Chúng ta

Người F ở Mỹ hậu Covid: Khi 'ác mộng' trở lại hình hài giấc mơ

Thứ sáu, 11/6/2021 | 14:32 GMT+7

Covid-19 không còn phủ bóng đen lên nước Mỹ nhờ chiến dịch tiêm chủng thần tốc sau chưa đầy nửa năm. Người FPT onsite đã có thể nghĩ tới chuyện du lịch nước ngoài hay về quê nhà sau thời gian dài phải “đóng băng” mọi hoạt động.

Covid-19 từng là nỗi ám ảnh không dễ nguôi ngoai của nước Mỹ.

Liên tục từ tháng 11/2020-1/2021, quốc gia này ghi nhận mỗi ngày hàng trăm nghìn ca nhiễm mới, hàng nghìn người tử vong. Ngành y tế bối rối, xã hội hoang mang, cùng cuộc chuyển giao quyền lực ồn ào giữa cựu Tổng thống Donald Trump và người kế nhiệm Joe Biden tưởng như nước Mỹ bị đẩy vào tận cùng ác mộng. 

Mới đầu năm nay, xứ cờ hoa còn lập kỷ lục thế giới về số ca dương tính, đỉnh điểm có tới hơn 275 nghìn ca nhiễm mới chỉ trong vòng 24 giờ. 

Thế nhưng hiện tại, khái niệm “tâm dịch” đã tạm lùi đi, sau đợt tiêm vaccine đại trà thần tốc, sức sống nhanh chóng quay trở lại vùng đất này. 

“Đồng nghiệp của mình đã bắt đầu đi xem hòa nhạc. Những khu vui chơi như công viên, bể bơi,… đông hơn và người ta cũng ít đeo khẩu trang hơn”, chị Lê Thanh Nhàn, onsiter tại Atlanta (bang Georgia), chia sẻ. Chị Nhàn, cũng như tất cả người FPT ở Mỹ, đang tận hưởng những ngày tươi sáng khi Covid đi qua.

Nhịp sống trở lại

Anh Hoàng Anh Minh cùng gia đình đang sinh sống tại California. Tại bang này, người dân chính thức không phải đeo khẩu trang nơi công cộng từ ngày 15/6.

“Nhiều hoạt động đã được khôi phục, tôi có thể đi tập gym thoải mái. Quy định được nới lỏng nhưng đa số nhà hàng, phòng gym vẫn kiểm soát số lượng người và yêu cầu đeo khẩu trang. Ai cũng chấp hành bởi đã quá quen rồi”, chuyên gia nghiên cứu và phát triển Khoa học Máy tính nói.

anh-minh-9222-1623396046.jpg

Anh Hoàng Anh Minh cùng gia đình trong một chuyến đi khi Covid tạm lắng.

Anh Minh cho biết công việc của mình không có nhiều xáo trộn bởi phần lớn người làm IT vẫn work from home (WFH - làm việc từ xa) lâu dài. Còn phía bên ngoài căn hộ anh ở, đường phố đã đông đúc như trước và các ngành nghề cũng mở cửa lại để kinh doanh. “Tùy bang mà người dân có thói quen và thái độ khác nhau trước những thay đổi. Như ở Texas hiện mọi người hầu như không đeo khẩu trang trong siêu thị hay công viên nữa. Tại Cali tôi thấy mọi người vẫn có ý thức đeo, giữ cho cả mình và cộng đồng”.

Từng thấy “ngộp” khi New York vốn tấp nập bỗng chốc vắng lặng vì Covid, Tạ Ngọc Đại không giấu niềm vui mừng khi “Big Apple” từng bước nhộn nhịp hơn. Đại hy vọng không lâu nữa thành phố sẽ trở về không khí như những ngày đầu anh đặt chân tới.

“Nhìn vào số liệu thì vợ chồng mình không còn lo lắng nhiều nữa rồi. Lúc đỉnh điểm toàn nước Mỹ có 200-300 nghìn ca mắc mỗi ngày, giờ trung bình hơn chục nghìn ca. New York thì còn thấp nữa, hồi tháng 1 ở đây khoảng 15 nghìn ca/ngày, giờ chỉ còn 3-400 thôi”, kỹ sư 9X theo dõi rất kỹ thông tin.

Đại cho hay các hãng truyền thông đang đưa rất nhiều hình ảnh và video, khẳng định “New York đã trở lại”. Thành phố cũng chuẩn bị những chiến dịch thu hút khách du lịch trong nước. “Vài tháng trước nếu từ bang khác tới New York bạn sẽ phải cách ly 2 tuần, còn giờ nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thì không cần nữa”, Tạ Ngọc Đại nói.

“Tặng 50 USD cho mỗi mũi tiêm”

Nước Mỹ hiện ghi nhận trung bình khoảng 30.000 ca mắc mỗi ngày - ít nhất trong 11 tháng qua. Tỷ lệ tử vong cũng ở mức thấp nhất kể từ mùa hè 2020. Không bang nào chứng kiến sự gia tăng lớn về số ca mắc mới.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, tính đến 10/6, khoảng 172,4 triệu người trên toàn quốc đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. Trong đó khoảng 141,6 triệu người (chiếm 43% dân số) đã tiêm đầy đủ các mũi vaccine.

Chị Lê Thanh Nhàn đã hoàn thành mũi tiêm thứ 2 vào ngày 3/5. Vợ chồng chị tiêm 2 loại vaccine khác nhau, thời điểm cũng khác nhau. 

