Chúng ta

Doanh nghiệp CNTT-Viễn thông là ‘đầu tàu’ dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia

Thứ ba, 30/4/2019 | 17:57 GMT+7

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia để trình Thủ tướng trong năm nay. Đây sẽ là một trong những đề án được quan tâm hàng đầu bởi đây là xu thế toàn cầu. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới và Việt Nam đang ở điểm gần của quá trình chuyển đổi số.

IMG-9650-JPG-9193-1497415762-8278-155661

Chuyển đổi số đang là xu thế toàn cầu Chuyển đổi số là cơ hội hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…

Chuyển đổi số đang là một xu thế không thể cưỡng lại được trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số được nhận định là một tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Các chuyên gia cho rằng, trong xu thế phát triển chung này, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức đều phải chấp nhận sự thay đổi, bởi nếu không thay đổi sẽ bị tụt lại phía sau.

Còn theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số - chuyển đổi số - kinh tế số - kỷ nguyên số là một tiến trình không thể đảo ngược bởi đây là một xu thế toàn cầu.

"Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang ở điểm gần của quá trình chuyển đổi số. Đây thực sự là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà nước và doanh nghiệp

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch năm 2019, Bộ TT&TT cũng đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia, trình Thủ tướng ngay trong năm 2019. Đề án sẽ xác định rõ ai phải làm gì, trong bao lâu và bằng cách nào để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số trên phạm vi cả nước trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp CNTT-Viễn thông đã sẵn sàng

Nhân tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế số, từ đó thay đổi cách chúng ta sản xuất, cách chúng ta đang làm việc không ai khác chính là các doanh nghiệp số Việt Nam. Dùng công nghệ để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh.

Trên thực tế các doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam như VNPT, FPT, hay Viettel cũng đã sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi số ngay trong năm 2019.

Với VNPT, Tổng giám đốc Phạm Đức Long cho biết, năm 2019 là năm bản lề thực hiện Chiến lược VNPT 4.0, hướng tới chuyển thành một doanh nghiệp số lớn mạnh trong khu vực. VNPT đang bám sát Đề án Chuyển đổi số quốc gia, tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu. Bản thân VNPT đang chuyển đổi mạnh mẽ để trở thành một doanh nghiệp số, hoạt động toàn bộ trên môi trường số.

Còn với FPT, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cũng cho biết, doanh nghiệp này đang cùng các chuyên gia hàng đầu trên thế giới để thực hiện chuyển đổi số và hiện nay đã ký hàng loạt thỏa thuận với các tập đoàn rất lớn trên thế giới, đó là các tập đoàn tại Nhật Bản, các tập đoàn tại Đức và sắp tới đây là cả các tập đoàn tại Mỹ về việc thực hiện chuyển đổi số cho họ.

HOANG-NAM-TIEN-CHU-TICH-FPT-2932-1556619

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software kỳ vọng FPT sẽ là doanh nghiệp tiên phong về chuyển đổi số.

FPT cũng lấy chính bản thân Tập đoàn FPT với quy mô 35.000 người để tiến hành việc chuyển đổi số. Hiện nay 7 công ty thành viên của Tập đoàn FPT đang tiến hành một cách quyết liệt các bước đi trong việc thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu trở thành doanh nghiệp tiên phong và là công ty hàng đầu thế giới về chuyển đổi số.

Cũng bắt đầu từ năm 2019, FPT sẽ chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện. Tầm nhìn của FPT trong 10 năm tới là lọt TOP 50 các công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.

Viettel cũng vừa ra tuyên bố khẳng định, năm 2019 là năm Viettel lĩnh sứ mệnh “kiến tạo xã hội số ở Việt Nam”, chuyển đổi mạnh mẽ từ doanh nghiệp viễn thông sang doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số.

“Tại Việt Nam, thời gian cho chuyển đổi số hiệu quả nhất chỉ trong vòng 2 năm, 2019 - 2020, còn sau đó thì chúng ta sẽ bị muộn so với thế giới. Nếu kéo dài, sẽ rất căng cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch, kiêm quyền Tổng giám đốc Viettel đánh giá.

Trong tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ như FPT, VNPT, và Viettel được giao trọng trách là lực lượng tiên phong, triển khai đầu tư, xây dựng năng lực chuyển đổi số.

Với những động thái tích cực này, có thể thấy, cả VNPT, FPT và Viettel đều đã nhận thức rõ trách nhiệm của doanh nghiệp mình trong việc thiết lập hạ tầng, nền tảng để triển khai công cuộc chuyển đổi số cho toàn bộ nền kinh tế đất nước.

>> Chủ tịch FPT: 'Chuyển đổi số là bắt buộc nếu không muốn mất khách hàng'

VietnamFinace

Ý kiến

()