Chúng ta

‘FPT xây nền chuyển đổi số cho doanh nghiệp và xã hội’

Thứ ba, 22/10/2019 | 13:20 GMT+7

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho biết bên cạnh ứng dụng các sản phẩm số vào đời sống và công việc hàng ngày, FPT đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nền tảng giúp chuyển đổi số cho doanh nghiệp và toàn xã hội.

Sáng nay (22/10), ngày Công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản 2019 - Japan ICT Day 2019 đã khai mạc tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng với chủ đề "Hợp tác Việt - Nhật thúc đẩy chuyển đổi số", thu hút sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp CNTT. Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA) cùng CLB hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) phối hợp với UBND thành phố tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự hỗ trợ của các tổ chức xúc tiến hợp tác và Hiệp hội CNTT Nhật Bản.

73417811-419241955454589-72958-5326-3074

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2019.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết Nhật Bản hiện là đối tác đầu tư FDI lớn nhất tại Đà Nẵng với 177 dự án, tổng vốn đầu tư trên 800 triệu USD (chiếm 25% tổng vốn đầu tư FDI vào thành phố), tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, CNTT và truyền thông, bất động sản, dịch vụ. Trong đó, có trên 65 doanh nghiệp CNTT, một số đã xây dựng được thương hiệu mạnh như: NeoLab, Nippon Seiki, Mabuchi Motor, Asian Tech… Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất của các doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng, chiếm lĩnh 36% thị phần xuất khẩu.

Chiến lược phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 xác định ưu tiên nhiệm vụ “phát triển điện tử, viễn thông, CNTT gắn với nền kinh tế số”. Dự kiến đến năm 2025, ngành CNTT sẽ đóng góp 10% vào GRDP thành phố, đến năm 2030 là 15%. Đà Nẵng cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp như ban hành và triển khai đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đề án Thành phố thông minh; Nghị quyết Phát triển hạ tầng CNTT; chính sách phát triển doanh nghiệp CNTT; chính sách tăng chỉ tiêu đào tạo CNTT tại các trường và thu hút nhân lực; xúc tiến xây dựng thêm khu Công viên phần mềm mở rộng, khu Công viên phần mềm số 2; kết nối và xúc tiến đầu tư vào khu Công nghệ cao, khu CNTT tập trung…

Tham gia phiên thảo luận với chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam thịnh vượng", Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến mở đầu bằng câu hỏi “Vì sao phải chuyển đổi số”. Thừa nhận người Việt Nam cần cù chịu khó, tuy nhiên ứng dụng công nghiệp vào sản xuất, vào quản lý doanh nghiệp, xã hội vẫn còn khá hạn chế. Nhiều quy trình nghiệp vụ vẫn còn thực hiện thủ công; giao thông ùn tắc dẫn đến thời gian di chuyển kéo dài; nguồn lực chưa được tối ưu hóa tối đa. “Giải pháp duy nhất để thay đổi cục diện chính là chuyển đổi số”, anh nói và cho biết chính phủ Việt Nam đã xác định rõ con đường này khi thành lập dự thảo đề án Chuyển đổi số quốc gia, mục tiêu đến 2025 vào Top 4 ASEAN về xếp hàng số hóa quốc gia.

Thời gian qua, vai trò của FPT được thể hiện rõ nét khi là đơn vị tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Tại Vietnam ICT Summit tháng 9, FPT đã cam kết giúp các tổ chức, doanh nghiệp tiết kiệm 30-50% thời gian thực hiện chuyển đổi số. FPT cũng đang thực hiện chuyển đổi số ngay trong chính nội bộ để trở thành “bản CV tốt nhất” khi giới thiệu mình với khách hàng trên khắp thế giới.

Song song với phần chia sẻ, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến còn trình chiếu một video giới thiệu những nền tảng và sản phẩm số của tập đoàn đang được ứng dụng như giao thông thông minh, akaMES, akaBot... “Chuyển đổi số giúp cho mọi việc trở nên dễ dàng, tiện lợi và nhanh chóng hơn, từ dịch thuật tài liệu, thanh toán, di chuyển cho đến công việc lập trình, xử lý các thắc mắc, khiếu nại”, anh tiếp lời.

D-1-JPG-8084-1571724252.jpg

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến tham gia phiên thảo luận với chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam thịnh vượng".

Trước sự chứng kiến của hơn 300 doanh nghiệp, anh Tiến “bật mí” ba thế mạnh cốt lõi giúp FPT triển khai dịch vụ chuyển đổi số. Về phương pháp luận, FPT có kinh nghiệm nhiều năm hợp tác cùng các tập đoàn hàng đầu thế giới như AWS, các hãng máy bay hàng đầu thế giới, Siemens, GE… và hơn 3 năm thực hiện chuyển đối số trong nội bộ. Từ đó, FPT đã đúc kết ra được một phương pháp luận chuyển đổi số mang tên FPT Digital Kaizen. Phương pháp “Nghĩ lớn – thực hiện thông minh – phát triển tốc độ” giúp chuyển đổi số đơn giản, hiệu quả, không đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. FPT cũng sẵn sàng chia sẻ và chuyển giao FPT Digital Kaizen cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Thế mạnh tiếp theo chính là nguồn nhân lực chất lượng và nền tảng công nghệ. FPT hiện có hơn 16 nghìn kỹ sư và chuyên gia công nghệ, đặc biệt cam kết đào tạo cho Việt Nam hơn 50.000 chuyên gia chuyển đổi số trong tương lai. Nhiều nền tảng và giải pháp công nghệ được được ứng dụng toàn diện như AI, Big Data, Blockchain, Cloud… giúp tối ưu hóa hoạt động, gia tăng trải nghiệm người dùng và tăng năng suất lao động.

Hai ngày ngày 22 - 23/10, UBND Thành phố Đà Nẵng cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động quốc tế quan trọng về CNTT tại thành phố Đà Nẵng gồm: Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh - Smart City Summit lần thứ 3 và Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản - Japan ICT Day lần thứ 12.

Chủ tịch FPT kiêm Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình là người phát biểu khai mạc cũng như tham gia công tác điều phối để thảo luận các vấn đề liên quan đến tầm nhìn xây dựng thành phố thông minh. Các bên đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược trong nước và khu vực, đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như IoT, Big Data, AI, SMAC… Từ đó giúp quản lý hiệu quả hoạt động của thành phố và đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp.

>> Chủ tịch Trương Gia Bình điều phối Smart City Summit 2019

Việt Nguyễn

Ý kiến

()