Chúng ta

Covid-19 thay đổi độ yêu thích của người dùng với các thương hiệu

Chủ nhật, 27/9/2020 | 21:19 GMT+7

Cái nhìn về cuộc sống, công việc, và về các thương hiệu của người dùng được thông qua một lăng kính hoàn toàn khác "tạo ra bởi Covid-19"

Dịch bệnh do virus Corona đã khiến nhiều người làm việc tại nhà, điều này đã thay đổi hoàn toàn lối sống của con người. Theo một nghiên cứu gần đây, đại dịch này cũng thay đổi cách người dùng nhìn nhận một số thương hiệu. Thật vậy, giờ đây, cái nhìn về cuộc sống, tình yêu và công việc của người dùng đang thông qua một lăng kính hoàn toàn khác. Đó là một góc nhìn được "tạo ra bởi Covid-19".

Việc dành nhiều thời gian ở nhà hơn khiến người dùng có những nhu cầu và cảm nhận mới về mọi thứ xung quanh. Những thứ đó bao gồm các sản phẩm sử dụng, những thương hiệu vẫn luôn tin dùng.

Theo ZDNet, công ty nghiên cứu xu hướng người tiêu dùng Brand Keys vừa tiến hành cuộc nghiên cứu hàng năm về sự trung thành với các nhãn hiệu của người tiêu dùng. Nghiên cứu đã khảo sát hơn 55.000 khách hàng trong tháng 8 và tháng 9. Nó đem lại một cái nhìn toàn diện về những nhãn hàng được người tiêu dùng tin chọn và những nhãn hàng không (còn) chiếm được cảm tình của khách hàng.

s3-reutersmedia-4304-1601212208.jpg

Covid-19 thay đổi độ yêu thích của người dùng với các thương hiệu. Ảnh: ZDNet.

Xếp vị trí thứ nhất về mức độ được yêu thích là dịch vụ bán lẻ của Amazon. Bởi lẽ, nếu không có dịch vụ này, chúng ta phải làm sao để mua được giấy vệ sinh trong khi dịch bệnh vẫn đang lan rộng? Hai thứ hạng tiếp theo thuộc về dịch vụ phát video trực tuyến của Netflix và Amazon, và đứng thứ 4 là Iphone. 

Những thương hiệu trên đã đồng loạt thế chỗ dịch vụ tìm kiếm của Google, điện thoại thông minh của Samsung và máy tính bảng của Amazon.

Qua đó, ta có thể thấy những dịch vụ kỹ thuật số mang lại cảm tình cho người dùng và được đánh giá cao hơn những sản phẩm khác.Ví dụ, trong khi Ipad của Apple tụt dốc, dịch vụ phát video trực tuyến của Disney lại tăng vọt lên vị trí thứ 7.

Xem xét kết quả cuộc khảo sát này kỹ hơn, người ta thấy Twitter giảm 26 bậc, các nhãn rượu như Smirnoff lại tăng 26 bậc, Ketel One tăng 16 bậc và rượu Grey Goose tăng 10 bậc. Có khi nào việc quá nhiều những dòng trạng thái phẫn nộ trên Twitter đang khiến mọi người mệt mỏi và họ chỉ muốn tắt chúng đi rồi...uống chút rượu cho khuây khỏa? Vì những dòng phẫn nộ đó đâu phải từ những người quen của họ.

Tuy có tới 1.121 nhãn hiệu cho những người người tham gia cuộc khảo sát lựa chọn, nhưng có vẻ những sản phẩm tác động đến cảm xúc đã quyết định sự lựa chọn của họ.

Hãy nhìn vào thương hiệu công nghệ LinkedIn của Microsoft, nó dường như không còn chỗ đứng khi mà đã hoàn toàn bị loại khỏi khỏi top 100. Có khi nào người ta không còn tin vào khả năng kết nối việc làm? Liệu có phải do LinkedIn không đáp ứng được nhu cầu mà người dùng mong đợi nhất - đó là cho họ một công việc tốt?

LinkedIn không phải là thương hiệu duy nhất bị tụt dốc. Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's, công ty thương mại du lịch trực tuyến Expedia hay hãng hàng không Delta Air Lines cũng đều rớt khỏi bảng xếp hạng. Trong khi Pinterest tụt dốc thảm hại, YouTube và Instagram lại tăng hạng đáng kể. 

Công ty Brand Keys tin rằng mức độ trung thành đem lại khả năng dự đoán vô cùng hiệu quả về xu hướng của khách hàng trong tương lai. Robert Passikoff, nhà sáng lập kiêm chủ tịch công ty chia sẻ: “Độ trung thành của khách hàng càng cao, họ càng phản hồi tích cực với nhãn hiệu. Càng được ủng hộ, nhãn hiệu càng trở nên vững mạnh”.

Dựa trên kết quả cuộc khảo sát, ta có thể thấy đây chính là bức tranh cho tương lai. Chúng ta đang dần từ bỏ Facebook, Fox News, Twitter và Ford. Thay vào đó, ta hướng tới Zoom, Instagram, Disney, Youtube và...rượu vodka. "Một thế giới như thế liệu có tốt hơn không?" - ZDNet đặt câu hỏi.

>> Netflix hé lộ mặt trái của những nền tảng công nghệ hàng đầu

Thủy Minh

Ý kiến

()