Chúng ta

Bình đẳng và bất bình đẳng

Thứ hai, 19/10/2015 | 14:22 GMT+7

Cũng vì không phân biệt đối xử - với tính chất công việc của FPT/FE thì thật khổ cho các cán bộ lãnh đạo nữ khi áp lực công việc ở mức cao mà dường như chỉ lãnh đạo nam mới kham nổi.

20/10 là ngày Phụ nữ Việt Nam, là ngày thành lập Hội Phụ nữ Phản đế (nay là Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cách đây 85 năm (20/10/1930).

1. Nhiều anh em cứ thắc mắc có ngày Phụ nữ mà sao không có ngày Đàn ông? Có rồi nhé, Ngày quốc tế Nam giới hẳn hoi, là ngày 19/11 hằng năm. Search "Ngày quốc tế đàn ông" sẽ thấy link trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

2. Nhân ngày này, trước hết nói về Bình đẳng giới. Hiến pháp 1946 của Việt Nam quy định "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện". Việt Nam cũng có hẳn một Luật về Bình đẳng giới (Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11), trong đó quy định "Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình". Thực ra thì ở khía cạnh sinh học và thiên chức, nam và nữ đã khác biệt, và việc quy định bình đẳng cho các đối tượng khác biệt đã là một hành vi mang tính bất bình đẳng.

3. Nói chung hiện không có phân biệt đối xử nam - nữ tại FPT và Khối Giáo dục FPT (FE), mặc dù lãnh đạo FPT/FE hiện nay nam đang nhiều hơn nữ. Nhưng cũng vì không phân biệt đối xử - với tính chất công việc của FPT/FE thì thật khổ cho các cán bộ lãnh đạo nữ khi áp lực công việc ở mức cao mà dường như chỉ lãnh đạo nam mới kham nổi. Cũng khổ cho các nhân viên nữ, khi bị lãnh đạo đẩy việc như đẩy việc cho nhân viên nam... và nhân viên nữ cũng ít ai dám nói "anh ơi, anh lưu ý em là nữ nhé".

4. Bình đẳng trong công việc giữa nam và nữ chắc phải là thế này: Cùng một khối lượng và chất lượng công việc, nữ sẽ có thu nhập cao hơn; cùng một thu nhập, nữ sẽ phải làm việc ít hơn. Điều 13 (con số 13 thần thánh) - của Luật Bình đẳng giới quy định một cách bất bình đẳng như thế này: "Nam, nữ được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác".

5. Cuối cùng là chúc nhé. Chúc phái nữ mãi là phái yếu. Chúc bình đẳng theo hướng cân bằng trong môi trường bất bình đẳng.

Lê Trường Tùng

Ý kiến

()