Trong bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng cổ đông, CEO FPT Nguyễn Văn Khoa nhận định, trải qua năm 2021 đầy khó khăn và thách thức, đội ngũ FPT đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn của cuộc chiến chống Covid-19, nhờ đó sức mạnh chung của tập đoàn được củng cố hơn bao giờ hết. Năm 2021, với dịch bệnh phức tạp nhưng FPT đã làm được rất nhiều về chuyển đổi số với các doanh nghiệp trong nước. FPT hiện đã sẵn sàng khai phá mọi cơ hội, mở rộng tăng trưởng. Trong đó, hai cơ hội lớn hiện tại tới từ Đầu tư công và Chuyển đổi số.
Về cơ hội đầu tư công, tập đoàn xác định đầu tư công lần này gắn liền với công nghệ, hạ tầng số, chuyển đổi số. Điển hình tại TP Cần Thơ, riêng ngân sách cho đô thị thông minh lên đến 978 tỷ đồng chỉ cho một đề án. Đến nay, 54 tỉnh/thành đã có chương trình chuyển đổi số, vì vậy cơ hội cho FPT vô cùng phong phú. Trong đó, tập đoàn đã tiếp cận 40 tỉnh/thành, ký kết với 14 tỉnh/thành. Thậm chí, nhiều tỉnh sẵn sàng giao cho FPT hơn 20% ngân sách.
CEO FPT Nguyễn Văn Khoa nhận định hai cơ hội lớn hiện tại tới từ Đầu tư công và Chuyển đổi số. Ảnh: Trần Huấn. |
Đối với doanh nghiệp Việt, cả doanh nghiệp lớn và nhỏ đều sẵn sàng chi cho chuyển đổi số. Điển hình, FPT đã có thể chiều lòng khách hàng lớn và khó như khi golive hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP cho tổng thầu Coteccons chỉ trong 100 ngày - tạo nên chuẩn mực mới triển khai ERP cho ngành xây dựng và bất động sản.
Coteccons quyết định triển khai dự án ngay trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh và đặt quyết tâm đưa vào vận hành trong vòng 3 tháng. Bởi công ty xác định không dừng chuyển đổi, mà phải tăng tốc hơn để kiện toàn hệ thống hoạt động, nâng cao công tác quản trị đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và bứt phá. Đội dự án từ Coteccons và FPT đã hoàn thành cam kết một cách ngoạn mục, ngay trong thời điểm khó khăn này.
“Coteccons giao dự án ERP cho FPT, họ không tin chúng tôi làm được. Cũng giống như thời điểm một năm trước, quý vị không tin FPT có thể 'sửa' được sàn HoSE trong 100 ngày. Coteccons cũng ra điều kiện chúng tôi làm trong 100 ngày, và chúng tôi đã làm được”, anh Khoa nhắc lại.
CEO nhà F khẳng định, ở Việt Nam hiện nay, FPT là công ty duy nhất có năng lực đáp ứng những nhiệm vụ ấy. Tập đoàn sẽ tiếp tục phấn đấu để tiếp tục là đơn vị lớn nhất và tốt nhất cả nước về chuyển đổi số trong ít nhất 10 năm tới.
FPT đang tiếp cận khách hàng từ khâu tư vấn đến ký hợp đồng lớn và tiếp tục tham gia sâu và dài hạn trong nhiều năm. “1 đồng tiền tư vấn sẽ cần 10 đồng phát triển và 100 đồng vận hành. Chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh với tất cả đối thủ trên toàn thế giới, dù là những tập đoàn lớn. FPT có thể đóng gói mô hình mẫu thành công trong nước kết hợp với nước ngoài, cung cấp trọn bộ giải pháp các ngành sản xuất, tài chính, bán lẻ, năng lượng… Đi theo hướng này, FPT sẽ chủ động đi cùng xu hướng mới nhất, hiệu quả nhất”.
Cổ đông trực tuyến đặt câu hỏi tại đại hội cổ đông của FPT. Ảnh: Trần Huấn. |
Tại thị trường nước ngoài, FPT sẽ tập trung xây dựng năng lực tư vấn, phát triển các giải pháp công nghệ mới để hoàn thiện gói giải pháp số cho khách hàng toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục theo đuổi chiến lược "Săn cá voi", tập trung khai thác các khách hàng có quy mô doanh số lớn (large deal), nhất là khi năm 2021, số lượng dự án trên 5 triệu USD tăng gấp đôi và đầu năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực.
“Năm 2021, FPT đã triển khai Nền tảng dữ liệu khách hàng (Customer Data Platform), phân tích dữ liệu của 50 triệu khách hàng sử dụng các nền tảng dịch vụ của FPT trên toàn cầu. Qua đó, hiểu hơn nhu cầu, hành vi tiêu dùng và đưa ra những giải pháp phù hợp, kịp thời trong tương lai. Đây là viễn cảnh đầy hứa hẹn”.
FPT sở hữu nhiều mô hình công nghệ, truyền thông, viễn thông (Technology, Media and Telecom Sector - TMT): mua các nội dung bản quyền tốt nhất (AFF, AFC, World Cup…, nội dung phim, giải trí)... "Có khách hàng nói rằng, ai xem đá bóng mà muốn xem bàn thắng vào trước hàng xóm 30 giây thì phải sử dụng FPT Play", anh Khoa chia sẻ.
Cuối cùng, CEO FPT nhận định 2022 hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng bứt phá. Trong đó, kế hoạch kinh doanh 2022 sẽ đề ra mục tiêu tăng 19% doanh thu và 20,2% lợi nhuận sau thế. Tập đoàn đang đứng trước các cơ hội rộng mở và có năng lực sẵn sàng khai phá cơ hội, mở rộng tăng trưởng.
ĐHĐCĐ thường niên FPT 2022 thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu tăng trưởng 19% so với năm 2021, đạt 42.420 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đồng. Trong đó, khối công nghệ doanh thu tăng 21,1%, khối viễn thông tăng 14,8%, khối giáo dục và còn lại tăng 32,5%. Lợi nhuận năm nay dự kiến đạt 7.618 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2021. Ngoài một số thay đổi về thành viên HĐQT, kỳ họp này cũng dự kiến đánh dấu những thay đổi mang tính chiến lược. Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2024 và tầm nhìn 2030, FPT chú trọng vào lợi nhuận, năng suất và đổi mới hướng tới mục tiêu lớn, dài hạn là trở thành doanh nghiệp số và đứng trong Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030. |
>> CEO Nguyễn Văn Khoa: ‘FPT Japan tiên phong trong chiến lược ERP nhà F’
Sơn Thạnh
Ý kiến
()