“Giai đoạn đầu rất khó đăng ký, nhưng sau đó người Mỹ đã cải thiện vấn đề này rất nhanh chóng. Có nhiều website để đăng ký, nhiều cách thức đăng ký, nhiều địa điểm và lựa chọn. Mình tiêm ở 1 địa điểm tập trung và cách họ tổ chức, phân luồng, hỗ trợ làm mình hết sức thoải mái”, chị Nhàn cho biết. Sau khi tiêm, chị tự tin hơn hẳn khi đưa con cái ra ngoài chơi vào cuối tuần và gia đình cũng đã có nhiều hoạt động thú vị những ngày qua.

chi-nhan-7193-1623396046.jpg

Chị Lê Thanh Nhàn (ngoài cùng bên phải) và các con gái đi hái dâu.

Thời gian đầu đợt tiêm chủng, một trong những tiêu chuẩn để được tiêm là trên 16 tuổi. Hiện nay để tiến tới mở cửa lại trường học, Mỹ triển khai tiêm phòng vaccine cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Con gái lớn của anh Hoàng Anh Minh đã đủ tuổi và sắp được tiêm mũi đầu tiên.

“Có rất nhiều điểm tiêm, thậm chí không cần đăng ký trước. Như bọn mình là đăng ký qua hãng bảo hiểm đang dùng, chỉ cần đưa bằng lái xe là vào ngồi tiêm luôn. Hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp FPT đa số tiêm hết rồi”, anh Minh chia sẻ. Theo quan sát của anh, Mỹ hiện rất dồi dào vaccine và có nhiều chính sách thú vị khuyến khích người dân tiêm đủ liều.

“Như ở Cali thời điểm này tiêm mũi thứ nhất được cho 50 USD, mũi thứ 2 cho tiếp 50 USD. Nhiều chỗ tặng xố số cho người đi tiêm. Có những lúc người ta còn phải ra đường vẫy xem có ai chưa tiêm thì mời vào tiêm nốt”, anh Minh kể.

Tạ Ngọc Đại và vợ cũng đã hoàn thành cả 2 mũi tiêm từ đầu tháng 5. Anh cho hay mọi thứ đều rất dễ dàng và đơn giản, việc tiêm vaccine cũng giúp em bé đang nằm trong bụng bà xã anh an toàn hơn.

“Họ tổ chức tiêm rất tốt. Điểm lạ là họ có quân đội hỗ trợ, từ đón tiếp ở bên ngoài tới người tiêm. Hệ thống lưu trữ thông tin cũng rất đồ sộ và vận hành trơn tru, chuyên nghiệp. Vaccine đa dạng và chất lượng, thời gian thì linh động, có thể chỉ cần ra hiệu thuốc họ cũng tiêm được cho mình”, Đại nhận xét và khẳng định trải nghiệm tiêm chủng vô cùng dễ chịu, thoải mái.

Nối lại những dự định 

Hậu Covid, người F tại Mỹ không còn ngại ngần lên tiếp những kế hoạch di chuyển, dù là phục vụ cho công việc hay thư giãn với gia đình.

Chị Thanh Nhàn chuyển sang Atlanta công tác từ khi đại dịch xảy ra. Gia đình chị cũng chuyển theo đúng đợt này, nên các lớp ngoại khóa của con cái, thậm chí những việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe định kỳ cũng buộc phải tạm dừng. ‘’Giờ là lúc mình dự định ổn định lại cuộc sống, tái khởi động những việc bị hoãn trước đây”, chị Nhàn nói. “Và sau đó, tất nhiên là cũng phải nghĩ đến việc đi du lịch trở lại”.

daita-4672-1623396046.jpg

Anh Tạ Ngọc Đại hạnh phúc trong chuyến du lịch với vợ đầu tháng 6 vừa qua.

Anh Minh cũng lên kế hoạch tổ chức cho gia đình du lịch mùa hè này. “Cả năm ngoái đã gần như ở nhà hết rồi. Mình có lẽ sẽ tới thăm mấy chỗ như Grand Canyon, chạy lên mấy bang ở phía Bắc. Khách sạn cũng đã hoạt động bình thường nên không có gì cản trở hay bất tiện nữa”.

Giữ thái độ tỉnh táo, anh Minh cho rằng dù tình hình ra sao vẫn nên cố gắng giữ gìn bằng cách rửa tay bằng xà phòng, tạo khoảng cách và đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người. “Còn về lâu dài, mình hoàn toàn tin tưởng miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được qua tiêm chủng”. 

Tạ Ngọc Đại đã phải gác lại rất nhiều dự định cá nhân và công việc do Covid. Khi dịch không còn quá nặng nề, anh mong muốn về Việt Nam thăm nhà sau 2 năm chờ đợi. “Những chuyến công tác xa như đi châu Âu mình phải bỏ lỡ giờ sắp thực hiện được rồi. Các đồng nghiệp ở Việt Nam cũng có thể qua đây làm việc ngắn hạn với mình như kế hoạch năm ngoái tạm hoãn”.

Theo Đại, “giấc mơ Mỹ” chưa từng chết đi mà chỉ lắng lại một chút. Những người F muốn theo đuổi giấc mơ này giờ đây sẽ có nhiều thuận lợi hơn do các chính sách visa từ Tổng thống Biden, và trên hết, khi Covid không còn là mối lo ngại của nước Mỹ.

>> FPT Software tuyển hàng trăm vị trí đi Mỹ làm việc

Hoa Hạ

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()