Chúng ta

Trách nhiệm và niềm tin với người thầy

Thứ hai, 18/5/2020 | 10:21 GMT+7

Giờ đây sự chú ý của tôi dồn về giáo dục, một là vì đang lựa trường cho con đi học lớp 1, hai là cũng vẫn luôn rất thích và mơ ước sẽ một ngày lại quay về lĩnh vực này để góp phần nhỏ bé tạo nên các giá trị hữu ích cho người học.

Trường nào cũng có nhiều cái để khoe, cơ sở vật chất, giáo trình Tây - Việt kết hợp, ngoại khóa hấp dẫn, kỹ năng mềm nghe rất hợp thời. Cái khó khoe nhất, khó tiếp cận nhất, khó đánh giá nhất lại là giáo viên - đối tượng trực tiếp chịu trách nhiệm (mà tôi cho là vừa khó khăn vừa nặng nề) trong việc truyền đạt tất cả những cái hay ho, kỳ vọng đó tới học sinh.

Người giáo viên, từ bao năm nay và tôi vẫn tin là cả những thập kỷ sắp tới, dù công nghệ có làm cho văn minh nhân loại thay đổi như thế nào, thì họ - những người đi cùng với trẻ trên chặng đường tìm hiểu tri thức, phát triển bản thân - vẫn thực sự đóng vai trò vô cùng quan trọng và nhạy cảm.

Cuộc đời chẳng phải thật tuyệt nếu trẻ có được những người thầy tốt hay sao! Nhưng ta đã làm gì để giúp tạo điều kiện xây đắp nên những người giáo viên tốt nhỉ? Tôi cho rằng những điều ta làm là ít ỏi so với kỳ vọng và trách nhiệm đặt lên vai nhóm đối tượng này.

Hầu hết tôi thấy họ hay nhận được các yêu cầu, nhiệm vụ, mà ít được thấy trao cho năng lực, cơ hội học tập thực sự chất lượng, sự cảm thông, biết ơn chân thành, và với nhiều người, còn là chật vật xoay xỏa với đồng lương eo hẹp, với vị trí xã hội thấp bé.

Chúng ta nói coi trọng nhà giáo, những chủ quan nhìn vào những gì ta dành cho họ, có vẻ không phải lắm.

Lại nhớ lại hồi mới sinh Pony, có một chị đến chăm sóc sau sinh. Khi trị liệu cho tôi mấy vết thương, chị tâm sự: hơn 10 năm chăm cho hàng trăm mẹ, chị nhận thấy ở xứ mình toàn chú tâm quá mức vào đứa trẻ, mà quên đi người mẹ, người cha. Họ căng thẳng, mệt mỏi và đầy áp lực, làm sao mà nuôi ra được một đứa trẻ vui tươi. Chị ấy tin là mẹ ngủ đủ, ăn ngon miệng, được đối xử bình thường không bị giáo huấn, đe dọa, so sánh; ông bố được tôn trọng, hướng dẫn, không bị dán nhãn là đàn ông có làm gì đâu, vô tâm, vô dụng... thì tự khắc ông bố bà mẹ vui vẻ, cân bằng, sẽ dần biết cách nuôi dạy con của họ.

Có lẽ với giáo viên cũng vậy, trong ngôi trường bây giờ, câu chuyện về chương trình tiên tiến, đủ thứ sức mạnh cạnh tranh vun vào cho đứa trẻ quá (mà cũng chưa chắc thật), mà có vẻ quên đi nhiều điều, đó là làm gì để vun đắp nên những thầy cô vui vẻ, hạnh phúc với nghề, thấy mình tự hào, có giá trị, được tôn trọng và hỗ trợ thực sự

Hành trình đi tìm trường cho con lại hóa thành hành trình hiểu biết hơn cho mẹ. Vẫn vẹn nguyên suy nghĩ như hai năm trước được dẫn Gala Thầy cô chúng ta đã thay đổi của VTV7, tôi sẵn sàng làm bất kỳ điều gì trong nguồn lực hiện có để hỗ trợ vun đắp thêm vào các chương trình, chính sách hỗ trợ cho giáo viên. Vì tôi vụ lợi lắm, bất kỳ thầy cô nào được tốt lên, thì con tôi, bạn của con tôi, thế hệ sau của con tôi... đều có cơ hội được hưởng tình yêu, sự nuôi dưỡng và tri thức từ họ.

Hồng Nga

Ý kiến

()