Chúng ta

Anh Trương Gia Bình: ‘FPT có nhiều lợi thế vào Top đầu thế giới về Chuyển đổi số’

Thứ sáu, 29/3/2019 | 22:12 GMT+7

Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên, Chủ tịch FPT cho biết Tập đoàn từng tiên phong mở ra những hướng đi mới cho ngành CNTT như xuất khẩu phần mềm. Nhưng với chiến lược chuyển đổi số, FPT có nhiều lợi thế “lột xác” để vươn cao và xa hơn nữa.

Ngày 29/3, Đại hội đồng Cổ đông thường niên (ĐHCĐ) FPT năm 2019 đã phê duyệt định hướng phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2019-2021. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của FPT với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, là phương thức quan trọng giúp các doanh nghiêp, tổ chức đạt được những thành công mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo hãng tư vấn IDC, đến năm 2022 quy mô thị trường chuyển đổi số sẽ đạt 2.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ CNTT. Năm 2018, riêng chi tiêu cho chuyển đổi số đạt 1.300 tỷ USD, tăng 16,8%, trong khi thị trường dịch vụ CNTT đạt 1.000 tỷ USD và chỉ tăng trưởng 4%.

ĐHCĐ FPT năm 2019 có sự tham gia của 210 cổ đông, 652 đại biểu ủy quyền dự họp, đại diện cho 59,16% số cổ phần có quyền biểu quyết.

ĐHCĐ FPT năm 2019 có sự tham gia của 210 cổ đông, 652 đại biểu ủy quyền dự họp, đại diện cho 59,16% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Với tiềm năng và cơ hội không giới hạn, FPT xác định chuyển đổi số sẽ giúp công ty có bước phát triển đột phá về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu. Do đó, bắt đầu từ năm 2019, FPT sẽ chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ CNTT thành Tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Tầm nhìn của FPT trong 10 năm tới là lọt Top 50 các công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.

Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, FPT từng tiên phong mở ra những hướng đi mới cho ngành CNTT của Việt Nam, tiêu biểu như xuất khẩu phần mềm, không chỉ giúp nâng cao vị thế của công ty mà còn xây dựng thanh thế cho Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

CHT-0790-8262-1553928219.jpg

Đại hội đồng Cổ đông thường niên FPT năm 2019 đã phê duyệt định hướng phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2019-2021. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của FPT với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.

“Trong cuộc cách mạng số, FPT có nhiều lợi thế “lột xác” để vươn cao và xa hơn nữa. Đó là sự hiểu biết về khách hàng, sở hữu các nền tảng công nghệ lõi, có những chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số, đặc biệt là với sự tư vấn của ông Phương Trâm, người đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai các chương trình chuyển đổi số của tập đoàn DuPont, một trong những câu chuyện thành công điển hình về chuyển đổi số trên thế giới”, người đứng đầu nhà F khẳng định.

Năng lực tư vấn và triển khai chuyển đổi số của FPT đã được chứng minh qua việc hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều khách hàng thuộc top Fortune Global 500. “Chúng tôi đã sẵn sàng và tự tin chinh phục đỉnh cao chuyển đổi số, hướng đến tương lai trở thành các công ty hàng đầu về tư vấn chuyển đổi số như Accenture, Deloite DX… một lần nữa đưa tên tuổi Việt Nam vươn lên sánh ngang với các cường quốc công nghệ toàn cầu”, anh Bình nói.

Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng, FPT đã xây dựng kế hoạch hành động quyết liệt trên 4 hướng. Đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và liên tục nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn chiến lược; Tiên phong nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi; Hoàn thiện giải pháp sản phẩm và dịch vụ và Chuyển dịch FPT thành doanh nghiệp số vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực và tăng cường đội ngũ lãnh đạo trẻ, sẵn sàng thế và lực vươn lên trong cách mạng số.

Riêng trong giai đoạn 2019-2021, FPT đặt mục tiêu nâng cao giá trị và vị thế của công ty bằng việc cung cấp dịch vụ giá trị cao như tư vấn chuyển đổi số và chiến lược chuyển đổi số. FPT sẽ tiếp cận các tập đoàn lớn quốc tế để cung cấp dịch vụ chuyển đổi số và các sản phẩm dịch vụ khác của FPT và có thêm 30 khách hàng lớn trong danh sách Fortune Global 500 mỗi năm.

Nhà F cũng đặt mục tiêu luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 15% hàng năm và hoàn thiện gói, chuỗi danh mục về giải pháp, sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ số trong 2 năm tới.

Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng, công nghệ làm thay đổi phương thức sản xuất nên các doanh nghiệp không thể đứng ngoài sự thay đổi. Giờ đây, bất cứ doanh nghiệp nào trên thế giới cũng hiểu được rằng cần phải chuyển đổi số nhưng mới chỉ có rất ít trong số đó thành công.

ĐHCĐ 2019 cũng đánh dấu Ban điều hành nhiệm kỳ 2019-2022 của FPT gồm 9 thành viên chính thức ra mắt. Tuổi đời trung bình của đội ngũ điều hành tập đoàn mới là 40,2 (trước đó là 50,6 tuổi).

