Chúng ta

Trò chơi trốn tìm của thanh khoản

Thứ hai, 17/8/2015 | 14:00 GMT+7

Khi cả nhà đầu tư “lướt sóng” cũng mệt mỏi, người ta càng ngóng trông những thay đổi mang tính kỹ thuật và thủ tục từ phía cơ quan quản lý.

Chứng khoán khởi đầu tháng 8 bằng những phiên trễ nải, thanh khoản sụt giảm, dòng tiền chơi trò trốn tìm, mới hôm nay lưu lại ở nhóm cổ phiếu này, mai đã thấy lững lờ, “tán tỉnh” nhóm cổ phiếu khác. Các tay “lướt sóng” vốn ưa thích trò chơi trốn tìm vì nó tạo cơ hội cho họ mua nhanh bán nhanh, nhưng thị trường giờ đây đã ở một cấp độ “đỏng đảnh” khác khi dòng tiền không lưu lại quá T+2 ở một vài nhóm cổ phiếu. Bởi vậy...

Ngóng nới room

Ngóng trông sát sao nhất là nới room. Nghị định 60 về nới room có hiệu lực từ 1/9, tức còn khoảng hai tuần nữa, nhưng chuyển động từ phía doanh nghiệp vẫn tỏ ra chậm chạp. Một số doanh nghiệp như Nhựa Bình Minh (BMP-Hose), Chứng khoán Sài Gòn (SSI- Hose), Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII-Hose) đã lên tiếng sẽ họp đại hội đồng cổ đông bất thường để điều chỉnh room. Đa số còn lại trong trạng thái chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính.

fsoft-1-2-1-8977-1437537318-9068-1439773

Mã FPT luôn được khối ngoại săn đón.

Tham gia buổi tọa đàm trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ cuối tuần trước, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết “danh sách nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu đã được tích hợp với luật doanh nghiệp mới. Các doanh nghiệp có thể tra cứu ngành nghề kinh doanh của mình trên cổng thông tin điện tử quốc gia để tìm hiểu thông tin này”. Ông Long nhấn mạnh tuần này Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ cung cấp cho các thành viên thị trường những quy định cụ thể hơn về nới room.

Sốt ruột không kém nhà đầu tư nội là những quỹ đầu tư ngoại đang hiện diện và nắm giữ cổ phiếu Việt Nam. Một công ty quản lý quỹ cho biết họ đã thảo luận các bước để huy động thêm một quỹ mới trị giá khoảng 300 triệu đô la Mỹ cho chứng khoán Việt Nam. Các nhà đầu tư bên ngoài muốn bỏ tiền vào thẳng thị trường, họ không muốn mua các chứng chỉ P-note như trước nữa. Tuy nhiên, họ đang lo ngại thanh khoản. Nếu thanh khoản sàn TPHCM nói chung và các blue-chips có giá trị vốn hóa lớn nói riêng không được cải thiện lên tầm 200-300 triệu đơn vị giao dịch/ngày, thì khó mà thu hút vốn ngoại.

Room là chất xúc tác để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt từ cận biên lên mới nổi, để hấp dẫn vốn nước ngoài. Song, trước khi có điều đó, thanh khoản phải được nâng cấp.

Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán, trong tháng 7, khoảng 40 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã được cấp mã số giao dịch, nâng số tổ chức ngoại được cấp mã số giao dịch từ đầu năm đến nay lên 140 và tổng cộng 2.727 kể từ khi thị trường đi vào hoạt động. Bảy tháng qua, khối ngoại mua ròng chừng 210 triệu đô la Mỹ. Con số này tăng khá nhanh nếu biết rằng từ đầu năm đến giữa tháng 5 khối ngoại mới mua ròng 118 triệu đô la Mỹ.

