Chúng ta
Thứ tư, 17/2/2021 | 08:36 GMT+7

FPT Long Châu - Từ di sản đến khát vọng dẫn đầu ngành bán lẻ dược phẩm

Từ một nhà thuốc gia đình đến một hệ thống bán lẻ dược phẩm, từ một “ván cược” khi thị trường ICT thoái trào đến một “cơ đồ” của kẻ mang khát vọng dẫn đầu thị trường bán lẻ dược phẩm. Đó chính là FPT Long Châu - thương hiệu nhà thuốc thuần Việt, phát triển vì sức khoẻ của người Việt.

FPT Long Châu - Từ di sản đến khát vọng dẫn đầu ngành bán lẻ dược phẩm

Từ một nhà thuốc gia đình đến một hệ thống bán lẻ dược phẩm, từ một “ván cược” khi thị trường ICT thoái trào đến một “cơ đồ” của kẻ mang khát vọng dẫn đầu thị trường bán lẻ dược phẩm. Đó chính là FPT Long Châu - thương hiệu nhà thuốc thuần Việt, phát triển vì sức khoẻ của người Việt.

Năm 2019, ngành bán lẻ thiết bị công nghệ thông tin (ICT) bắt đầu cho thấy sự bão hoà khi sức mua giảm sút, toàn thị trường không tăng trưởng. Là “ông lớn” hàng đầu trong ngành bán lẻ ICT, FPT Retail cũng không đứng ngoài xu thế chung này. Cổ phiếu FRT liên tục rớt giá, thị giá sau một năm giảm đến 71% về mức 17.100 đồng/cp. Nếu so với mức tham chiếu ngày bắt đầu niêm yết, vốn hoá nhà Bán lẻ đã “bay hơi” đến 85% và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Thế nhưng, hơn bất kỳ ai, FPT Retail có thể nhìn thấy trước xu hướng bão hoà và thiếu vắng khoảng trống để có một sự thay đổi “ngoạn mục” này. Chính vì vậy, ngay từ năm 2017, chị Bạch Điệp - Chủ tịch FPT Retail đã đi tìm cho mình một con đường để mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Nhìn trên thị trường tiêu dùng lúc bấy giờ, ngành bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam vẫn là một thị trường rộng lớn với 60.000 nhà thuốc tư nhân nhưng phân mảnh, nhỏ lẻ khi không có thương hiệu nào nắm được tối thiểu 5% thị phần. Trong khi, Việt Nam đang dần đến điểm cuối của thời kỳ “dân số vàng” và đối mặt với giai đoạn "già hóa" cùng với các vấn đề về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

Thấy cơ hội đầy thách thức, FPT Retail đã quyết định “mang quân đi mở cõi”, dồn lực để đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này, với khát vọng trở thành người dẫn đầu. “Khi nghĩ đến mở một chuỗi nhà thuốc, điều trăn trở nhất là chưa ai biết gì và có chuyên môn gì về dược phẩm. Nhưng cái gì không biết thì phải học, và học nhanh nhất là khi bắt đầu từ một thương hiệu dược phẩm đã có uy tín” - chị Bạch Điệp khẳng định. Đó cũng chính là lý do, thương hiệu Long Châu “lọt vào mắt xanh” của nữ tướng nhà Bán lẻ và trở thành một “át chủ bài” đầy chiến lược.

Để chuẩn bị cho đoạn đường dài hơi, nhiều nhân sự nhà Bán lẻ đã nhận được nhiệm vụ đặc biệt: học thêm văn bằng và kiến thức về ngành dược. Từ đó, công việc ngày cuối tuần của một số nhân sự “cốt cán” nhà Bán lẻ là cắp sách vở đi học, làm quen với hoá sinh, với những con chữ latin tên thuốc “na ná nhau”, cứ thế trong gần 2 năm trời. Thế nhưng đó chính là tiền đề tiên quyết bởi trong ngành dược, không có kỹ năng và kiến thức chuyên môn thì không thể quản lý.

Đứng trước một mô hình kinh doanh nhỏ lẻ nhưng bền vững, chị Điệp đặt ra câu hỏi là “Tại sao Long Châu có thể xây dựng một thương hiệu được tin dùng như vậy?”. Và để hiểu được cặn kẽ bản chất cuả một mô hình kinh doanh, chị Bạch Điệp cùng một số cộng sự đã gác lại toàn bộ công việc, tham gia bán hàng toàn thời gian tại Long Châu trong một khoảng thời gian dài. Chị Điệp quan sát cách nhân viên bán hàng, giao tiếp với khách, tham gia các quy trình từ nhập hàng, kiểm hàng đến làm giá, điều phối.

