc từ ảnh chụp và Hệ thống báo giá để thu thập thông tin giá cả từ thị trường địa phương. Từ yêu cầu đó, nhóm chuyên gia gồm: Phó Giáo sư Trần Thanh Long, Tiến sĩ Thái Trung Hiếu, Nguyễn Trường Lâu, Phạm Ngọc Tuấn, Phạm Vũ Minh Đức đã bắt tay vào nghiên cứu giải pháp.
Dự án Tối ưu hóa sử dụng đất đai bằng AI là 1 trong 3 công trình có tác động nhất của sự kiện do Google Research tổ chức. |
Báo cáo tiến độ của dự án gồm bản demo cho mô hình ước tính giá dựa trên ảnh do nhóm QAIers thực hiện, đã trình bày tại hội thảo hàng năm “AI for Social Good” do Google Research tổ chức (7-10/2 vừa qua). “Từ hơn 50 công trình trình bày tại hội thảo, dự án của chúng tôi đã được chọn là 1 trong 3 dự án có tác động nhất. Lý do là bởi tính cấp thiết của nó, cũng như thực tế là ứng dụng di động AfricScout đã có hơn 500.000 người dùng ở Đông Phi. Do đó, tiềm năng của dự án này là rất lớn và có thể tiếp cận với hàng triệu người dùng ở châu Phi”, anh Long chia sẻ.
Trong đó, ứng dụng “Dự đoán giá bán của gia súc từ ảnh chụp” vô cùng cần thiết, bởi đa số nông dân châu Phi không có thói quen sử dụng cân và các công cụ khác để đo trọng lượng chính xác của gia súc (bò, lạc đà, dê,…). Vì vậy, họ không biết giá trị chính xác của vật nuôi. Ý tưởng của nhóm là sử dụng một phương pháp dựa trên AI để giúp nông dân dự đoán giá vật nuôi. Bằng cách ấy, nông dân có thể chụp ảnh con vật và công cụ AI của Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn sẽ thực hiện ước tính giá cả. Cụ thể, giải pháp này gồm 3 bước:
Bước 1: Sử dụng mô hình toán học để tính ước tính trọng lượng ban đầu của động vật từ một số dữ liệu được yêu cầu ban đầu (ví dụ: chiều cao và chiều rộng của cơ thể bò);
Bước 2: Sử dụng mạng nơ-ron sâu (deep neural network) để tinh chỉnh ước tính này;
Bước 3: Sử dụng mô-đun báo cáo giá thị trường để có quyền truy cập vào ước tính giá hiện tại ở nhiều thị trường khác nhau, nhằm tính toán số lượng gia súc cụ thể sẽ được bán tại những thị trường ấy.
Một người dân chăn nuôi gia sức ở Nigeria. Ảnh: AFP. |
Song song đó, “Hệ thống báo giá để thu thập thông tin giá cả từ thị trường địa phương” là ứng dụng báo cáo cho người dùng chi tiết số lượng nông sản/gia súc mà họ bán được tại mỗi chợ ở địa phương. Đây cũng là công cụ cần thiết, vì hiện nông dân châu Phi không có thông tin chính xác về dự báo giá cả nông sản/gia súc. Ứng dụng này sẽ giúp nông dân có lựa chọn tốt nhất, tránh bị thương lái lợi dụng.
Cụ thể, mô-đun báo cáo giá yêu cầu cấu trúc máy khách-máy chủ tiêu chuẩn, nơi người dùng có thể tải lên giá đã bán thông qua một ứng dụng đơn giản chạy trên thiết bị, sau đó sẽ gửi dữ liệu đến máy chủ để xử lý thêm.
“Nhóm chúng tôi đã thảo luận rằng: Nhiều giải pháp từ dự án này có thể ứng dụng để giải quyết các vấn đề tương tự ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ví dụ, chúng tôi có thể giúp nông dân Việt Nam ước tính tốt hơn giá bán nông sản của mình. Chúng tôi cũng có thể giúp họ dự đoán nơi tốt nhất để bán sản phẩm của họ hoặc nơi không nên đến. Hy vọng rằng chúng ta sẽ tránh được những trường hợp khi nông dân mang tất cả nông sản đến một thị trường rất xa chỉ để vứt bỏ chúng do nhu cầu bị ngừng trệ (ví dụ như thực trạng của dưa hấu, thanh long, mít… trong quá khứ)”, anh Thái Trung Hiếu - thành viên dự án - phân tích thêm.
Hiện nay, Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn đã đồng ý gia hạn hợp tác với tổ chức phi chính phủ AfriScout đến mùa hè 2023. Mục tiêu sắp tới là bổ sung nhiều chức năng hơn cho ứng dụng, như: Dự đoán giá thị trường để bán hàng trong tương lai, hệ thống khuyến nghị để hướng dẫn nông dân nơi họ nên đưa gia súc đi ăn cỏ… Được biết, trung tâm hiện đang rất quan tâm đến việc mở rộng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ và nhóm nghiên cứu khác trên khắp thế giới, để giải quyết các vấn đề quan trọng lẫn thách thức tương tự trong tương lai.
Sơn Thạnh
Ý kiến
()