Chúng ta

SCIC lên kế hoạch thoái vốn tại FPT thu về nghìn tỷ

Thứ hai, 24/6/2019 | 17:22 GMT+7

Sau 2 năm lỡ hẹn, SCIC lại lên kế hoạch bán vốn tại FPT. Nếu thoái vốn thành công, SCIC sẽ thu về hơn 1.800 tỷ đồng tính theo thời giá hiện tại.

Ngày 24/6, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố danh sách doanh nghiệp dự kiến bán vốn năm 2019. Danh sách này gồm 108 doanh nghiệp, trong đó một số cái tên nổi bật như: FPT (SCIC đang giữ 6% vốn điều lệ), Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (51%), Tập đoàn Bảo Việt (3%)…

Riêng trường hợp của Vinamilk, mặc dù cũng trong danh sách dự kiến bán vốn năm 2019 nhưng SCIC phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh danh sách dự kiến bán vốn năm 2019, SCIC cũng công bố một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2019. Theo đó, "siêu doanh nghiệp" này đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 6.499 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.023 tỷ đồng.

DSCF2425-JPG-4328-1461571932-7-4943-7194

Ông Lê Song Lai, đại diện SCIC trong HĐQT FPT. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Trong hơn 3 năm qua, thoái vốn FPT được SCIC đặt ra vài lần nhưng chưa thực hiện. Cách đây hơn 1 năm (ngày 7/5/2018), SCIC thông báo kế hoạch thoái vốn tại FPT trong năm 2018. Tuy nhiên, hạn này đã trôi qua mà không có hoạt động nào được triển khai.

SCIC đang sở hữu 6% FPT, tương đương hơn 40 triệu cổ phiếu. Với mức giá hơn 45.000 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 24/6), lượng sở hữu này trị giá hơn 1.800 tỷ đồng.

Đại diện SCIC trong HĐQT FPT là ông Lê Song Lai, PTGĐ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước. Chia sẻ bên lề ĐHCĐ thường niên FPT các năm qua, ông Lai đều khẳng định: 'Tôi mong muốn đồng hành lâu dài với FPT'.

Năm 2018, doanh thu của tập đoàn công nghệ thông tin số 1 Việt Nam đạt 23.214 tỷ đồng, tăng 17,4%. Biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 37,8%, tăng mạnh do không còn hợp nhất kết quả từ mảng bán lẻ. Sau khi tái cơ cấu, FPT tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin, viễn thông và giáo dục. Mảng công nghệ giữ vai trò dẫn dắt trong chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn khi đem về doanh thu 13.402 tỉ đồng, chiếm hơn 57%.

Kết thúc 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT tăng trưởng 20,2% và 22,1% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 9.961 tỷ đồng và 1.719 tỷ đồng, tương đương 103% và 112% kế hoạch lũy kế.

fpt-nguyen-van-khoa-3915-1561371553.jpg

CEO FPT trình bày bức tranh tài chính FPT trong 3 năm tới.

Mới đây, lần đầu ra mắt giới đầu tư TP HCM ở vị trí CEO FPT trong sự kiện “Chuyển đổi số tại thị trường toàn cầu – cơ hội của FPT” tổ chức đầu tháng 6, anh Nguyễn Văn Khoa lần lượt trình bày về 3 trụ của FPT: nguồn lực, công nghệ và chuyển đổi số; tình hình kinh doanh của các mảng: Viễn thông, Giáo dục và bức tranh tài chính FPT 3 năm tới.

Tổng giám đốc FPT cho rằng, với nguồn lực hiện có, mảng kinh doanh chuyển đổi số của FPT sẽ đóng góp rất lớn, thậm chí có thể chiếm đến 50% doanh thu của Tập đoàn trong 5–10 năm tới. “FPT sẽ đi rất sâu vào công nghệ”, người điều hành nhà F khẳng định. Dự kiến khối công nghệ sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu, đóng góp 60% doanh thu của Tập đoàn vào năm 2021. Thị trường nước ngoài sẽ chiếm 73% doanh thu khối công nghệ.

Tỷ trọng đóng góp của khối công nghệ từ mức 58% cho giai đoạn 2016–2018 sẽ tăng lên 60% cho giai đoạn 2019 – 2021. Theo lãnh đạo FPT, mặc dù chỉ tăng thêm 2% sau 3 năm nhưng để nâng tỷ trọng đóng góp của mảng này lên đòi hỏi FPT phải chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, và thời gian phải “chín muồi”.

>> ‘Doanh thu khối công nghệ FPT đạt 1 tỷ USD năm 2021 là ‘hơi khiêm tốn’

Hà An

Ý kiến

()