Chúng ta

Chủ tịch FPT dự đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp Mỹ

Thứ bảy, 28/9/2013 | 10:20 GMT+7

"ICT, năng lượng, hàng không, tài chính, ngân hàng... là những lĩnh vực chúng tôi rất khuyến khích. Mỹ không nên phân biệt đối với hàng hóa Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói tại Diễn đàn đầu tư Việt - Mỹ.
> 'Chúng ta đã có khởi đầu không thể tốt hơn' FPT tham dự hội nghị thượng đỉnh của Gartner

d

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ hai từ phải sang) và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình (thứ ba từ phải sang) trao đổi trước buổi đối thoại. Ảnh: FUSA.

Trong chuyến công tác tại Mỹ, trưa ngày 27/9 (23h giờ Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Việt - Mỹ, đồng thời đối thoại với các doanh nghiệp lớn của nước này tại New York.

d

Thủ tướng đăng đàn trước khoảng 50 doanh nghiệp lớn của Mỹ. Ảnh: FUSA.

Đúng 23h, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có mặt tại khán phòng trong sự chào đón nồng nhiệt của các doanh nhân hàng đầu Mỹ. Cùng dự sự kiện này có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng; ông Vũ Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, GĐ FPT tại Mỹ Bùi Hoàng Tùng và hơn 50 doanh nghiệp, quỹ đầu tư hàng đầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sự kiện này được OneTV, FPT Telecom, truyền hình trực tiếp để phát trên VnExpress cho hàng triệu độc giả của báo trên toàn cầu. 

d

Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: FUSA.

"Thủ tướng là người bạn thân thiết của Mỹ. Điều này thể hiện niềm tin của các doanh nghiệp Mỹ vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam và Thủ tướng có mặt ở đây đã minh chứng cho điều đó", ông Alex, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Việt Nam phát biểu. "Cám ơn FPT và FPT USA đã mang công nghệ của mình để truyền hình trực tiếp sự kiện này đến toàn thế giới", ông Alex gửi lời cảm ơn FPT trước khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn.

Cùng quan tâm tới Việt Nam, nơi mà họ đã hoặc đang dự định đầu tư, các câu hỏi của giới doanh nghiệp Mỹ dành cho người đứng đầu Chính phủ đều rất thẳng thắn, cụ thể và cho thấy những quan ngại sâu sắc của nhà đầu tư đối với hiện trạng của nền kinh tế. Trích dẫn báo cáo gần đây của WB cho thấy, cải cách doanh nghiệp Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam, đại diện một tập đoàn lớn bày tỏ sự quan ngại khi tốc độ thực hiện quá trình này có phần chậm lại trong thời gian qua.

d

Anh Trương Gia Bình tranh thủ trả lời phỏng vấn VTV trước giờ khai mạc. Ảnh: FUSA.

Lo ngại được đại diện Chính phủ Việt Nam giải tỏa khi cho biết con số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đã giảm từ 12.000 năm 2001 xuống còn 1.300 đơn vị trong năm nay. Trong số này hiện có khoảng 100 tập đoàn, tổng công ty mà theo Thủ tướng, sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn từ nay đến 2020.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực tiến hành công cuộc đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh, đã trở thành nước có thu nhập trung bình, là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, đã đạt và vượt nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Hiện nay, chúng tôi đang quyết tâm đưa đất nước phát triển bền vững, trở thành nước công nghiệp hiện đại".

d

Anh Bùi Hoàng Tùng (phải), GĐ FPT USA, trao đổi với một vị khách trước giờ diễn ra chương trình. Ảnh: FUSA.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, song song với các cải cách ở trong nước, Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Việt Nam đang tiến hành đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do quan trọng với các khu vực và trung tâm kinh tế hàng đầu trên thế giới. Với triển vọng hoàn tất các Hiệp định này, nhất là Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến quan trọng, hấp dẫn của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, với vị trí địa chiến lược quan trọng, Việt Nam sẽ đóng vai trò cầu nối đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN thống nhất sẽ hình thành vào năm 2015.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đang cải cách thể chế để các doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư minh bạch vào Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế: "Chúng tôi mong các bạn ủng hộ tiến trình cải cách ở Việt Nam, để góp phần đầu tư thương mại thành công ở Việt Nam".

"Tôi xin nói là lĩnh vực ICT, năng lượng, hàng không, tài chính, ngân hàng là những lĩnh vực chúng tôi rất khuyến khích. Mỹ không nên phân biệt đối với hàng hóa Việt Nam. Các mặt hàng nông sản liên quan đến hàng triệu nông dân nghèo Việt Nam", Thủ tướng bày tỏ.

Na Vy

Ý kiến

()