Tại Đại hội đồng cổ đông FPT diễn ra chiều 7/4, HĐQT cùng Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027 đã ra mắt đại hội.
Theo đó, Hội đồng quản trị FPT có ba thành viên mới: ông Hampapur Rangadore Binod, nguyên PTGĐ Infosys - công ty CNTT Ấn Độ xếp thứ 4 thế giới, theo Brand Finance; ông Hiroshi Yokotsuka, cựu Chủ tịch Hiệp hội CNTT Nhật Bản và bà Trần Thị Hồng Lĩnh, đại diện SCIC. 4 ủy viên HĐQT FPT tái cử gồm: Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch HĐQT FPT Bùi Quang Ngọc, anh Đỗ Cao Bảo và ông Jean-Charles Belliol.
HĐQT và Ban Kiểm soát khoá mới ra mắt Đại hội. |
Từ 2009 khi là đại diện một quỹ đầu tư lớn, ông Belliol đã dõi theo các hoạt động của FPT và đặc biệt ấn tượng với sự phát triển của Tập đoàn. “Không chỉ ở Việt Nam, FPT còn tạo dấu ấn ở cả quốc tế khi hoạt động của FPT Software có thời điểm tăng trưởng gấp đôi sau mỗi 3 năm. Sự hiện diện của công ty tại Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và các nước châu Á khác cũng rất đáng chú ý”, ông nhận định.
Đã 10 năm trong vai trò thành viên HĐQT nhà F, ông Belliol luôn đóng góp tích cực cho các chính sách tài chính và các chương trình trọng điểm hàng năm của Tập đoàn. Chuyên gia tài chính doanh nghiệp và quản trị người Pháp nuôi niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của FPT, nhất là trong kỷ nguyên số. Ông cũng cho rằng, khi Tập đoàn đã hiện diện ở toàn cầu, nhiều nhân sự quốc tế, lại có sự góp mặt của những thành viên nước ngoài trong HĐQT, nhà F sẽ ngày càng nhanh chóng vươn ra toàn thế giới.
“Hiện tại trong HĐQT FPT, mỗi thành viên đều mang một màu sắc riêng, bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Văn hoá đa dạng sẽ đem đến nhiều cách tiếp cận khác biệt. Tôi tin làm việc cùng họ hứa hẹn thú vị, bởi chúng tôi bổ khuyết cho nhau, và điều đó sẽ mang lại rất nhiều cho FPT”, Jean-Charles Belliol nói.
Bà Trần Thị Hồng Lĩnh và ông Jean-Charles Belliol. |
Bà Trần Thị Hồng Lĩnh cũng đặt niềm tin vào sự phát triển của Tập đoàn. “Qua nhiều năm quản lý vốn Nhà nước tại FPT, tôi nhận thấy FPT duy trì một sự phát triển bền vững và ổn định. Chiến lược của Tập đoàn cũng rất rõ ràng, tiệm cận những xu hướng CNTT mới nhất”.
Là nhân sự trẻ nhất trong HĐQT nhưng đã sở hữu hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực đầu tư và quản trị doanh nghiệp, bà Hồng Lĩnh khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ FPT trong quản trị vốn Nhà nước nói riêng và quản trị Tập đoàn nói chung. “Tôi rất vui mừng khi nhận sự ủng hộ từ cổ đông, nhưng cũng cảm thấy áp lực không hề nhỏ. Tôi hy vọng mình sẽ là nhân tố mới, mang tới một sinh khí mới trong HĐQT để cùng FPT phát triển”, bà Lĩnh chia sẻ.
Không có mặt trực tiếp tại ĐHĐCĐ FPT 2022, hai thành viên mới của HĐQT là ông Hampapur Rangadore Binod và ông Hiroshi Yokotsuka cũng đã nhắn gửi quyết tâm tới toàn đại hội.
“Tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo quản trị doanh nghiệp ở tiêu chuẩn cao nhất, đồng thời mang đến những giá trị thiết thực cho khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư, đối tác và chính quyền địa phương”, ông Hampapur Rangadore Binod khẳng định.
Ông Hampapur Rangadore Binod chia sẻ từ xa. |
Cựu PTGĐ Infosys mang quốc tịch Ấn Độ và sở hữu 36 năm kinh nghiệm trong ngành CNTT. Bằng việc phát triển mô hình các trung tâm giáo dục toàn cầu đẳng cấp quốc tế, ông có công lớn trong phát triển nguồn lực chất lượng cao, đào tạo những quản lý cấp cao và chuyên gia CNTT hàng đầu thế giới, tạo môi trường làm việc đáng mơ ước tại Infosys. “Trở thành thành viên HĐQT FPT là cơ hội tuyệt vời để tôi cống hiến cho những bứt phá của FPT trong thời gian tới”, ông tin tưởng vào hành trình mới với FPT.
Cùng chia sẻ, ông Hiroshi Yokotsuka rất hy vọng với những kinh nghiệm này, có thể giúp FPT phát triển mạnh mẽ hơn nữa, và cùng các cổ đông đưa FPT vươn xa rộng khắp thế giới. Từng là Chủ tịch của Hiệp hội CNTT Nhật Bản, ông Yokotsuka có gần 50 năm cống hiến trong lĩnh vực CNTT. Ông là người dẫn dắt cuộc cải cách toàn diện về công nghệ thông tin cho Tokio Marine & Nichido Fire Insurance (công ty bảo hiểm hàng đầu Nhật Bản) nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung bằng dự án tái cấu trúc quy mô lớn giai đoạn năm 2004-2009. Đây có thể coi là thành công bước ngoặt về chuyển đổi số cho ngành bảo hiểm Nhật Bản.
Với nhân sự bổ sung đều sở hữu bề dày kinh nghiệm trong việc quản trị các doanh nghiệp công nghệ, cùng nền tảng chuyên môn sâu rộng trong các lĩnh vực mà FPT hướng đến trong thời kỳ tăng trưởng mới, HĐQT nhà F đang cho thấy rõ quyết tâm nhanh chóng đưa Tập đoàn ngày một lớn mạnh.
ĐHĐCĐ thường niên FPT 2022 thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu tăng trưởng 19% so với năm 2021, đạt 42.420 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đồng. Trong đó, khối công nghệ doanh thu tăng 21,1%, khối viễn thông tăng 14,8%, khối giáo dục và còn lại tăng 32,5%. Lợi nhuận năm nay dự kiến đạt 7.618 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2021. Ngoài một số thay đổi về thành viên HĐQT, kỳ họp này cũng dự kiến đánh dấu những thay đổi mang tính chiến lược. Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2024 và tầm nhìn 2030, FPT chú trọng vào lợi nhuận, năng suất và đổi mới hướng tới mục tiêu lớn, dài hạn là trở thành doanh nghiệp số và đứng trong Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030. |
Bảo Hân
Ý kiến
()