Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã có niềm đam mê mãnh liệt với các hoạt động phong trào. Môi trường của Học viện Báo chí khiến tôi như cá gặp nước, đắm đuối với các chương trình, sự kiện, các hoạt động trong và ngoài trường. Ấy thế nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gắn chặt với cái nghề ấy mà chỉ nghĩ nó như một đòn bẩy, một khía cạnh giúp tôi thỏa mãn đam mê.
Khi ra trường, trải qua hơn 2 năm làm biên tập viên, và cũng ngần ấy thời gian chuyển sang làm marketing, tôi vẫn quẩn quanh trong trạng thái nghề nào cũng làm mình yêu và hết mình vì nó. Vòng quay công việc chỉ xoay quanh chuyên ngành tôi được đào tạo và cơm áo gạo tiền.
Thế rồi cơ duyên đưa tôi đến FPT Retail làm Tổng hội, vị trí công việc tôi chưa nghe thấy ở bất cứ công ty nào. Chỉ biết là làm các sự kiện nội bộ, công đoàn và thiện nguyện. Thêm nữa, qua tìm hiểu thấy văn hóa doanh nghiệp nhà F được truyền thông khen nức nở và các doanh nghiệp khác ngưỡng mộ, thế là hăm hở làm.
Tác giả Vũ Thị Thu Huyền. |
Còn nhớ những ngày đầu khi mới chân ướt chân ráo về FPT, đi học hỏi đâu đâu cũng nhắc tới văn hoa STCo mà mình như điếc, tôi có biết STCo là gì đâu, tra trong từ điển tiếng Anh cũng không thể dịch được nghĩa. Lúc ấy, tôi chỉ thắc mắc, tại sao lại có nhiều người cùng thuộc một bài, rồi hát lung tung từ bài này sang bài khác. Và lạ một điều, chỉ cần có một người khởi xướng câu đầu là y như rằng cả “lò” cùng hò reo hết bài. Thế mới lạ!
Ấm ức vì mình cũng hát hò nhảy múa khá bài bản, vậy nhưng chỉ ngồi nghệt mặt nghe đồng nghiệp mới hát hoặc đập đũa hùa theo mà không hát được từ nào. Tôi quyết tâm làm mới mình. Từ “té nước theo mưa”, rồi dần dà thấm dần những sáng tác ngẫu hứng, mang đậm chất nghề nghiệp, hiểu hơn cách để lan tỏa văn hóa.
Là người phụ trách mảng văn hóa tại FPT Retail, tôi hăm hở triển khai các chương trình như khai phá một vùng đất mới giàu tiền năng. Thế nhưng khi bập vào thực tế tôi mới thấy gian khó trăm bề. Nghề bán lẻ không khác gì con mọn, bận luôn chân luôn tay nên người làm truyền thông, văn hóa cũng gặp nhiều trở ngại. Nhân sự của chúng tôi tuổi đời đều khá trẻ, có nhiều thay đổi nên ra vào công ty, thay đổi liên tục, bên cạnh đó lại làm theo ca. Vì vậy, công tác triển khai các hoạt động đoàn thể, truyền đạt văn hóa tập đoàn cho từng cá nhân gặp nhiều trở ngại.
Thế hệ đồng nghiệp mới - gen Z - cũng có những suy nghĩ và tư tưởng mới, việc phủ rộng văn hóa, văn nghệ cũng ngày một khó khăn. Những bài truyền thống trước nay như Đoàn FPT, người FPT, 1 2 3, đi đâu ai cũng hát, ai cũng có thể hòa mình. Nhưng hiện nay độ phủ của các bài hát chế không còn được như xưa. Các sáng tác STCo vẫn được đón nhận nhưng rất nhanh sẽ bị lãng quên. Ngày xưa, anh em chỉ cần cốc bia, củ lạc nghêu ngao hát mấy bài là vui là sướng. Nhưng giờ để anh em sướng cần nhiều hơn thế. Điều đó khiến những người làm văn hóa chúng tôi phải biến đổi, học hỏi không ngừng để bắt kịp xu hướng của giới trẻ.
Nhưng không bỏ cuộc. Chúng tôi vẫn âm thầm làm việc và cống hiến, dù là bộ phận chỉ biết tiêu tiền và ăn chơi như một vài nơi đồn đại. Chúng tôi vẫn lặng lẽ đứng sau chăm lo về đời sống tinh thần cho mỗi thành viên để tình anh em trong công ty được gắn kết bền chặt. Đôi khi bỏ mặc chồng con, bỏ hết việc nhà để đem lại tiếng cười, sự hồ hởi, giúp anh em tái tạo sức lao động cho một ngày mới tràn trề sức sống hơn. Thế nhưng những cố gắng khó có số liệu rõ ràng như kinh doanh nên không dễ để được ghi nhận.
May mắn là nhà F nói chung và nhà Bán lẻ nói riêng, lãnh đạo vẫn vô cùng tâm huyết với văn hóa, luôn ủng hộ, định hướng, hỗ trợ để văn hóa phát triển. Chúng ta vẫn thường nói “Sếp nào, phong trào đó”, nhờ vậy mà hoạt động phong trào của FPT Retail giờ đây đã có sự khởi sắc mạnh mẽ. Càng ngày văn hóa và các hoạt động xã hội càng được chú trọng. Hy vọng rằng, với ngọn lửa cháy bỏng và sự truyền lửa mạnh mẽ từ các anh chị lãnh đạo, chúng tôi sẽ luôn duy trì, phát triển và đa dang hóa văn hóa FPT để chúng ta sẽ luôn tự hào về nét văn hóa mà biết bao doanh nghiệp vẫn thường ngưỡng mộ.
Thu Huyền
Ý kiến
()