Từng trải nghiệm rất sâu phong cách làm việc tại các công ty nước ngoài lớn như CSC, Harvey Nash... trong nhiều năm trời, Nguyễn Hữu Đức không ít lần đắn đo trước lời mời gọi từ một công ty Việt Nam mang tên FPT Sofware. Sau 2 lần được chiêu dụ từ lãnh đạo F-Town, anh không thể nào từ chối trước một dự án mới đầy thách thức nhưng không kém phần thu hút từ công ty này và quyết định gia nhập FPT Software HCM. Đó là những ngày FPT Slovakia gần thành hình và chính thức có tên trên bản đồ thế giới.
“Cảm giác như tôi vừa chạm đến một thành tựu lớn. Niềm sung sướng và hạnh phúc càng trào dâng khi chúng tôi, những người trong cuộc, biết rất rõ rằng FPT đã phải chiến đấu với rất nhiều đối thủ mới giành được thắng lợi này”, anh Đức không giấu được sự vui sướng kể về khoảnh khắc nghe tin M&A đã thành công.
Tham gia dự án M&A không chỉ giúp anh Đức có trải nghiệm trong công việc mà còn cho anh cơ hội trải nghiệm sâu hơn văn hóa châu Âu. |
Sau đó, anh có chuyến đi Slovakia đầu tiên trong đời. Cho dù đã nhiều lần đến trời Âu nhưng cảm giác lần này thật khác so với những chuyến đi trước. Hồi hộp, tò mò, không biết công ty ra sao là thứ gần như bám đầy tâm trí anh trong nhiều giờ đồng hồ ngồi trên máy bay với vài lần quá cảnh. “Bởi những lần đi châu Âu trước là làm việc với khách hàng, còn chuyến đi này là gặp gỡ chính những người đồng nghiệp phương Tây của mình”, thành viên nhà F-Town giải thích.
Đón anh là sự nồng nhiệt, thân thiện của những đồng nghiệp mới trong ngôi nhà FPT Slovakia. “Ấn tượng đầu tiên với tôi chính là văn phòng làm việc rất chuyên nghiệp”, chuyên gia sinh năm 1984 kể. Tiếp đến, anh được dẫn đi từng phòng ban và nghe đồng nghiệp Slovakia giới thiệu về công việc và các sản phẩm sáng tạo ở đây. Từ đó, chuyên gia đã có cái nhìn chân thực nhất về một mảnh ghép của FPT ở Đông Âu, giải đáp mọi thắc mắc và hồi hộp anh mang từ Việt Nam sang trước đó.
Về sự khác biệt văn hóa, anh Đức cho rằng dù Việt Nam và Slovakia nằm ở hai vùng lãnh thổ cách xa nhau nhưng trong văn hóa vẫn có những nét tương đồng nhất định. Đặc biệt, trước khi chuyển giao công việc giữa hai đầu, FPT Slovakia đã mở một lớp học về văn hóa sở tại cho nhân viên. Ngay trong những giờ học ấy, mọi người nhận ra một điều rằng giữa hai nền văn hóa không có quá nhiều khác biệt. Trong khi đó, những điểm mạnh của mỗi bên sẽ bù khuyết điểm yếu cho nhau để cùng nâng tầm và vị thế FPT tại khu vực và thế giới.
Anh Đức (ở giữa) trong một lần tham gia team building cùng đội ngũ nhân viên người Slovakia. |
“Việt Nam mạnh về những kinh nghiệm làm việc quốc tế, còn Slovakia lại cho thấy sự vượt trội về nền tảng kiến thức sâu rộng”, anh Đức phân tích. Điều đó sẽ là lực đẩy giúp cả hai cùng đi lên. Tuy nhiên, anh cho biết, việc chuyển giao qua lại cũng phải mất 2-3 tháng để tất cả đi vào guồng chung.