Tiền ngoại không thiếu. Vấn đề là thị trường bày ra những “món ngon” nào cho họ giải ngân, nếu không họ sẽ chỉ mở tài khoản và tiếp tục quan sát. Trong số 12 công ty lớn hết room trên Hose, cổ phiếu của tập đoàn FPT được khối ngoại “nhòm ngó” nhiều nhất khi chỉ số P/E của FPT vẫn đang dưới 10 lần, thấp hơn hẳn các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực. Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực, kể cả viễn thông, bán lẻ và giáo dục, FPT vẫn được các tổ chức nước ngoài xếp vào cổ phiếu công nghệ - một trong những cổ phiếu không thể thiếu trong danh mục đầu tư của các quỹ ngoại.

Thế nhưng FPT có thể nới room đến đâu vẫn còn là dấu hỏi. Mảng bán lẻ sẽ không thể mở room tới 100%. Mảng viễn thông cũng tương tự. Nhưng tích hợp hệ thống, công nghệ phần mềm là một trong những thế mạnh của FPT lại không bị giới hạn room. Người ta vẫn còn nhớ chuyến công tác sang Mỹ cách đây chưa lâu của lãnh đạo FPT và những biên bản thỏa thuận về hợp tác với một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu và một thương hiệu công nghệ hàng đầu của Mỹ khi room được mở. Bất kỳ một tổ chức nước ngoài nào muốn đặt chân vào lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam, đối tác địa phương đầu tiên họ cân nhắc sẽ là FPT.

Nâng cấp thanh khoản

Room là chất xúc tác để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt từ cận biên lên mới nổi, để hấp dẫn vốn nước ngoài. Song, trước khi có điều đó, thanh khoản phải được nâng cấp. Đầu tháng 5 ngân hàng MHB chính thức sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trả lời phỏng vấn TBKTSG về sự tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng và khả năng dẫn dắt thị trường của nhóm này trong năm nay, Chủ tịch BIDV, ông Trần Bắc Hà, nhấn mạnh thời kỳ khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã ở phía sau. Tương tự như vậy là cổ phiếu ngân hàng. Khi ấy ông dự báo thị giá cổ phiếu BID có thể chạm mốc 25.000 đồng, cổ phiếu VCB 50.000 đồng, nhưng không ai... tin. Tháng 7 vừa qua, thị trường đã chứng kiến hai cổ phiếu trên vượt các mốc dự đoán của ông Hà và dẫn dắt VN-Index vào vùng 640 điểm. Sự điều chỉnh diễn ra sau đó khi thị trường vào các đợt chốt lời trên diện rộng.

Những giải pháp nào cho thanh khoản thị trường? Không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn vào dòng cổ phiếu ngân hàng. Sáu tháng qua, thanh khoản của BID, VCB, CTG, MBB, ACB... đã tăng rất mạnh. Giờ đây ngay cả những phiên thanh khoản “nguội lạnh”, các cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch hàng triệu đơn vị/ngày. MBB không ít ngày giao dịch trên 10 triệu đơn vị. Nhờ đâu thanh khoản cổ phiếu ngân hàng tăng? Trước hết là sự linh hoạt của các nhà môi giới trong hỗ trợ tài chính cho khách hàng giao dịch cổ phiếu ngân hàng. Đi kèm đồng thời là “tiền mồi” đến từ các nhà đầu tư tổ chức. Cổ phiếu ngân hàng đang đứng vững trên cả hai chân: đầu tư và đầu cơ. Các tổ chức đầu tư cần có cổ phiếu ngân hàng trong danh mục, còn giới đầu cơ dễ dàng mua vào bán ra vì thanh khoản tốt. Thanh khoản hút dòng tiền, dòng tiền vào lại đẩy thanh khoản lên cao.

Ngoài ra, thị trường đang chờ trả lời của cơ quan quản lý về các giải pháp T+2 cho cả giao dịch cổ phiếu lẫn thời gian tiền về tài khoản. Sự chậm trễ hơn nữa của T+2 là không thể chấp nhận được. Không biết cơ quan quản lý ở đâu trong sự chậm trễ này?

>> Nhịn ăn trưa, sếp FPT Telecom hiến kế làm khách hàng hài lòng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Ý kiến

()