Chúng ta

Một Dhaka bình dị

Thứ ba, 2/1/2018 | 08:29 GMT+7

Bỏ lại sau lưng những kẹt xe và dân cư đông đúc, Dhaka (Bangladesh) mang trong mình nhiều giá trị phi vật thể khiến mỗi người khi đến đây đều muốn lưu giữ lại. Sự thân thiện, mến khách và những tiếng kinh cầu nguyện có thể khiến bạn luôn nhớ về đất nước Hồi giáo này.

Cùng với Myanmar, Bangladesh là một trong số quốc gia mới mà FPT IS đặt chân đến trên chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn. Và những dự án trọng điểm ở Bangladesh như chiếc vé thông hành đưa hơn 30 FISers sang đất nước Nam Á này sinh sống, làm việc chủ yếu tại thủ đô Dhaka. 

Khi chưa đặt chân đến nơi đây, hẳn nhiều người sẽ mường tượng Bangladesh thật nghèo nàn, lạc hậu và dân cư đông đúc. Nhưng đâu đó Bangladesh còn có rất nhiều điều thú vị mà chỉ khi đứng giữa lòng Dhaka mới có thể cảm nhận hết.

"Người dân Bangladesh rất hòa đồng, thân thiện và hiếu khách. Người Việt Nam sang làm việc tại đây được họ coi như Tây. Họ có ngôn ngữ riêng nhưng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của họ, ngay cả đến ông bán rau cũng "bắn" tiếng Anh như gió, nên chúng tôi không gặp nhiều khó khăn lắm trong vấn đề giao tiếp", chị Nguyễn Như Quỳnh, FPT IS ERP - onstite dự án ERP/EAM cho Công ty Truyền tải Gas Bangladesh (GTCL), hào hứng chia sẻ.

Chị Nguyễn Như Quỳnh (ngoài cùng bên phải) vui chơi cùng các đồng nghiệp tại

Chị Nguyễn Như Quỳnh (ngoài cùng bên phải) vui chơi cùng các đồng nghiệp tại FIS Bangladesh Olympic 2017. Ảnh: FPT IS.

Như bao người khác khi đặt chân đến Dhaka, chị Quỳnh cũng vấp phải những khác biệt về văn hóa và ẩm thực của Bangladesh. Do múi giờ ở Bangladesh chênh lệch một tiếng so với Việt Nam nên thói quen sinh hoạt cũng vì thế mà bị đảo lộn. Người dân Dhaka bắt đầu ngày mới từ 10h, ăn trưa lúc 14-15h và ăn tối lúc... 22h.

Khác với Việt Nam, ẩm thực truyền thống Bangladesh có quan hệ chặt chẽ với ẩm thực Ấn Độ và ẩm thực Trung Đông cũng như có nhiều nét riêng biệt. Gạo, cá và gà chế biến mang đậm vị cà ri là các món ăn được ưa thích ở đây. Vì vậy, nhiều người FPT khi qua Dhaka onsite đều phải "tay xách nách mang" thêm thực phẩm từ quê nhà.

"Đội dự án có thuê nhà riêng nên đồ ăn hầu hết đều là thực phẩm Việt Nam. Mỗi lần sang Bangladesh là mọi người đều phải "thủ sẵn" bia, mắm tôm, tương bần, phồng tôm, tương ớt, mì tôm, gia vị nấu, phở khô….. Nói chung về ăn uống thì không khác gì ở nhà. Thỉnh thoảng, đội dự án có trải nghiệm ẩm thực địa phương để đổi vị. Đồ của họ đều là cari, cay và nóng lắm nên ít người ăn được. Món ăn bản địa mà người Hệ thống onsite khoái khẩu nhất có thể kể đến món bánh Nan, bánh Gucci. Đây là bánh làm từ bột mì, bột nở, một chút muối rồi nướng lên, ăn rất thơm và ngon", chị Quỳnh bộc bạch.

Chị Lê Thị Kim Thoa (đứng giữa) trong lễ vận hành dự án

Chị Lê Thị Kim Thoa (đứng giữa) trong lễ vận hành dự án ERP/EAM cho Công ty Truyền tải Gas Bangladesh. Ảnh: FIS.

Là người ưa xê dịch và yêu thích khám phá nên khi được cắt cử "đi xứ" sang Bangladesh, chị Lê Thị Kim Thoa (khối Hành chính FPT IS Hà Nội) lập tức đồng ý. Chị tâm sự, việc đi Bangladesh không phải do bản thân “đồng ý” mà là “lựa chọn”. Ngay từ khi gia nhập FPT IS, vị trí công việc của chị là "hậu cần" cho các dự án của Bangladesh nên bản thân đã xác định một ngày nào đó sẽ phải onsite tại đất nước Nam Á này.

"Tôi làm cho FPT IS Hà Nội đến nay đã 2 năm, nghe nhiều về các dự án tại Bangladesh được xướng tên và lan truyền. Vì thế, Bangladesh thật ra đã thân thuộc với tôi từ lâu. Bản thân là người thích đi, thích trải nghiệm và khám phá, gặp gỡ và tìm hiểu về các vùng đất, văn hóa, con người… nên việc đi công tác Bangladesh có thể nói là một công đôi việc - vừa làm việc lại vừa có thêm những trải nghiệm cho mình", "mama tổng quản" của các dự án Bangladesh tâm sự.

