Chúng ta

Có nên làm F0 để yên tâm hơn với dịch?

Thứ sáu, 24/12/2021 | 10:05 GMT+7

Sau đợt dịch căng thẳng kéo dài vài tháng tại TP HCM, thành phố dần hồi sinh. Nhiều ca F0 có triệu chứng bệnh nhẹ vì đã tiêm chủng nên có một luồng suy nghĩ cho rằng “trước sau gì cũng bị” và có phần xem nhẹ bệnh. Tôi cũng từng có suy nghĩ đó, còn cho rằng tiêm mũi 2 vào đầu tháng 9 nếu chẳng may Tết đi đâu mà dính thì vaccine lại hết tác dụng, nếu dính sớm đỡ hơn. Ai ngờ, thành F0 thật và sau đó tôi thay đổi suy nghĩ hoàn toàn.

Tôi biết mình dương tính vào ngày 3/12, sau chồng tôi 2 ngày. Sáng 1/12, chồng tôi hơi hâm hấp nóng nên chúng tôi thử xét nghiệm nhanh. Trong lúc lấy mẫu, chồng tôi bị hắt xì trong khi tôi ngồi đối diện. Kết quả anh ấy 2 vạch, còn tôi dù khi ấy vẫn 1 vạch. Nhưng tôi biết điều gì đến sẽ đến. Nguồn lây của anh ấy có thể là từ khách hàng đã tiếp xúc trước đó 3 ngày nhưng may mắn là ngoại trừ 2 vợ chồng thôi thì ba mẹ chồng, em gái và con gái đều khỏe mạnh.

Chủ động cho tình huống nhiễm bệnh

Những tháng ngày WFH tại nhà là những ngày TP HCM oằn mình chống dịch, con hẻm nhỏ nhà tôi chỉ 10 căn nhà thì hết 7 căn có F0, tôi vẫn thường suy nghĩ nếu nhà mình có người nhiễm bệnh thì sao vì không thể đóng cửa ở nhà mãi được. 

Tôi bắt đầu chuẩn bị thuốc hạ sốt, cồn xịt, tăng cường multivitamin mỗi ngày, bổ sung vitamin C từ cam, ổi, rau xanh hoặc viên sủi để có đề kháng, tập thể dục 30 phút/ngày. Đương nhiên, tôi khuyến khích cả nhà cùng thực hiện.

Nhà có 3 phòng ngủ trong đó có một phòng đã có nhà vệ sinh và các phòng đều có hai cửa sổ thoáng khí. Tôi tự nhẩm, nếu có người mắc thì chắc chắn sẽ cách ly ở đây, các phòng còn lại cho F1. Hình dung luôn ai sẽ chăm sóc con gái, đồ dùng con bé sẽ được chuyển ra như thế nào. Đọc thêm các diễn biến và cách chăm sóc bệnh, có sẵn các mối quan hệ đang làm trong bệnh viện… Và cảm thấy yên tâm phần nào cho tình huống nếu trong nhà xuất hiện F0.

Những ngày mang virus trong người

Khi cầm kết quả 2 vạch của chồng, ngay lập tức bé em gái không tiếp xúc gần là người sẽ ra đường mua thêm các thuốc. Ngoại trừ thuốc ho, đau họng, tinh dầu xông, hai thứ tôi thấy mình đã đúng đắn khi mua đó là ấm đun siêu tốc và kẹp ngón tay đo SpO2.

Sau khi biết mình là F1 có nguy cơ rất cao, tôi tự cách ly trên phòng của em gái và quan sát diễn biến của những thành viên còn lại trong nhà. May mắn là chồng tôi đã “bị hành” khi tôi còn khỏe nên vẫn có thể chăm sóc những cơn sốt lạnh từ Covid. Khi sốt vì lạnh nên anh chồng tôi trùm kín mền, dẫn đến SpO2 chỉ còn 82, sau vài ba lần lau mát, tháo mền, uống hạ sốt thì SpO2 tăng trở lại lên 96. Có lẽ đó là lần “đau tim” nhất của tôi. 