Với mô hình nhà thuốc gia đình thuần tuý, Long Châu vận hành bởi các thành viên trong gia đình với sự gắn bó lâu dài và khép kín. 4 hiệu thuốc - 4 căn nhà gần nhau trên con đường Hai Bà Trưng chính là kho chứa thuốc và nơi sinh sống, làm việc của hàng chục con người. Công việc mỗi ngày của những dược sĩ Long Châu gần như chỉ duy trì trong những căn nhà ống này, sáng dậy mở hàng, bán thuốc, nhập hàng, kiểm kê, đóng cửa hàng, cứ thế tuần tự như một vòng tròn, lặp đi lặp lại không ngừng. Cũng chính bởi sự chăm chỉ và cần mẫn hàng chục năm ấy, Long Châu đã trở thành cái tên lớn, không thể không nhắc đến trên thị trường bán lẻ dược phẩm tại TP HCM.

Khi mua lại bất kỳ mô hình kinh doanh nào thì công việc đầu tiên luôn là: kiểm kê xem thực tế mô hình đó đang có những gì. Thế nhưng với một nhà thuốc gia đình như Long Châu thì kiểm kê sẽ là một khối công việc “khổng lồ” bởi tất cả hoá đơn, chứng từ hàng năm, hàng quý đều bằng viết tay, hết tờ này đến quyển kia, hàng ngàn quyển sổ như vậy.

Ngay cả khi bắt đầu xắn tay vào kiểm kê, các nhân viên cốt cán của nhà thuốc cũng ghi lại toàn bộ số hàng hoá thực có bằng tay. Giấy viết ra đến đâu, chị Điệp chụp lại đến đó, rồi chuyển về cho khối văn phòng nhà Bán lẻ nhập dần vào hệ thống. Cứ như vậy, ngày đi làm FPT Shop, tối đêm về nhập liệu từng viên thuốc, ròng rã hàng tháng trời. Nhờ vậy mà hệ thống dữ liệu cơ bản đầu tiên mang tên FPT Long Châu được hình thành.

Kiểm kê xong là đến chuyển giao, giai đoạn căng thẳng nhất của việc tiếp quản. Nếu như mô hình gia đình giúp Long Châu dễ dàng quản lý thì những người nhân viên, dược sĩ chính là người tạo nên sự uy tín và an tâm từ phía khách hàng. Đi ngược lại với hành động tái cấu trúc nhân sự khi mua lại một mô hình kinh doanh, chị Điệp hiểu và xác định đúng tầm quan trọng của những con người cần mẫn này.

Chính bởi vậy, điều đầu tiên FPT Retail thực hiện cho giai đoạn này là củng cố và làm công tác tinh thần tới từng nhân sự, từng dược sĩ của hệ thống Long Châu cũ. Nhà Bán lẻ cũng giữ nguyên các chế độ lao động vốn có như: bao ăn, bao ở, duy trì nếp sinh hoạt… và bổ sung thêm các hoạt động đào tạo, chuẩn hoá chuyên môn. Nhờ sự linh động và nhạy bén ấy, tính tới thời gian hiện tại, hầu hết nhân sự ngày ấy vẫn đang bền bỉ làm việc và giữ những chức vụ trọng yếu tại FPT Long Châu.

“Các dược sĩ của hiệu thuốc Long Châu ngày ấy đã nỗ lực thích nghi với sự thay đổi của hệ thống vận hành mới nhưng vẫn luôn giữ vững giá trị tận tâm và uy tín trong phục vụ khác hàng. Chính điều này đã giúp chúng ta có thể gìn giữ lại phần hồn cốt quý báu được ví như di sản của nhà thuốc Long Châu” - chị Bạch Điệp chia sẻ.

Điều gì khiến cho Long Châu chỉ là 4 cửa hàng thuốc nhỏ lẻ nằm sát cạnh nhau trên con đường Hai Bà Trưng sầm uất? Và điều gì sẽ là khác biệt cơ bản để làm nên một chuỗi hệ thống bán lẻ dược phẩm? Câu trả lời chính là công nghệ.

Có thể nói, Long Châu chính là một di sản mà FPT Retail muốn gìn giữ. Và nhiệm vụ được đặt ra là FPT Retail phải ứng dụng những công nghệ, những quy trình bán lẻ, vận hành hệ thống để tối ưu sự phát triển của Long Châu. “Chúng ta cần công nghệ để thực hiện trên ba phương diện: tối ưu về quản trị, tăng trải nghiệm khách hàng và nâng cao chất lượng chuyên môn”- chị Điệp phân tích.