Ban điều hành FPT nhiệm kỳ mới gồm: CEO Nguyễn Văn Khoa (1977); PTGĐ kiêm GĐ Tài chính Nguyễn Thế Phương (1977); PTGĐ Hoàng Việt Anh (1975); CTO Lê Hồng Việt (1981); CIO Nguyễn Xuân Việt (1969); GĐ Chuyển đổi số Trần Huy Bảo Giang (1983); CCO Bùi Nguyễn Phương Châu (1980); CHRO Chu Quang Huy (1990) và CQO Nguyễn Thị Kim Phương (1977).

Chia sẻ trước các cổ đông, tân TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa khẳng định sẽ cùng với đội ngũ lãnh đạo nhà F giữ gìn truyền thống, văn hóa FPT; tôn trọng con đường mà các thế hệ đi trước đã vạch ra và làm hết sức mình để tiếp tục đưa FPT tăng trưởng, phát triển.

DSC-2625-7218-1553870025.jpg

Tân CEO FPT Nguyễn Văn Khoa cam kết trước hội đồng cổ đông sẽ tận lực, cống hiến hết mình để nâng cao năng suất lao động của tập đoàn, tăng thu nhập cho CBNV và mang đến nhiều lợi nhuận cho cổ đông.

Trong chiến lược làm Chuyển đổi số, anh Khoa nhấn mạnh, FPT sẽ giúp các khách hàng, đối tác của mình thực hiện chuyển đổi số một cách tối ưu nhất. "Các doanh nghiệp sẽ trực tiếp "chạm" được vào số liệu của họ, giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí, đưa ra các quyết định đúng đắn, chuẩn xác và tăng tính cạnh tranh cao hơn", người điều hành nhà F dẫn giải.

Để thực hiện chiến lược quan trọng này, tân TGĐ FPT trình bày về phương pháp quản trị mới mà FPT đang áp dụng và triển khai toàn tập đoàn - OKR (Objectives and Key Results, tạm dịch: Mục tiêu và kết quả then chốt). "Với phương pháp quản trị này, chúng tôi mong muốn tạo ra sự đột phá, nỗ lực ở mỗi cá nhân để tạo nên điều kỳ diệu cho FPT", anh Khoa nhấn mạnh.

Thắt chặt kỷ luật lao động để tăng tính chuyên nghiệp cho FPT cũng là một phần trong việc quản trị của ban điều hành mới nhà F. Bên cạnh đó, các đơn vị trong F cũng sẽ có sự kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn để cùng phát triển.

Với đội ngũ lãnh đạo trẻ, đầy nhiệt huyết và có nhiều năm gắn bó với FPT, các cổ đông bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng rất lớn với Ban Điều hành mới. Cổ đông Nguyễn Sơn Hải (Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam) rất vui mừng khi FPT có sự đổi mới trong đội ngũ lãnh đạo. "Thấy các anh chị lãnh đạo FPT khá trẻ, tôi rất vui mừng và tin tưởng rằng đó sẽ là nền tảng tốt giúp FPT phát triển nhiều hơn nữa", anh Hải nhận định.

CHT-0984-3961-1553870025.jpg

Ban Điều hành FPT mới ra mắt hội đồng cổ đông (từ trái qua) gồm: PTGĐ Hoàng Việt Anh; GĐ Nhân sự Chu Quang Huy; GĐ Truyền thông Bùi Nguyễn Phương Châu; GĐ Chuyển đổi số Trần Huy Bảo Giang; TGĐ Nguyễn Văn Khoa; PTGĐ Nguyễn Thế Phương; CTO Lê Hồng Việt; CIO Nguyễn Xuân Việt và GĐ Chất lượng Nguyễn Thị Kim Phương.

Cũng rất ấn tượng với Ban Điều hành mới nhà F, chị Trần Giáng Quỳnh, nhà đầu tư cá nhân, cho hay: "Tôi rất tin tưởng ở năng lực của đội ngũ lãnh đạo mới của FPT khi họ đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại đây. Với tuổi đời khá trẻ thì họ sẽ có nhiều thời gian cống hiến cho FPT hơn nên tôi rất kỳ vọng ở họ".

ĐHCĐ FPT 2019 diễn ra tại khách sạn Marriott, Mỹ Đình, Hà Nội chiều 29/3 với sự tham gia của 210 cổ đông, 652 đại biểu ủy quyền dự họp, đại diện cho 59,16% số cổ phần có quyền biểu quyết. Chủ trì đại hội là Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình.

Những năm qua, FPT đều đặn chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ cao, vừa cổ tức tiền mặt vừa cổ phiếu. Năm 2018, FPT chia cổ tức 30% (20% tiền mặt và 10% cổ phiếu). Theo đó, nhà F đã tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1 vào ngày 31/8/2018. Phần còn lại (10% tiền mặt và 10% cổ phiếu sẽ được chi trả sau khi Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 phê duyệt. Dự kiến là quý 2.

Theo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 23.214 tỷ đồng và 3.852 tỷ đồng, tăng 17% và 30% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương.

Với chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, doanh thu mảng dịch vụ này tại thị trường nước ngoài mang lại 1.679 tỷ đồng cho FPT, tăng 31%, chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm.

>> FPT hiện thực hóa giấc mơ “cá chép hóa rồng”

Diệu Anh

Ảnh:  Nguyễn Thắng

Ý kiến

()