Hành trình tôi trở thành một mảnh ghép của Hope School cũng thật tình cờ. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ xa phố núi Pleiku - nơi tôi đã có cả cuộc đời tuổi trẻ, tuổi thơ, thanh xuân, lập gia đình, sinh con, gắn bó.
Một ngày nọ, tôi đến Hope School. Tôi có để lại số điện thoại, vì tôi là giảng viên Tâm lý học. Tôi nhắn nhủ các con, nếu có chuyện gì đó hãy gọi cô, cô sẽ hỗ trợ.
Rồi một ngày không lâu sau đó, tôi trở lại Hope School, phỏng vấn, đi làm và gói ghém cả gia đình nhỏ đến sống ở thành phố biển Đà Nẵng. Sau ba tháng gắn bó, tôi hiểu rằng mình đã chọn được công việc đúng với nghề mình học, đúng với những trải nghiệm mới mà mình mong muốn sự ý nghĩa của sự cho đi.
Bạn đồng nghiệp mới nói với tôi, không biết, tụi nó lớn lên rồi có bao nhiêu đứa nhớ mình không nhỉ? Tôi nói rằng, tôi rất mong điều đó, vì việc nhớ ơn người khác là điều gốc gác cơ bản của làm người, người cho mình một bữa ăn, mình còn phải biết ơn, huống gì người ta nuôi ăn học, nhắc nhở trang phục nề nếp tắm rửa, người đó như một người mẹ thứ hai, Hope trở thành một gia đình thay thế.
Tuy nhiên, tôi cũng nói, chỉ mong, tụi nhỏ hiểu rằng, chúng đang được đối xử tử tế. Chúng cần học cách để trở thành người tử tế, trên hành trang tử tế ấy không thể thiếu hai từ biết ơn. Biết ơn không chỉ là sự nuôi dưỡng chăm sóc mình. Mà nó còn biết ơn cây vì đã cho hoa đẹp, biết ơn ánh bình minh mỗi sáng để vầng trời hiện lên đỏ rực, biết ơn những người đã gieo mầm tri thức. Chúng tôi chỉ là những người thừa hưởng, viết tiếp hành trang làm người tử tế của nhà F suốt 35 năm qua, và ở Trường Hy vọng, nơi các con đang sống là nơi mà các con thấy điều đó rõ nhất.
Ngày 3/1, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, đã gửi một bức thư đến toàn thể cán bộ, nhân viên FPT nói về hạnh phúc và mưu cầu hạnh phúc. Tôi đọc đi đọc lại bức thư ấy và thầm nghĩ, hạnh phúc đối với mình thật đơn giản. Đó là sau một ngày mệt nhoài, nhìn lũ trẻ háo hức đi học về chào cô, chào thầy, chúng ùa ra sân trò chuyện trên lớp, những lúc nũng nịu khóc nhớ nhà mắt tèm lem cũng dễ thương. Chúng trồng những cây nhỏ trong phòng, cắt giấy, vẽ tranh trang trí, những hình ảnh nhí nhảnh, đáng yêu… chúng lớn lên, học khá hơn một chút, để ý người này, thích người kia…
Tự dưng tôi có thêm gần 200 đứa con, con gái lớn lên xinh xắn, con trai đẹp trai, nam tính,… nghĩ đến đó thôi mà tôi cảm thấy hạnh phúc ngập tràn. Hành trình của mình có mệt mỏi vì những đêm thiếu ngủ, những tuần chúng mới ra chúng khóc đòi về, cha mẹ chúng hàng ngày gọi hỏi con, đi học trên lớp chưa quen bạn mới, cảm thấy cô đơn, tự ti, cũng khóc… nhưng chúng tôi luôn có người đồng hành.
Các bạn giáo viên ở FSchool Đà Nẵng cũng sắm vai cha mẹ để đồng hành cùng nhà Hope, những phụ huynh ở FSchool khi nghe con mình kể chuyện về Hope cũng tặng cho các con những món quà nhỏ xinh, khi là bộ quần áo ấm… những điều nhỏ bé ấy truyền thêm năng lượng tích cực cho chúng tôi trên hành trình kiếm tìm và mưu cầu hạnh phúc.
Bọn trẻ con rồi sẽ lớn, chúng sẽ có hạnh phúc của mình, cái riêng trong cái chung, cái chung đóng góp cho hạnh phúc của xã hội. Tôi hay nói với các bạn đồng nghiệp của mình, tôi mong muốn, Trường Hy Vọng trở thành một ngôi trường hạnh phúc. Như một mái nhà, khi mệt mỏi, bạn muốn về nhà, đó chính là nơi bạn đang cảm thấy hạnh phúc. Mà nhà được xây từ hạnh phúc thì ngoài kia có giông tố bão bùng, căn nhà vẫn ấm áp để mọi người nương tựa.
Định nghĩa hạnh phúc của mỗi người khác nhau, thước đo tiền bạc, danh vọng, hào quang… chỉ là khía cạnh nhỏ. Nếu có tiền mà hạnh phúc thì có lẽ người ta đã không thốt lên "tiền nhiều để làm gì"? Hạnh phúc có thể là đích đến mà mọi người vẫn đang kiếm tìm. Còn tôi, nhìn nhành hoa rung rinh trước gió, giọt sương mai lấp lánh trên lá cỏ, sau ngày rét, ánh nắng ửng lên, bầu trời xanh rạng rỡ, những chiếc lá vàng rụng xoay xoay trước gió, vũng nước nhỏ in hình tòa chung cư bên đường đang xây, đêm về, tiếng côn trùng từ phía bờ sông Cổ Cò kêu rả rích... Tôi thốt lên, "hạnh phúc quá", thì có nghĩa là tôi cũng đang có một phần của hạnh phúc thật sự.
Hạnh phúc sẽ sớm đạt được khi chúng ta cùng nhau mưu cầu. Nó là mạch nguồn, là tình yêu, cảm xúc. Như nhà văn Nguyễn Bình Phương từng viết, không có cảm xúc, thì không có tình yêu, không có tình yêu, không có sáng tạo. Và tôi tiếp mạch của ông bằng câu, nếu làm cho người khác hạnh phúc, cuộc đời này sẽ vô cùng ý nghĩa.
Tạ Ngọc Điệp
Ý kiến
()