Anh Bình là diễn giả của hội thảo “Kỷ nguyên Digital Transformation” do Viện Quản trị & Công nghệ FSB - Đại học FPT tổ chức ở Đà Nẵng, ngày 10/8. Sự kiện thu hút 300 học viên tham gia, phủ kín phòng hội thảo khách sạn Mường Thanh Grand, số 962 Ngô Quyền, TP Đà Nẵng.
Theo Chủ tịch FPT, cuộc sống tương lai sẽ thay đổi, tất cả được số hóa, từ chính phủ đến người dân. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo nên một thế giới khác biệt. Amazon là một ví dụ. Tập đoàn bán lẻ toàn cầu này chỉ có 6 kế toán. Việc Amazon rút gọn được nguồn lực trên do, quá trình mua bán, thanh toán được thực hiện tự động trên ứng dụng Amazon Go. Người mua hàng chỉ cần mở ứng dụng, vào cửa hàng, quét mã, chọn đồ và ra về.
Gần 300 học viên tham gia hội thảo do Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đứng lớp với chủ đề “Kỷ nguyên Digital Transformation”. Chương trình được tổ chức bởi Viện Quản trị & Công nghệ FSB - Đại học FPT tổ chức ở Đà Nẵng. |
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có nhiều điều rất khác so với 3 cuộc cách mạng từng diễn ra trong lịch sử. Đặc trưng của nó chính là những robot có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả con robot để ứng xử với con người, vượt qua năng lực của con người. Khi đó, ô tô sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự đến nhà. "Đây không phải là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn mà là của tất cả mọi người. Trong đó, có thể là những nhóm người rất nhỏ bé, chỉ vài người nhưng chính những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của nền kinh tế”, anh nói.
Câu hỏi lúc này là: ''Nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp có thất bại?". Theo anh Bình, doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số, nếu không sẽ thua, thậm chí "chết". Nói cách khác, nếu không chuyển đổi số, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ rất thấp. Trong quá trình chuyển đổi, các doanh nghiệp thực hiện những công việc giống nhau, như cùng dùng trí tuệ nhân tạo, cùng ứng dụng robot... nhưng cách làm, con đường cụ thể của từng doanh nghiệp sẽ khác nhau.
Khi được hỏi FPT đã làm gì để chuyển đổi số thành công và vai trò trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, Chủ tịch Trương Gia Bình cho hay, FPT đặt mục tiêu giảm 30-50% thời gian triển khai dự án chuyển đổi số cho tổ chức, doanh nghiệp bằng nền tảng và sản phẩm số của mình; đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ chất lượng cao, và chuyển giao phương pháp luận FPT Digital Kaizen - kinh nghiệm đúc kết khi cộng tác cùng các đối tác quốc tế. "FPT có thể triển khai chuyển đổi số trong vòng từ 3 đến 6 tháng chứ không cần nhiều thời gian. Chúng tôi đang triển khai cho chính FPT với gần 36.000 con người và cam kết đạt kết quả trong vòng 12 tháng", anh nói.
Nhưng người đứng đầu FPT cũng thừa nhận quá trình chuyển đổi số của tập đoàn cũng gặp nhiều thách thức, dù có "sư phụ" Phương Trầm, cựu Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO) toàn cầu của DuPont, (một tập đoàn đa ngành với doanh thu 85 tỷ đô của Mỹ) làm Tư vấn Trưởng Chuyển đổi số FPT. Vấn đề là, FPT đang tăng trưởng mạnh và số lượng nhân viên tăng liên tục nên làm cách nào để tất cả cùng suy nghĩ để làm mới, sáng tạo được đặt lên hàng đầu.
"Chiến lược chuyển đổi số là do lãnh đạo làm nhưng người thực hiện chính là nhân viên. Điều quan trọng của chuyển đổi số là cấp dưới cảm thấy vui vì có thể giải quyết được những bài toán khó, giúp tăng doanh số và tăng thu nhập cho từng cá nhân", anh phân tích.
Ứng dụng chuyển đổi số miễn phí được phát triển dựa trên các nền tảng và sản phẩm chuyển đổi số của FPT như FPT.AI, FPT U-Services, AkaMinds… |
Đề cập đến nguồn lực cho cuộc cách mạng 4.0, anh Bình cho biết, hiện ĐH FPT đã có những bước đi cụ thể nhằm tạo ra thế hệ "làm việc sáng tạo và vị thế mới trong tương lai". "ĐH FPT đã chọn Quy Nhơn để tiên phong trong đào tạo đội ngũ kỹ sư về Trí tuệ nhân tạo (AI)".
"Người trẻ là tướng lĩnh của tương lai, đòi hỏi phải có tư duy và nắm bắt được nhịp sống của công nghệ. Những yếu tố của người trẻ cần phải trang bị đó là kỹ năng sáng tạo; tự học theo thách thức; học theo cách của mình hay phải học trường số và thầy số", anh nhấn mạnh.
Kết lại vấn đề, anh khuyên các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số cần sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Lãnh đạo phải hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi ra sao. Doanh nghiệp cũng sẵn sàng về phương diện tổ chức và sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Chúng ta phải đào tạo và phát triển nhân sự.
Anh Nguyễn Minh Tùng, làm việc trong lĩnh vực CNTT tại Đà Nẵng, cho biết, chuyển đổi số vẫn là từ khóa tương đối "mù mờ" tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những chia sẻ dẫn chứng của anh Bình góp phần giải mã những mối lo của doanh nghiệp, từ đó tìm ra hướng đi mới để hội nhập với cuộc cách mạng 4.0. "Tôi ấn tượng cách truyền cảm hứng của anh Bình. FPT không chỉ doanh nghiệp lớn mà còn tiên phong trong chuyển đổi số", anh nói.
Chuyển đổi số là định hướng của FPT trong những năm gần đây. Với tiềm lực và kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu thế giới là ông Phương Trầm - người đã thực hiện chuyển đổi số thành công cho DuPont, FPT đặt mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ trở thành một trong số ít các tổ chức chuyển đổi số thành công. FPT cũng đã thành lập Ban Chuyển đổi số FPT (FPT Digital) do anh Trần Huy Bảo Giang - nguyên Giám đốc Công nghệ FPT Software đảm nhận vị trí Giám đốc Chuyển đổi số (CDTO) kiêm Trưởng ban Chuyển đổi số và Cố vấn cấp cao Học viện số. Cùng thời điểm, Học viện số FPT (FPT Digital Academy) cũng được thành lập với mục tiêu kết nối và phát triển tri thức Việt toàn cầu trong công cuộc đưa Việt Nam lên danh sách những nước đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Anh Lê Hùng Cường, nguyên Phó Giám đốc Công nghệ FPT Software, đảm nhận vị trí Giám đốc Học viện. |
>> FSB trao học bổng 7 tỷ đồng cho thạc sĩ ‘chuyển đổi số’
Việt Nguyễn
Ý kiến
()