Chính vì lẽ đó, điều đầu tiên mà một di sản như Long Châu cần nhất lúc này để lớn mạnh chính là công nghệ để tối ưu vận hành. Với tất cả kinh nghiệm từ việc quản lý bán lẻ ngành hàng ICT, FPT Retail tưởng chừng có thể áp dụng cho lĩnh vực dược phẩm nhưng đã vấp phải bài học đáng nhớ đầu tiên.

Nếu như một chiếc điện thoại chỉ có một đơn vị nhỏ nhất khi bán lẻ là hộp thì dược phẩm lại có đến tận 3 đơn vị bán lẻ: hộp, vỉ, viên. “Đó là còn chưa kể dược phẩm thì luôn có hạn sử dụng, và nguyên tắc sống còn lúc này là loại nào cận date trước thì phải bán trước”, anh Nguyễn Đức Long - Giám đốc FPT Long Châu miền Bắc phân tích.

Sự thật tưởng chừng hiển nhiên này đã khiến nhà Bán lẻ phải xây dựng lại hoàn toàn hệ thống phần mềm quản lý hàng hoá để phù hợp với FPT Long Châu. Cả đội ngay lập tức cuốn vào một nhiệm vụ mới, tập trung lực lượng IT, xây dựng nhanh chóng một phần mềm tối ưu và đưa vào thử nghiệm chỉ trong gần hai tháng.

Không chỉ vậy, FPT Long Châu còn đầu tư hệ thống kho bãi rộng hàng nghìn mét vuông với công nghệ bảo quản thuốc hiện đại bậc nhất để đáp ứng tiêu chuẩn GDP khắt khe. “Dược phẩm là một ngành hàng kinh doanh có điều kiện, được yêu cầu và kiểm định gắt gao của nhà nước để đảm bảo chất lượng. Do vậy, với tư cách của một chuỗi nhà thuốc hàng đầu, FPT Long Châu luôn nỗ lực thực hiện vượt lên trên cả những tiêu chuẩn này”, chị Phan Thanh Uyên - Giám đốc Marketing FPT Long Châu tự hào nói.

Với sự hỗ trợ công nghệ từ FPT, nhà Bán lẻ liên tục áp dụng các quy trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong tối ưu quản trị hàng hoá. Tại mỗi nhà thuốc, FPT Long Châu FPT đều áp dụng công nghệ định vị tọa độ từng hộp thuốc, giúp nhân viên lấy thuốc nhanh chóng, dễ dàng. Bên cạnh đó, công nghệ nhận diện toa thuốc qua hình ảnh và bằng giọng nói giúp tra cứu sản phẩm hiệu quả, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm đầy thuận tiện.

Vận hành dựa trên nền tảng công nghệ, từ nhà thuốc FPT Long Châu 6 Tân Mỹ (quận 7) đến cửa hàng số 7, 8, 9, chị Điệp và đội ngũ của mình đã dần hình thành nên một “công thức” mang tên FPT Long Châu vào cuối năm 2018. Cũng vào khoảng thời gian này, nhà Bán lẻ chính thức thành lập Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu - một bước ngoặt quan trọng khi trở thành chuỗi nhà thuốc đầu tiên thuộc một công ty quản lý và phân phối trên thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam.

Đến năm 2019, FPT Long Châu số 23 nằm ở Biên Hòa đã trở thành nhà thuốc đầu tiên mà Long Châu vươn mình ra một tỉnh lân cận. Tháng 12 cùng năm, Long Châu chính thức “đặt chân” đến Hà Nội, in lên dấu chân chuỗi bán lẻ dược phẩm của Tập đoàn FPT tại khu vực miền Bắc. Tới đây, FPT Long Châu không chỉ còn là câu chuyện tại một thành phố, một khu vực mà đã vươn mình lớn rộng, có thể kết nối với Sở Y tế ở các địa phương, tạo nên một bức tranh lớn toàn quốc.

Việc áp dụng công thức và mở rộng quy mô khắp cả nước đã yêu cầu FPT Long Châu phải có một nền tảng vận chuyển logistic và quản lý hàng tồn bài bản để tối ưu chi phí. Đó cũng chính là lúc hệ thống logistics Made by FPT mang tên MRP được chính thức áp dụng. Là một hệ thống thu thập dữ liệu và phân tích thói quen, MRP sẽ dựa trên tình trạng tồn kho và sức bán của từng loại thuốc để đưa ra thời gian cần nhập hàng, số lượng cần thiết. Từ đó, các nhà thuốc vừa có thể luân chuyển hàng hoá nội bộ, tối ưu nguồn cung cấp; vừa có thể thống kê số liệu về bán hàng, tồn kho mỗi ngày để MRP liên tục tự động tính toán, phân tích.

