Chúng ta

Quỹ nội muốn đầu tư ra thị trường ngoại

Chủ nhật, 28/6/2015 | 09:53 GMT+7

Các công ty bảo hiểm lớn đều đã thành lập công ty quản lý quỹ tại Việt Nam, hiện mong muốn được đầu tư ra nước ngoài

Tại cuộc họp của các doanh nghiệp bảo hiểm và Bộ Tài chính mới đây, đại diện các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã đưa ra kiến nghị, cho phép họ được đầu tư gián tiếp ra thị trường khu vực.

Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, ông Paul Nguyễn nói rằng, các công ty quản lý quỹ của doanh nghiệp bảo hiểm đang cảm thấy khó có thể tối ưu hóa hiệu quả đồng vốn mà họ quản lý.

Tham khảo quy định tại các nước trong khu vực, tỷ lệ tối đa 20% vốn của các quỹ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là phù hợp. Nếu được như vậy, trước hết các khách hàng Việt Nam, những người mua bảo hiểm sẽ được lợi vì tỷ suất lợi nhuận mà doanh nghiệp đầu tư trên đồng vốn huy động được có thể cao hơn. 

Thực tế khó khăn

Hiện các công ty bảo hiểm lớn đều đã thành lập công ty quản lý quỹ tại Việt Nam. Năm ngoái là ACE Life, Dai-ichi Life, trước đó là Prudential, Manulife, Bảo Việt… Đề xuất cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của các DN bảo hiểm không phải lần đầu tiên xuất hiện, mà thực tế thị trường cũng đã có nhu cầu này trong vòng vài năm trở lại đây.

Tuy nhiên, các quy định đầu tư ra nước ngoài và thủ tục để thực hiện không hề đơn giản. Hiện Việt Nam mới chỉ cho phép đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, đầu tư gián tiếp (mua bán, giao dịch trên TTCK) chưa có hướng dẫn và chưa từng được cơ quan quản lý đề cập.

Để thực hiện được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng không hề đơn giản. Năm 2014, FPT thực hiện thương vụ M&A mua lại 100% vốn của Công ty RWE IT Slovakia.

fpt-budova-6011-1435397360.jpg

Văn phòng FPT ở thành phố Kocise, Slovakia.

Theo quy định, doanh nghiệp phải xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó xin giấy phép chuyển tiền ra nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước. Thủ tục này mất tới hơn 6 tháng. Trong khi đó, sau khi đối tác “gật đầu”, họ không thể chờ FPT hàng năm trời để ký kết hợp đồng, nhận tiền và hoàn tất thương vụ.

Cuối cùng, FPT đã phải dùng công ty con ở Đức để ký kết hợp đồng mua lại cổ phần của RWE IT Slovakia, sau đó làm thủ tục tăng vốn cho công ty con ở Đức. Để hoàn tất thủ tục tăng vốn này, thời gian cũng vài tháng.

Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ và các tập đoàn, tổng công ty trước đây, lãnh đạo Viettel kiến nghị, các cơ quan quản lý cần xem xét cải tiến thủ tục cấp phép đầu tư ra nước ngoài. Có nhiều dự án, Viettel phải “ăn chực, nằm chờ” để nhận giấy phép đầu tư và giấy phép chuyển tiền ra nước ngoài. 

Quy trình phức tạp­

Theo quy định, nhà đầu tư phải trải qua quá trình thẩm tra, kiểm tra, xem xét rất chặt chẽ của nhiều cơ quan có thẩm quyền mới có được “tấm vé thông hành” đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước quy định nhiều điều kiện để được cấp giấy xác nhận đăng ký tài khoản và tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, có 2 điều kiện tiên quyết là phải có giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và văn bản chấp thuận đầu tư do nước tiếp nhận đầu tư cấp.

Không chỉ có vậy, Ngân hàng Nhà nước còn quy định chế độ báo cáo đối với các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài rất chặt chẽ. Theo đó, 6 tháng một lần, nhà đầu tư phải báo cáo tình hình thực hiện dự án, 1 năm một lần phải gửi Ngân hàng Nhà nước báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư; hàng năm phải chuyển lợi nhuận (nếu có) về nước trong thời hạn 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính…

Thủ tục với đầu tư trực tiếp phức tạp như vậy, còn với đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, theo quy định thì được thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trao đổi với báo giới trước đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh biến động khá phức tạp của thị trường tài chính quốc tế trong những năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước khá thận trọng và không khuyến khích hình thức đầu tư này, nên  hiện nay chưa có hướng dẫn thực hiện.

Đề cập đến nhu cầu đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, giới chuyên gia kinh tế tỏ ra thận trọng. Họ cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, trong đó câu chuyện tỷ giá, thâm hụt thương mại luôn là vấn đề lớn, Việt Nam chưa thực sự kiểm soát tốt các dòng vốn. Do đó, cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cần cân nhắc kỹ.

>> FPT là bệ phóng đưa chúng tôi ra biển lớn

Đầu tư Chứng khoán

Ý kiến

()