Chúng ta

Chốt xây FPT Telecom Tower Tân Thuận trong năm 2022

Thứ tư, 20/4/2022 | 13:48 GMT+7

Đại hội Đồng Cổ đông thường niên năm 2022 nhà "Cáo" quyết định trong năm 2022 đơn vị sẽ triển khai khởi công dự án xây dựng tòa nhà văn phòng FPT Telecom Tower tại KCX Tân Thuận, TP HCM để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về văn phòng làm việc.

IMG-7065-1536x864-8494-1650437212.jpg

Các đại biểu ĐHĐCĐ FPT Telecom năm 2022 tại đầu cầu HN.

Đại hội Đồng Cổ đông thường niên năm 2022 của FPT Telecom diễn ra ngày 20/4 bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Mục tiêu tăng trưởng kỷ lục

Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Hoàng Nam Tiến trình bày Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh FPT 2021 và kế hoạch 2022.

Theo đó, 2021 là năm đặc biệt với FPT Telecom khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu với những biến chủng mới, cản trở đà phục hồi của kinh tế thế giới. Song, bất chấp các những thách thức, năm qua, FPT Telecom đã đạt doanh thu 12.686 tỷ đồng, tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ và đạt 99,9% đề ra. Các mảng kinh doanh vẫn giữ được tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

“Nếu không có dịch Covid-19 và sự tê liệt vì giãn cách xã hội, tôi khẳng định FPT Telecom sẽ làm được tốt hơn. Năm qua, chúng ta đã hợp nhất hai thương hiệu FPT Play và Truyền hình, đang phục vụ hàng triệu khách hàng. FPT Camera cũng dần chứng minh được thực lực, chinh phục người dùng bằng các gói dịch vụ lưu trữ với nhiều lựa chọn. Smarthome đem lại trải nghiệm đồng nhất và thông minh đi kèm lựa chọn giải trí FPT Play, tạo sự khác biệt với sản phẩm khác trên thị trường. Trong khi đó, giải pháp họp tích hợp thông minh OnMeeting cũng đạt được dấu ấn mạnh mẽ. FPT Telecom hiện có mặt tại 59 tỉnh, thành trên toàn quốc với hơn 55% số lượng quận, huyện đã có hạ tầng”, anh Hoàng Nam Tiến cho biết.

dsc00372-1536x865-1650437208-5885-165043

TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa tại đầu cầu TP HCM.

Người đứng đầu FPT Telecom nhấn mạnh trong năm 2022, Viễn thông FPT quyết định đặt nhiều mục tiêu thách thức, đặc biệt là doanh thu 14.560 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8% so với năm 2021. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của công ty là 2.812 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4%. 

Với mục tiêu là doanh nghiệp số 1 Việt Nam về trung tâm dữ liệu, FPT Telecom sẽ đẩy nhanh hoàn thiện Data Center tại quận 7 (TP HCM) và Cầu Giấy (HN) đang bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cạnh đó, hai Data Center ở quận 9 và Đà Nẵng sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai.

Trong năm 2022, FPT Telecom sẽ triển khai khởi công dự án xây dựng tòa nhà văn phòng FPT Telecom Tower tại Tân Thuận, TP HCM để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về văn phòng làm việc. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển để đưa ra các dịch vụ mới.

Về nguồn nhân lực, FPT Telecom sẽ cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và dự kiến đến cuối năm 2022, số lượng nhân sự của công ty đạt khoảng 10.000 người.

“Với sự quyết tâm, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ làm được, đưa FPT Telecom trở thành công ty đa nền tảng đứng đầu trên thị trường”, người đứng đầu Viễn thông FPT khẳng định.

Thay đổi, bổ sung nhân sự 

ĐHĐCĐ cũng thông qua việc miễn nhiệm anh Phạm Công Minh - thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 theo đơn từ nhiệm; đề cử anh Nguyễn Hoàng Quyền, chuyên viên Ban Đầu tư 1 (SCIC), là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023.

Với Ban Kiểm soát, ĐHĐCĐ thông qua miễn nhiệm anh Nguyễn Lương Tâm - Trưởng Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023, anh Phan Phương Đạt - Thành viên Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023 theo đơn từ nhiệm; đề cử anh Trần Khương và anh Phạm Xuân Hoàn vào danh sách bầu bổ sung thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023.

IMG-7060-1536x864-9696-1650437212.jpg

Các thành viên mới của HĐQT và Ban Kiểm soát ra mắt ĐHĐCĐ.

HĐQT và các cổ đông cũng thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 không thấp hơn 2.000 đồng/cổ phiếu, nhân sự dự kiến 10.000 người, ngân sách đầu tư các hạ tầng gồm: tuyến cáp quang quốc tế (1.675 tỷ đồng), nâng cấp hạ tầng tại các đô thị (55 tỷ đồng), đầu tư hệ thống mạng (300 tỷ đồng), đầu tư phát triển hạ tầng (450 tỷ đồng), đầu tư hệ thống truyền hình (110 tỷ đồng), mua đài trạm (118 tỷ đồng), ngầm hóa (155 tỷ đồng).

Ủy viên HĐQT Đỗ Ngọc Diệp, đại diện SCIC, đánh giá cao và ghi nhận những kết quả, thành tích kinh doanh ấn tượng, vượt kế hoạch của FPT Telecom. Trong thời gian tới, SCIC kỳ vọng lớn vào và mong các cổ đông tiếp tục đồng hành.

Trong khi đó, TGĐ FPT kiêm Ủy viên HĐQT Nguyễn Văn Khoa đánh giá các con số cho thấy tốc độ tăng trưởng và hệ thống quản trị của FPT Telecom vững mạnh, giúp công ty vượt khó khăn. Trong năm tới, FPT sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới đóng góp vào chuỗi giá trị của FPT Telecom. “Tôi mong muốn trong thời gian tới FPT Telecom có thêm nhiều chương trình thu hút nguồn nhân lực giỏi, từ nước ngoài để đóng góp vào các lực lượng tiên phong”, người điều hành Tập đoàn FPT chia sẻ.

Foxnews

Ý kiến

()