Trong một năm qua, anh Đức đã có 3 lần đến Slovakia và vài lần đến văn phòng FPT tại Essen (Đức), mỗi chuyến đi kéo dài khoảng một tuần. Do tính chất công việc thường xuyên phải đi công tác xa, nên anh luôn tính toán chi tiết lịch trình để có thể hoàn thành công việc và trở về bên gia đình sớm nhất có thể. Tuy nhiên, cũng có lần các kế hoạch bị “phá sản”. Đó là khi anh đã tính toán chi li rằng đứa con thứ hai của mình sẽ chào đời vào đúng dịp anh về nước, sau một tuần công tác tại châu Âu. Bất ngờ đã xảy ra khi anh vừa đặt chân đến trụ sở FPT tại Essen được 2 ngày thì nhận được điện thoại từ gia đình báo tin vợ đã sinh một bé trai kháu khỉnh.
“Có đôi chút hụt hẫng khi vợ vượt cạn mà không có mình bên cạnh, nhưng đã là công việc thì không thể bỏ dỡ”, ông bố trẻ tâm sự. Tuy nhiên, đội ngũ tại Đức cũng như các đồng nghiệp Slovakia tại đây vô cùng tâm lý khi chuyển ngay buổi họp cuối cùng của anh Đức từ buổi chiều sang buổi sáng để anh có thể sớm trở về nhà đón cậu “Đức con”.
Từng bước chân qua nhiều thành phố xinh đẹp của châu Âu nhưng anh Đức vẫn không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp của Slovakia. “Có những ngày tôi đi qua những lâu đài cổ nhất châu Âu mà cảm giác lâng lâng khó tả”, chuyên gia nhà phần mềm bồi hồi nói. Anh cho biết, Kocise là một trong những thành phố tĩnh lặng và thanh bình nhất mà anh từng đến.
Gia đình anh Đức vừa chào đón thêm một thành viên nữa vào năm ngoái. |
Một năm gắn bó với FPT của anh Đức là một năm đi cùng những thăng trầm của FPT Slovakia. Đây cũng là lần đầu tiên anh tham gia một dự án M&A. “Đây là bước tiến có một không hai trong sự nghiệp của tôi”, chuyên gia cho hay. Tất nhiên, bên cạnh niềm tự hào và hạnh phúc với công việc thì mỗi ngày anh vẫn luôn đối diện với muôn vàn áp lực. Nhưng trên hết, dự án này đã mang đến cho anh những trải nghiệm mà không gì đánh đổi được.
Có được công ty con của một trong những tập đoàn năng lượng hàng đầu Slovakia sẽ là chiếc vé vào cổng danh chính ngôn thuận và vô cùng tiềm năng với FPT để tiếp tục phát huy và nâng tầm sức mạnh, từ đó mở ra nhiều cơ hội lớn hơn ở châu Âu. Còn với anh Đức, chuyên gia trẻ tuổi của nhà phần mềm, đây là một dự án để đời, một dấu son trong sự nghiệp mà anh không bao giờ quên.
Tháng 6/2014, FPT hoàn tất việc mua lại Công ty RWE IT Slovakia, thuộc tập đoàn RWE (Đức). Kể từ ngày 1/7, RWE IT Slovakia được đổi tên thành FPT Slovakia, chính thức ghi dấu bước chân của FPT trên nấc thang toàn cầu hóa. Với thương vụ RWE IT Slovakia, FPT đã mua năng lực công nghệ khi sở hữu 300 chuyên gia. Thương vụ này cũng cho FPT một khách hàng lớn (doanh thu của RWE là 70 tỷ USD, chi tiêu cho IT hằng năm gần 1 tỷ USD) và có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực mới là Utility (hạ tầng gồm điện, nước, gas…) không chỉ tại thị trường châu Âu mà còn ở thị trường khác trên toàn cầu như Mỹ, Nhật. Mua RWE IT Slovakia giúp FPT nâng cao một cách đáng kể năng lực tư vấn những giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP cho các công ty hạ tầng. Đồng thời, đem lại loại hợp đồng mà FPT đang vươn tới - hợp đồng cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể dài hạn (tức là cung cấp dịch vụ từ khâu tư vấn, triển khai đến bảo trì, bảo dưỡng) với khoản doanh thu kỳ vọng 80 triệu USD trong vòng 5 năm. FPT mua lại RWE IT Slovakia là thương vụ M&A đầu tiên của FPT nói riêng và trong lịch sử của ngành Công nghệ thông tin Việt Nam nói chung. |
Yến Nhi
Ảnh: NVCC
Ý kiến
()