Chúng ta

FPT Mỹ sẽ giúp các ‘cầu thủ’ nhà Phần mềm đá giải ‘World Cup’

Thứ ba, 29/6/2021 | 08:38 GMT+7

"Nếu coi mỗi chúng ta là một cầu thủ bóng đá với khát khao tỏa sáng trong giải cầu lớn nhất hành tinh, thì Mỹ được xem là đấu trường nơi các kỹ sư FPT có thể tham gia World Cup", TGĐ FPT Software Phạm Minh Tuấn chia sẻ trong FAM Open Talk.

FAM Open Talk có tên gọi "The land of a Brighter life" tổ chức trực tuyến ngày 25/6 tại Việt Nam và Mỹ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo CBNV.

Trong hơn 2 giờ phát sóng, chương trình đã chia sẻ những cơ hội việc làm, chính sách hỗ trợ của công ty dành cho CBNV khi lập nghiệp tại miền đất hứa bên kia bán cầu. Đồng thời, Open Talk cũng mang tới nhiều câu chuyện thú vị từ những khách mời đặc biệt là Ban lãnh đạo FPT Software, quản lý các đơn vị và những onsiter đang làm việc tại Mỹ.

fpt-my-9081-1624930682.jpg

CBNV FPT Mỹ. Ảnh tư liệu.

Theo TGĐ FPT Software, Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của thế giới với cơ hội vô biên, không giới hạn. Người Việt Nam có thể tự hào khi chung tay với các quốc gia khác đóng góp cho sự phát triển của Mỹ. Tại FPT Software, Mỹ là thị trường lớn đứng thứ 2, sau Nhật, nhưng đây lại là thị trường giúp "anh em" FPT Software được tham gia những trận đánh lớn hàng trăm triệu USD.

Do đó, về phát triển nghề nghiệp, anh Tuấn ví von, nếu mỗi CBNV FPT Software là một cầu thủ bóng đá với khát khao được tham gia đấu trường World-cup thì chỉ có Mỹ mới đáp ứng khát vọng thi đấu trong những trận cầu đỉnh cao.

"Môi trường sẽ tạo ra tính cách và tạo lập đẳng cấp của các bạn. Về chuyên môn, Mỹ sẽ giúp bạn xây dựng kỹ năng và đẳng cấp đạt chất lượng top đầu thế giới", TGĐ FPT Software nói.

Từ những trải nghiệm của mình, anh Tuấn cho hay, cuộc sống tại Mỹ có thể không vui như ở Việt Nam, điều này phụ thuộc vào "khẩu vị" và mức độ ưu tiên của từng người. Nhưng chắc chắn, chỉ cần đi làm ở Mỹ, CBNV FPT Software có thể mua được nhà. Môi trường ổn định, làm ra làm, chơi ra chơi sẽ giúp mỗi người có thêm thời gian cho gia đình, gắn kết các thành viên trong tổ ấm. Song song đó, nền giáo dục tại Mỹ tiên tiến, điều kiện sống cũng rất tốt lại được chính phủ quan tâm và hỗ trợ. Do đó, người điều hành nhà Phần mềm mong muốn, các đồng nghiệp sẽ đi onsite, du nhập tinh hoa của thế giới để phục vụ cho sự phát triển của nước nhà, đồng thời có thêm nhiều kinh nghiệm khi tham gia những trận đánh lớn.

Trước đó, CEO FPT Mỹ (FAM) Đặng Trần Phương đã mở màn sự kiện bằng việc mô tả bức tranh tổng quan của đơn vị trong 2020. Năm qua, cùng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 12%; FAM đã thành lập trung tâm phần mềm tại Costa Rica, tăng quy mô 1.000 người cho C99 - một trong những dự án trọng điểm dẫn dắt sự tăng trưởng của đơn vị. Hiện, tệp khách hàng của FAM rất tiềm năng với 150 khách hàng trong đó 35 khách hàng đạt doanh thu trên 5 tỷ USD, bao phủ nhiều lĩnh vực từ hàng không, chăm sóc sức khoẻ, ô tô Aviation, Healthcare, Automotive...

Năm 2021, FAM đặt mục tiêu tăng trưởng từ 45% - 50% với doanh thu trên 179 triệu USD. Để đạt được mục tiêu này, FAM cần tăng trưởng nhân sự tại Mỹ.

Giám đốc phụ trách nguồn lực tại FAM Vũ Đăng Khoa cho biết, trong số gần 300 nhân sự tại Mỹ và Canada, hơn 150 người đã được cấp visa và 110 người đã có thẻ xanh. Với mục tiêu tuyển gần 50 vị trí onsite với nhiều mảng khác nhau, FAM hiện có nhiều chính sách hỗ trợ cho các onsiter về visa, bảo hiểm, phúc lợi, chuyển vùng. Đặc biệt, anh Khoa nhận định, nhờ mô hình làm việc kết hợp onshore và offshore nên các onsiter từ Việt Nam đã quen với mô hình này khi sang làm việc tại Mỹ sẽ dễ phát huy năng lực của mình.

Là khách mời tham gia chương trình, Chủ tịch FPT Software Chu Thanh Hà cũng chia sẻ câu chuyện cá nhân khi cho con trai tiếp cận sớm với nền giáo dục tiên tiến. Chị cũng đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của FPT Mỹ trong 13 năm qua. "FAM đã khẳng định được vị trí và hoàn thành sứ mệnh đem trí tuệ Việt Nam ra thế giới để cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn", chị nói. Chủ tịch tin rằng, khi sang làm việc tại Mỹ, CBNV FPT Software không chỉ đem lại cơ hội cho bản thân mà còn là cơ hội để con cái phát triển và có tương lai tốt hơn.

Hiện, các FSU (Đơn vị phần mềm chiến lược) lớn trong FPT Software đều tiếp nhận nguồn việc từ khách hàng Mỹ. Bởi vậy, lãnh đạo các FSU lớn như Giám đốc FHM Trần Văn Dũng, Giám đốc FHN Doãn Phú Tài và Giám đốc FDN Vũ Tiến Đạt đều thể hiện sự ủng hộ nếu các đồng nghiệp có cơ hội được khẳng định mình trong các dự án lớn ngay tại xứ sở cờ hoa.

Theo dõi Open Talk, người xem cũng được lắng nghe câu chuyện trải nghiệm thực tế từ chính những người trong cuộc là các onsiter đã sang Mỹ lập nghiệp. Chị Nguyễn Phương Hà (ST1.BD) với cú "bẻ lái" thành công từ chuyên ngành y tế sang việc xây dựng các khách hàng mới; anh Nguyễn Hữu Trọng (ST5.AVI) với nỗ lực cải thiện tiếng Anh để chuyên nghiệp hơn trong mắt khách hàng; anh Trịnh Hoàng Hà (ST9.MAN) vượt qua những khó khăn ban đầu đế tận hưởng cuộc sống mới thú vị; anh Nguyễn Mạnh Toàn (ST9.MAN) quyết định cùng gia đình sang Mỹ vì dự án cần dù giữa thời kỳ Covid bùng phát và sớm nhận được "quả ngọt" khi đã ổn định cuộc sống và công việc thuận lợi…

Trong khuôn khổ của chương trình, Ban lãnh đạo FAM đã giải đáp thắc mắc của CBNV về những tiêu chí đáp ứng công việc và chính sách hỗ trợ.

>> Người F ở Mỹ hậu Covid: Khi 'ác mộng' trở lại hình hài giấc mơ

Cucumber

Ý kiến

()