Tính đến hết tháng 1 năm 2020, FPT Long Châu đã hoàn thành kế hoạch mở 70 nhà thuốc Long Châu sớm hơn một tháng so với dự kiến. Mọi chuyện đang mở ra một tương lai đầy kỳ vọng với “át chủ bài” của nhà Bán lẻ thì cơn khủng hoảng Covid-19 ập đến.

Dược phẩm là mặt hàng vẫn có lợi thế tiêu thụ và hoạt động trong suốt quãng thời gian dịch bệnh nhưng việc tiếp tục mở rộng quy mô chuỗi nhà thuốc thì không. Bắt đầu đặt chân đến thị trường miền Bắc, FPT Long Châu phải đo lường thị trường, nghiên cứu văn hoá sử dụng dược phẩm hay mở hệ thống tuyển dụng đào tạo, thích nghi với cơ chế vận hành các cấp. 

Thế nhưng với Covid, mọi việc còn khó khăn hơn cả ngàn lần khi bị “đóng băng”. Anh Huỳnh Quang Long - Giám đốc Hỗ trợ khai trương FPT Long Châu hồi tưởng: “Từ việc chọn mặt bằng, xây dựng cửa hàng, tuyển dụng và đào tạo nhân viên đều bị đình trệ. Số lượng cửa hàng thì bất động mà thời gian thì cứ vơi dần đi trong sự lo lắng”.

Đến tận cuối tháng 4, khi tình hình dịch bệnh trở nên khả quan, lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ thì tất cả chuỗi nhà thuốc phải mở rộng của tháng 2, 3, 4 đều dồn vào tháng 5. Từ đó, làm nên kỳ tích mở cửa liên tiếp gần 30 nhà thuốc FPT Long Châu tại thị trường miền Bắc chỉ trong 1 tháng.

“Tinh thần ‘lính chiến’ cứ gọi điện là lên đường của các nhân sự lúc đó chính là chìa khoá vàng để tạo nên thành tích vô tiền khoáng hậu” - anh Long trầm ngâm. Nghĩ lại về khoảng thời gian này, anh lặng đi đôi chút, “dù vô cùng tự hào về sự xông pha ấy nhưng không bao giờ tôi muốn quay lại khoảng thời gian áp lực này”.

Với tinh thần làm việc quên mình ngay cả khi khó khăn nhất, FPT Long Châu đã chính thức vượt mốc 200 nhà thuốc tại 50 tỉnh thành trên toàn quốc, tính đến hết năm 2020. Và chắc chắn, con số 200 ấy vẫn chưa thể dừng lại, khi khát vọng mà FPT Long Châu luôn hướng đến là 30% thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam. Trải nghiệm khi nắm trong tay cơ hội trở thành người thiết lập cuộc chơi chính là điều mà Long Châu đang có được. Nhưng đây cũng là một thử thách lớn lao, yêu cầu FPT Long Châu phải đi thật đúng, thật nhanh để tạo nên lợi thế và khoảng cách với mọi đối thủ đến sau.

Tân CEO nhà Bán lẻ - Hoàng Trung Kiên từng chia sẻ: “FPT tự hào khi có một ngành bán lẻ có thể phục vụ con người Việt Nam từ lúc chưa chào đời cho đến cả những ngày tháng cuối cùng”. Câu nói như một sự chứng minh về con đường kinh doanh bền vững và tầm nhìn về một thương hiệu trăm năm để giữ vững sứ mệnh phục vụ sức khỏe cộng đồng với chất lượng tốt nhất và giá cả hợp lý. Năm 2021, Long Châu sẽ chính thức bước vào giai đoạn “bùng nổ” với số nhà thuốc dự kiến là 500 cửa hàng.

Trước câu hỏi yếu tố then chốt mà FPT Long Châu có là gì? Chị Bạch Điệp không ngần ngại: gia sản lớn nhất mà FPT Long Châu có chính là “con người”. Bởi hơn bất kỳ ai, chị Điệp hiểu rằng, “chặng đường một start-up phải đi là không thể dừng chân, nên nếu ai không đi được nữa thì hãy cố mà chạy”. Và để làm nên những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, thì chỉ có thể là sự sát cánh chung vai của hàng ngàn con người cùng nhìn về một hướng, cùng tin một niềm tin, để cùng dựng xây một khát vọng trăm năm mang tên "FPT Long Châu".

Ý kiến

()
 
Tags: