Chúng ta

FPT tăng trần, vượt 100.000 đồng/cổ phiếu

Thứ ba, 29/3/2022 | 14:33 GMT+7

Cổ phiếu tăng vượt đỉnh (104.900 đồng) giúp vốn hóa của FPT đạt hơn 95.000 tỷ đồng.

Sau phiên đầu tuần đầy sóng gió, thị trường chứng khoán phiên hồi phục mạnh mẽ nhờ lực kéo đến từ các bluechips, trong đó nổi bật là FPT. 

Chốt phiên hôm nay (ngày 29/3), FPT tăng 6.800 đồng, tương đương 6,9%, lên mức giá 104.900 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu sang tay cũng cao hơn gấp nhiều lần so với trung bình 10 phiên trước đó, với hơn 8 triệu đơn vị, tương đương hơn 800 tỷ đồng.

Nhờ phiên tăng ấn tượng, FPT đã chính thức vượt qua đỉnh cũ (ngày 25/11/2021) và trở lại câu lạc bộ 100 (thị giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu). Vốn hóa thị trường cũng theo đó vượt hơn 95.000 tỷ đồng, tăng 17% trong 2 tháng và cao hơn 57% so với thời điểm cách đây 1 năm. 

2022-03-29-135330-4991-1648539203.png

Diễn biến cổ phiếu FPT trong vòng 3 tháng đầu năm 2022.

Với đặc thù có yếu tố công nghệ khan hiếm trên sàn, FPT vẫn cho thấy sức hút đáng kể đối với nhà đầu tư trong nước cũng các quỹ ngoại.

Đà tăng của cổ phiếu được hỗ trợ tích cực đến từ các yếu tố cơ bản với kết quả kinh doanh tăng trưởng cao. 2 tháng đầu năm 2022, FPT ước tính doanh thu đạt 6.102 tỷ đồng, tăng 27% và lợi nhuận trước thuế (LNTT) 1.102 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 2 tháng đầu năm đạt 756 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ và đạt 106% kế hoạch.

Dựa trên kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm, Chứng khoán Agriseco kỳ vọng lợi nhuận quý 1/2022 của FPT có thể tiếp tục tăng 20%. Mảng công nghệ đóng góp chính vào doanh thu từ các hợp đồng ký mới. Việc các thị trường nước ngoài phục hồi với nhu cầu chuyển đổi số tăng cao, Agriseco kỳ vọng FPT sẽ tiếp tục ghi nhận các hợp đồng ký mới với tốc độ tăng trưởng hơn 30%, đóng góp đà tăng trưởng lợi nhuận 20% năm 2022.

Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), với lợi thế quy mô cùng với sự chuẩn bị đầu tư vào hạ tầng và nhân lực, FPT có rất nhiều lợi thế trong ngành công nghệ Việt Nam và có nhiều triển vọng trong tương lai cùng với chiến lược mở rộng ở thị trường nước ngoài.

Trong ngắn hạn, FPT có nhiều triển vọng tích cực nhờ xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng của mảng tư vấn CNTT nội địa. FPT đang tích cực tư vấn giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho các tỉnh miền Trung Việt Nam (Khánh Hòa, Phú Yên…). Doanh thu và lợi nhuận mảng này được kỳ vọng tăng trưởng 50% trong năm 2022 và 30% trong 3 năm kế tiếp.

Ngày 7/4 tới, FPT sẽ triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Tại kỳ đại hội này, Hội đồng quản trị của FPT trình đại hội xem xét thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với 42.420 tỷ đồng doanh thu, 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 19% và 20,2% so với năm 2021.

Trong đó, doanh thu từ khối công nghệ đạt 24.900 tỷ đồng, tăng 21,1%; doanh thu khối viễn thông đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 14,8% và doanh thu khối giáo dục, đầu tư và khác đạt 2.960 tỷ đồng, tăng 32,5%.

Cũng tại kỳ đại hội này, Hội đồng quản trị của FPT sẽ trình đại hội thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 40%, trong đó 20% bằng tiền (đã chi trả 10%), phần còn lại sẽ được thực hiện trước khi kết thúc quý III/2022 sau khi được đại hội thông qua.

Ý kiến

()