Chúng ta

Xin lỗi

Thứ sáu, 21/1/2022 | 15:10 GMT+7

Trong công viên, có cậu bé đạp xe, không may đâm trúng một cụ già đang tản bộ. Bố mẹ cậu bé vội chạy đến xin lỗi. Cụ già, vừa lấy tay xoa xoa chỗ bị đau bên sườn vừa nói:“Lỗi là tại tôi. Tôi đã nhìn thấy xe bé đang phi tới, nhưng do quá chậm chạp, nên không tránh kịp”.

Trên phố đông, có hai người đi ngược chiều vô tình va vào nhau. Cả hai cùng đồng thời nói “I am sorry”…

Những chuyện như thế, ở nước ngoài rất nhiều. Thay vì đổ lỗi hoặc cãi vã, ai đúng ai sai, thì mỗi bên đều tự nhận lỗi về mình. Và khi, cả hai bên cùng nói lời xin lỗi, thì đó chính là tuyên bố chung “Vấn đề đã được giải quyết”.

Ở Việt Nam, từ xin lỗi ít được dùng hơn.

Tháng trước, khi từ thang máy bước ra, một người đã đâm sầm vào tôi. Tôi vội nói xin lỗi, nhưng chỉ nhận được một cái nhìn bực tức của đối phương.

Mấy năm trước, nhóm chúng tôi chơi golf ở một sân vùng trung du. Khi thanh toán tiền mới phát hiện ra, trong hoá đơn có ghi thêm 10 quả trứng luộc, mà nhóm không hề đặt mua. Nhân viên thanh toán thản nhiên tuyên bố, biên lai caddy (hay còn gọi là caddie - là nhân viên hướng dẫn, phục vụ khách chơi golf) chuyển lên như thế nào thì tính như thế. Vậy là phải tìm bạn caddy để đối chứng. Cuối cùng, phát hiện ra, 10 quả trứng đã bị chuyển nhầm từ nhóm khác qua.

Chuyện này làm chúng tôi chậm 15 phút. Nhân viên thanh toán không chỉ không nói câu xin lỗi mà thái độ rất không thân thiện. Một chị đã góp ý với bạn ấy: “Cô đã mong cháu nói một từ xin lỗi. Làm việc trong ngành dịch vụ, xin lỗi là từ khoá đấy cháu ạ” thì bạn ấy đã trả lời rất thản nhiên “cháu có sai đâu mà phải xin lỗi”.

Tại sao ở Việt Nam, từ xin lỗi lại khó nói như thế?

Không chỉ ít xin lỗi, mà cách xin lỗi của chúng ta cũng có nhiều vấn đề.

Chẳng hạn, xin lỗi mà không có sự thành tâm. Có thể bạn đã từng nghe những lời xin lỗi kiểu như: “nếu quý vị không hài lòng, thì tôi xin lỗi", chẳng khác nào mắng ngược lại (tôi đâu có lỗi, lỗi là do quý vị khó tính bắt bẻ mà ra).

Và thói quen phổ biến nhất là, lời xin lỗi luôn đi kèm với các lý do để bao biện.

Chẳng hạn, một nhân viên đến họp trễ đã nói: “Xin lỗi tôi đã đến muộn, vì hôm nay đường kẹt quá”. Hoá ra lỗi là kẹt đường, chứ tôi đâu có lỗi! Hay, trong nhà hàng, trước câu chất vấn: “Sao phục vụ chậm thế”, ta thường được nghe câu trả lời: “Xin lỗi, vì hôm nay khách quá đông”. Cũng thế, lỗi chậm không do nhà hàng hay các nhân viên. Lỗi do khách đông.

Trong cuộc sống, lỗi là thứ không thể tránh được. Có làm là có sai. Mà sai thì phải khắc phục. Xin lỗi là bắt đầu của sự khắc phục. Điều quan trọng nhất trong khi xin lỗi, bất kể nặng nhẹ, chính là sự thành khẩn: bản thân phải nhận thức đầy đủ sai sót, thành tâm nói lời xin lỗi, sẵn sàng khắc phục hậu quả, chấp nhận mọi hình phạt, không bao biện, không chờ mong được thông cảm…

Thực ra, chủ động nói lời xin lỗi là một thái độ rất tích cực: không phải vì ta đã làm điều gì tệ hại, mà đơn giản là ta đã có thể làm tốt hơn.

Cậu lái xe của tôi nói rằng: “Nếu đụng xe mà cháu xin lỗi trước, thì người ta sẽ bắt cháu bồi thường toàn bộ”. Tương tự, khi trẻ con đánh nhau, nếu bố mẹ sang nhà hàng xin lỗi, tức là thừa nhận cái sai về con mình… Chính vì cái định kiến này, người Việt Nam rất ngại xin lỗi, nhất là đối với sự việc trầm trọng.

Trên đây là vài nhận xét lan man về câu chuyện xin lỗi của Việt Nam trong tương quan với thế giới. Tôi nghĩ, chương trình giáo dục công dân trong các trường phổ thông nên có thêm tiết dạy về xin lỗi, bởi vì cùng với cám ơn, đó là hai từ thường dùng và quan trọng nhất trong bất kỳ ngôn ngữ nào.

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()