Sau lần chỉ số oxy tụt nhiều, chồng tôi tự uống thêm thuốc giảm tải virus. Đến ngày thứ ba của bệnh, anh đã khỏe, hết triệu chứng, khứu giác và vị giác có lại sau một buổi mất đi. Nhưng vẫn tiếp tục uống thuốc với liệu trình 5 ngày và xông mũi đủ 2 lần trong suốt 7 ngày.

Khi anh chồng ổn hơn, thì tôi bắt đầu chảy mũi và nhức mỏi mình mẩy. Qua ba ngày làm F0, triệu chứng của tôi vẫn là đau họng vào buổi sáng, sốt trưa, nhức cơ thể, buồn ngủ ngang - cơn buồn ngủ đến bất chợt và phải ngủ ngay lập tức. Tôi không uống thuốc đặc trị vì niềm tin kháng thể sẽ tự sinh và chiến thắng. Đến ngày thứ tư triệu chứng đỡ hơn nhưng đến tối thì lại thêm ói và chóng mặt và ngày thứ năm tôi quay lại khỏe hơn nhưng vẫn 2 vạch đến ngày thứ tám mới âm tính hoàn toàn. 

Để tránh lây nhiễm trong nhà, chúng tôi chỉ ra khỏi phòng khi không có ai ở ngoài, nếu phải xuống nhà sẽ đứng thật xa, hạn chế nói chuyện, thức ăn được mẹ để ở cửa phòng và tự ra lấy vào. Việc chăm sóc bản thân tôi vẫn nhớ lời bác sĩ quen đã dặn: “F0 cần tự chăm sóc mình một cách tối đa”, chúng tôi tự đun nước để xông bằng viên tinh dầu thay vì nhờ người nhà mua lá nấu. Toàn bộ những vật dụng từ phòng F0 ra ngoài đều được xịt cồn hoặc trụng nước sôi, phơi nắng. 

Những ngày cách ly trị bệnh, tôi vẫn cố gắng ăn uống đầy đủ cho có sức. Hai F0 nhà tôi ăn hết suất và trái cây được mẹ đưa lên. Vì không mất vị giác, ăn uống vẫn ngon miệng nên những ngày dương tính tôi đã cảm thấy cũng không quá đáng lo và hai vợ chồng tôi đã qua được Covid với kết quả một vạch khi xét nghiệm nhanh.

Hậu Covid - thay đổi suy nghĩ để nhiễm tự nhiên

Tôi vẫn nghĩ vì mình kéo dài đến tám ngày nên từ khi âm tính đến nay đã gần nửa tháng tôi vẫn bị ho kéo dài, dễ hụt hơi và khó thở. Đọc thêm về hội chứng hậu Covid tôi càng tự thấy suy nghĩ để nhiễm của mình là đánh cược với chính bản thân.

Việc tăng cường sức khỏe là một việc cần làm và duy trì. Nhưng thay vì không sợ bệnh, tôi nghĩ cần nhất vẫn là phòng ngừa, 5K và chuyện để nhiễm Covid chỉ là chuyện không mong muốn nhưng được diễn ra trong tâm thế có chuẩn bị tốt.

Giờ đây, là một F0 hồi phục, tôi “gác lại âu lo” để tiếp tục chủ động cho một hành trình mới với các bài tập thở, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể và tinh thần để vượt qua tiếp chặng tiếp theo của hậu Covid. Con virus nhỏ nhưng khiến cả thế giới phải lo, thay vì trốn tránh, tôi vẫn nghĩ mình cần sự chuẩn bị cho tình huống xấu và những giải pháp phù hợp nhất cho mình thì đó mới là cách để sống chung với con virus đáng ghét này.

Vy HB Nguyễn

Ý kiến

()