Chúng ta

Anh Trương Gia Bình: ‘Chính phủ gấp rút xây Chiến lược chuyển đổi số quốc gia’

Thứ hai, 22/4/2019 | 10:19 GMT+7

Chia sẻ tại sự kiện Sao Khuê, người đứng đầu FPT kiêm Chủ tịch VINASA - anh Trương Gia Bình cho hay, Chiến lược chuyển đổi số quốc gia dự kiến công bố vào tháng 8 xác định chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế, doanh nghiệp và xã hội sang nền tảng số.

Đại diện Ban tổ chức thông tin, bên cạnh việc đánh giá, bình chọn và công nhận danh hiệu Sao Khuê 2019 cho các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp CNTT xuất sắc, một thông điệp mà VINASA muốn truyền tải mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp CNTT–Truyền thông Việt Nam chính là tinh thần “Xung kích Chuyển đổi số”.

trao-giai-sao-khue-2019-3-8626-155590297

Chủ tịch FPT kiêm Chủ tịch VINASA - anh Trương Gia Bình. Ảnh: M.T

Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu, đặc biệt trong một số ngành như tài chính, giao thông vận tải, nông nghiệp và du lịch… Chính phủ Việt Nam và chính quyền các cấp đang có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy, hành động xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch. Hơn 30 thành phố tại Việt Nam đang định hướng xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới…

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp CNTT–Truyền thông cần có sự tập trung cao hơn nữa trong việc đầu tư, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phục vụ quá trình Chuyển đổi số, từ đó lan tỏa đến các lĩnh vực, các ngành kinh tế chủ chốt… tạo động lực mạnh mẽ đưa Việt Nam tiến nhanh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Chính phủ Việt Nam đang gấp rút xây dựng Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, dự kiến công bố vào tháng 8. Chuyển đổi số quốc gia là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế, doanh nghiệp; chuyển đổi toàn bộ xã hội sang xã hội số nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động, thay đổi toàn diện cơ cấu việc làm, tạo ra động lực tăng trưởng vượt bậc cho đất nước”, anh Bình nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VINASA, với sứ mệnh tiên phong, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phần mềm, CNTT Việt Nam phải nỗ lực sáng tạo hết mình, tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao theo những xu hướng công nghệ mới như AI, Robotics, tự động hóa, in 3D, IoT, Big Data… đóng góp tích cực vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia. “Tôi kêu gọi các doanh nghiệp phần mềm, CNTT ;Tiên phong, xung kích chuyển đổi số’, nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để rút ngắn khoảng cách, đột phá về doanh thu và tăng trưởng”.

Trong phát biểu tại lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2019, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định, sự phát triển của ngành CNTT luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ. Ngành CNTT cũng nhận được nhiều gửi gắm, kỳ vọng là sẽ tạo được sự đột phá chiến lược cho việc phát triển kinh tế xã hội và là động lực để các ngành khác phát triển.

fis-fpt-1899-1555902978.jpg

Thứ trưởng Phan Tâm (phải) trao giải cho đại diện FPT IS. Ảnh: FIS

Theo Thứ trưởng, trong thời kỳ mới với nhiều thách thức, ngành công nghiệp ICT đang được định vị là trung tâm, có vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số, đảm bảo hạ tầng cho nền kinh tế số của Việt Nam, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành liên quan đã xác định các định hướng lớn và những mục tiêu chủ yếu mà ngành công nghiệp ICT của đất nước cần vươn tới thời gian tới.

Bộ TT&TT cũng đang nghiên cứu để đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đột phá để đảm bảo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ mới của ngành CNTT ngày càng sâu rộng. Có thể điểm qua một số định hướng mới như: xây dựng chương trình Chuyển đổi số quốc gia; đề xuất thử nghiệm các chính sách Sandbox đối với một số loại hình công nghệ và dịch vụ mới; nghiên cứu, đề xuất chính sách cho Mobile Money; xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 hợp tác cùng Diễn đàn kinh tế thế giới WEF.

Sáng ngày 21/4, lễ công bố và giao giải Sao Khuê 2019 đã được diễn ra tại Hà Nội. Giải thưởng uy tín do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) tổ chức thường niên từ năm 2003. Theo công bố, FPT có 8 sản phẩm, dịch vụ ngành phần mềm và công nghệ thông tin nhận danh hiệu. FPT IS có 4 sản phẩm đạt giải gồm: Hệ thống tuân thủ an toàn vốn-FPT.CARS, Phần mềm điện toán đám mây hóa đơn điện tử-FPT.eInvoice, Nền tảng tích hợp và xử lý dữ liệu FPT-FPT.Fortuna, Dịch vụ giám sát an toàn thông tin dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ-FPT.EagleEye MDR.

4 sản phẩm nhà F còn lại gồm: Website tuyển dụng trên nền tảng công nghệ-FPTJobs.com và FPT HI GIO CLOUD (cùng thuộc FPT Telecom), Dịch vụ Xử lý số FPT (FPT Software) và Đào tạo công nghệ thông tin (ĐH FPT).

Đặc biệt, đề cử Đào tạo công nghệ thông tin, đại diện duy nhất của Tổ chức giáo dục FPT là một trong 10 sản phẩm, dịch vụ được đánh giá cao nhất.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch HĐQT Liên Việt Postbank cho hay: “FPT là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam. Vì thế, việc FPT áp đảo danh sách nhận giải Sao Khuê là điều có thể nhìn thấy”. Đặc biệt, ông ấn tượng với đề cử của FPT University. “Trong nhiều năm, FPT là cái nôi tạo ra nguồn lực CNTT và chuyển đổi số cho nước nhà. Trong số ba thành tố tạo nên sự phát triển của xã hội 4.0 gồm công nghệ, thể chế và con người, con người là nguồn quan trọng nhất. Tôi hâm mộ FPT vì đã tạo nên Đại học FPT giúp Việt Nam giải quyết bài toán về nhân lực”.

Chuyển đổi số là định hướng của FPT trong những năm gần đây. Với tiềm lực và kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu thế giới là ông Phương Trầm - người đã thực hiện chuyển đổi số thành công cho DuPont, FPT đặt mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ trở thành một trong số ít các tổ chức chuyển đổi số thành công.

Mới đây, tập đoàn đã thành lập Ban Chuyển đổi số FPT (FPT Digital) do anh Trần Huy Bảo Giang - nguyên Giám đốc Công nghệ FPT Software đảm nhận vị trí Giám đốc Chuyển đổi số (CDTO) kiêm Trưởng ban Chuyển đổi số và Cố vấn cấp cao Học viện số.

Cùng thời điểm, Học viện số FPT (FPT Digital Academy) cũng được thành lập với mục tiêu kết nối và phát triển tri thức Việt toàn cầu trong công cuộc đưa Việt Nam lên danh sách những nước đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Anh Lê Hùng Cường, nguyên Phó Giám đốc Công nghệ FPT Software, đảm nhận vị trí Giám đốc Học viện.

Đây là những động thái mạnh mẽ cho thấy FPT quyết tâm đạt được mục tiêu đầy thách thức này.

>> Nhà F mở hội nghị tư vấn Chuyển đổi số cho 50 tập đoàn toàn cầu

Tân Phong

Ý kiến

()