Một góc đường phố Dhaka được chụp bởi chị Lê Thị Kim Thoa.

Cuộc sống thường nhật ở Bangladesh được chụp bởi chị Lê Thị Kim Thoa.

Chị Thoa chia sẻ, mọi thứ ở Bangladesh khá “lành”, dù có những hạn chế về hạ tầng giao thông, môi trường, thực phẩm và không có nhiều điểm vui chơi như ở Việt Nam. "Đau đầu" nhất vẫn là tình trạng kẹt xe ở Dhaka. Có thời điểm kẹt cứng 2 giờ đồng hồ trên xe, không nhúc nhích được. Còn ngày thường, nếu đi từ văn phòng đại diện của FPT IS tại Bangladesh đến văn phòng các dự án, quãng đường 8-9 km cũng thường mất 1-2 giờ đồng hồ. Phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân là ô tô và rickshaw (tương tự xích lô) hay CNG (giống xe tuk tuk)… Tuy nhiên, theo chị Thoa, chỉ cần không so sánh, không áp đặt, không định kiến, có cái nhìn và đối xử với Bangladesh như với một người bạn thì tất cả sẽ trở nên dễ chịu hơn rất nhiều.

"Điều tôi trân trọng và yêu quý nhất có lẽ là tình cảm giữa mọi người với nhau. Tình cảm yêu mến giữa người Bangladesh với người Việt và ngược lại, hay chính cộng đồng người Việt trên đất Bangladesh với nhau. Nếu sau này có về Việt Nam và không quay lại nữa, hay đi khắp nơi trên thế giới, rồi sẽ có lúc, có người, có những thứ gợi mình nhớ những ngày tháng và kỷ niệm nơi đây. Những giờ làm việc hăng say, bận rộn hay căng thẳng của cán bộ triển khai; Những sự kiện, kiểm thử người dùng (UAT), đào tạo dự án; Những cuối tuần mọi người qua nhà nhau chơi, cùng nấu nướng ăn uống, đàn hát vui vẻ; Những ngày nhàn rỗi hay nhàm chán nhưng không có gì để giải khuây, mọi người tìm về, cùng an ủi, tự tạo niềm vui và động viên nhau; Những cái bắt tay, ôm chặt và nụ cười ấm áp, lấp lánh mà mọi người dành cho nhau - người Việt, người Bangladesh, hết thảy mọi người…", chị Thoa trải lòng.

Onsite ở Bangladesh gần 2 năm nên Bangladesh đã quá đỗi thân quen với anh Nguyễn Trí Trung.

Onsite dự án gần 2 năm qua nên Bangladesh đã quá đỗi thân quen với anh Nguyễn Trí Trung. Ảnh: FBNV.

Còn với anh Nguyễn Trí Trung (FPT IS FPS), sau gần 2 năm onsite dự án Hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT (IVAS), Bangladesh thật yên bình và nhẹ nhàng. Với anh, mỗi ngày làm việc, công tác tại Bangladesh đều là một kỷ niệm không thể quên. 

Ngoài thời gian làm việc, anh thường dành thời gian nghỉ để đi khám phá thủ đô Dhaka, các tỉnh thành lân cận và các địa danh nổi tiếng trên khắp đất nước Bangladesh để tìm hiểu các sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, món ăn… Nhờ đó, bản thân có thể dễ hòa mình vào cuộc sống ở đây. Tuy nhiên, theo anh Trung, sự phân hóa giàu nghèo khá rõ rệt ở đất nước Bengal này. Điều đó thể hiện qua việc có nhiều người nghèo vô gia cư ở ngoài đường, trẻ em lao động, bán hàng rong.

Điều mà anh Trung, chị Quỳnh và không ít du khách ấn tượng khi đến Bangladesh chính là tiếng kinh cầu nguyện ở đây. Là quốc gia có tới gần 90% dân số theo đạo Hồi nên tiếng kinh cầu được coi là phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Bengal. Kinh cầu nguyện phát ra từ hệ thống nhà nguyện rải rác khắp nơi, có những khu có đến 4 nhà nguyện trong phạm vi 1 km2; mỗi ngày 4-5 lần, từ 5h30 đến 20h. 

"Với tôi, nó là một phần không thể thiếu, đôi khi tôi cảm thấy trống vắng nếu không nghe thấy tiếng cầu nguyện", anh Trung bộc bạch.

Thông thường, cán bộ nhân viên FPT IS onsite ở Bangladesh từ một đến 2 tháng và tối đa 3 tháng, sau đó phải về Việt Nam gia hạn thêm thời gian trên Visa. Hiện tại chưa có chuyến bay thằng từ Việt Nam qua Dhaka nên tất cả FISers onsite tại Bangladesh đều phải quá cảnh qua sân bay của Thái Lan hoặc Singapore. 

FPT đặt văn phòng đại diện tại Bangladesh từ tháng 2/2014. Cùng với dự án triển khai ERP/EAM cho Công ty Truyền tải Gas Bangladesh (GTCL), FPT IS cũng đã ký kết hai hợp đồng giá trị khác tại Bangladesh là Xây dựng hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân (BITAX, 6,6 triệu USD), và Xây dựng hệ thống quản lý thuế VAT (IVAS, 33,6 triệu USD) trong hai năm 2014-2015.

>> Những 'bóng hồng onsite' duyên dáng với quốc phục Bangladesh

Hà Dương

Ý kiến

()