Chúng ta

Cơ hội tăng trưởng từ miền đất hứa

Thứ năm, 8/10/2015 | 11:20 GMT+7

Là một trong 4 chủ đề thảo luận tại Hội nghị Chất lượng FPT Software năm nay (Quality Day 2015), “How to bulid a Dream Land” đã gợi mở ra hướng phát triển cho Cebu (Philippines), Myanmar và các dự án toàn cầu hóa của công ty Phần mềm FPT, dù còn tồn tại không ít thách thức liên quan đến chí phí, trình độ nhân sự người nước ngoài.

Theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, FPT Software đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu và cán mốc 30.000 người. Để đạt được mục tiêu này, FPT Software cần phải xây dựng 20 campus trên toàn thế giới (bao gồm cả Việt Nam), đồng nghĩa với việc FPT Software sẽ phải xây dựng thêm nhiều ‘sites’ ở thị trường nước ngoài để tuyển quân.

FPT Software Phillipines nhắm tới tăng trưởng đạt 250 nhân viên Q1 trong năm 2016 và đạt ít nhất 1500 nhân viên vào cuối năm 2019.

FPT Software Phillipines nhắm tới tăng trưởng đạt 250 nhân viên trong năm 2016 và đạt ít nhất 1.500 nhân viên vào cuối năm 2019.

Kế hoạch này đang được lãnh đạo FPT Software hiện thực hóa với 2 thị trường Cebu (Philippines), Myanmar. Trong đó, Cebu là thành phố lớn thứ 2 ở Philippines đã được lựa chọn để trở thành công ty con thứ 8 của FPT Software ở nước ngoài vào tháng 5 vừa qua với tên gọi FPT Software Philippines đặt tại Công viên CNTT Cebu. Riêng đối Myanmar, việc mở văn phòng đang được gấp rút tiến hành và bước đầu đã tuyển được một số nhân sự IT người Myanmar để chuyển về Việt Nam đào tạo.

Điểm mạnh của nhân sự IT tại Philippines, Myanmar là khả năng tiếng Anh tốt, đặc biệt tại Phillipines. Tư duy làm việc chuyên nghiệp ở môi trường quốc tế cũng là điểm cộng cho nhóm đối tượng này. Theo anh Trần Duy Vinh, Phó GĐ FPT Software HCM, người đang phụ trách dự án mở “new site” ở Cebu: “Năng lực ngoại ngữ của các bạn Philippines là không phải bàn cãi. Nhiều dự án của FSOFT cho khách hàng nước ngoài đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng, như dự án DTV”.

Tuy nhiên, cũng theo anh Vinh, khó khăn khi mở một “new site” ở thị trường nước ngoài rất nhiều, trong đó lớn nhất đến từ tình trạng… thiếu việc. Thực tế, ngay tại chi nhánh Cebu, FPT Software Philippines đã tuyển thành công khoảng 80 nhân sự người sở tại chuyên về công nghệ Java, C/ C++, công nghệ nhúng, PM/ SM, nhưng hiện mới chỉ có việc cho trên 20 người.

Anh Vinh lý giải: “Vấn đề đối với bất kỳ ‘new site’ nào là không có việc để làm trong thời kỳ đầu. Cebu hiện cũng đang rơi vào tình trạng này. Trong khi đó, các FSU lại chưa thể cung cấp việc sang, phần vì giá nhân công đắt đỏ (cao hơn Việt Nam trên 25%) phần vì đối với các công nghệ khó, trình độ của nhân sự người Philippines chưa đáp ứng ngay được”.

Đồng tình với quan điểm này, Phó TGĐ FPT Software Nguyễn Khải Hoàn khẳng định, mức chi phí 1.800 USD/ MM tại Cebu sẽ khó hấp dẫn các FSU chuyển việc sang ‘sites’ mới.

Còn theo  Phó TGĐ FPT Software Đỗ Văn Khắc, việc mở “new sites” ở nước ngoài cũng là một dạng đầu tư. Nếu tuyển được người, nhưng sau đó không thể giao việc cho họ làm là một thất bại của anh Đỗ Văn Khắc. “Thất bại bởi chúng ta không chỉ mất đi cơ hội, mà gần hơn là mất đi chi phí đầu tư lớn ban đầu. Và đây thực sự là vấn đề lớn của FPT Software”, anh Khắc nói.

Theo con số thống kê của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Cebu (CIPC – Cebu Investment Promotions Center) hàng năm Philippines có khoảng 80.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm, trong đó có khoảng 28,6% là sinh viên thuộc lĩnh vực CNTT và Kỹ thuật. So với một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, nguồn nhân lực của Philippines đang có lợi thế lớn. Như vậy, việc mở ‘site’ ở Philippines là cần thiết và sẽ mang lại lợi ích cho FPT Software về lâu dài. Vấn đề là làm thế nào để mang việc về cho Cebu?

Tại Quality Day 2015, nhóm anh Trần Duy Vinh đã trình bày một số ý tưởng trong ngắn hạn, trong đó đảm bảo mỗi “new site” như Cebu phải có khoảng 50% công việc để duy trì hoạt động ban đầu. Công việc sẽ lấy từ các FSU thông qua việc tạo ra chính sách hấp dẫn và phù hợp, áp dụng ngay trong năm 2015. Đơn cử như mọi doanh thu nhờ sử dụng nguồn lực từ Cebu sẽ vẫn lấy về các FSU, ‘offer’ mức giá nhân công tương đương với Việt Nam (số tiền chênh lệch lấy từ quỹ đầu tư FPT Software), cho phép PM quản trị các dự án “multi-site”…

Cũng theo anh Vinh, việc chênh lệch giá nhân công qua các năm sẽ giảm dần để tiệm cận với chí phí hiện tại ở Việt Nam. Do sau một thời gian phát triển, Cebu sẽ ưu tiên tuyển ‘fresher’ để giảm chi phí, thay vì tuyển người có kinh nghiệm.

Về dài hạn, Ban Đảm bảo phát triển kinh doanh (FWB) sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh cho Cebu. Đồng thời, anh Trần Duy Vinh là người đứng ra đảm nhiệm xây dựng đội kinh doanh cho Cebu để tiếp cận nhiều cơ hội dự án trong FPT Software.

Góp ý cho đội dự án “new sites”, theo chị Nguyễn Tú Huyền, Trưởng ban Kế hoạch Chiến lược, đội dự án cần đánh giá lại nguồn lực tại Cebu xem phù hợp với mảng thị trường nào, làm thế nào nguồn lực đó hấp dẫn với khách hàng đang có.

“Thực tế để xây dựng phương án kinh doanh cho ’new site’ có trình độ tiếng Anh tốt như Cebu không hề dễ. Ví dụ để phục vụ tốt thị trường Nhật đòi hỏi nguồn nhân lực không chỉ giỏi tiếng Anh, mà còn phải giỏi cả tiếng Nhật”, chị Huyền nói thêm.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, nhân lực FPT Software Philippines sẽ có khoảng 150 người và con số này sẽ tăng lên gấp 10 lần vào năm 2020. Việc tăng trưởng số lượng nhân sự nhanh chóng đòi hỏi Cebu phải tìm kiếm khối lượng công việc đủ lớn để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, cả trong ngắn và dài hạn. Đây cũng chính là ‘case-study’ điển hình cho bất kỳ ‘new sites’ nào của FPT Software trong tương lai.

Khánh Hưng

Ý kiến

()