Chúng ta

‘Phần mềm mã mở đem lại nhiều lợi ích cho người dùng’

Thứ ba, 21/5/2013 | 10:40 GMT+7

“Với rất nhiều lợi ích có thể mang lại cho người sử dụng thì phần mềm mã nguồn mở là một giải pháp đáng được xem xét nghiêm túc”, Phó Ban CNTT FPT Nguyễn Xuân Việt nhận định.
> FPT triển khai phần mềm mã mở

Anh trao đổi với Chúng ta về việc thực tế triển khai phần mềm nguồn mở trong tập đoàn.

- Từ năm 2009, FPT đã triển khai mã nguồn mở tại tập đoàn và đẩy mạnh trong năm 2012. Anh đánh giá thế nào về việc triển khai mã nguồn mở tại tập đoàn trong thời gian qua?

- Việc triển khai phần mềm nguồn mở được thực hiện ở FPT từ năm 2009 nhưng chưa được triển khai rộng rãi mà chỉ phổ biến ở trong các chuyên viên IT, chuyên gia kỹ thuật, lập trình viên đã quen với môi trường Linux. Trước đây, tập đoàn chỉ khuyến khích mà chưa bắt buộc nên nhân viên chưa có ý thức chủ động sử dụng phần mềm văn phòng nguồn mở trong công việc.

g

Theo Phó Ban CNTT FPT Nguyễn Xuân Việt, phần mềm mã nguồn mở là một giải pháp đáng được xem xét nghiêm túc. Ảnh: Lâm Thao.

Lần này chúng ta yêu cầu phải chuyển sang mã nguồn mở với những đối tượng sử dụng Microsoft Office có tần suất thấp trong toàn FPT. Phần mềm nguồn mở cung cấp đầy đủ phương tiện để viết thư, soạn tài liệu, vẽ biểu đồ, tạo slideshow và thiết kế những website đơn giản.

Các wesite nội bộ cũng sẽ được chuyển sang dùng CentOS với Wordpress. Những phần mềm tiện ích khác sẽ được thay thế bằng các phần mềm mã nguồn mở có tính năng tương đương.

- Sự khác biệt khi sử dụng giữa phần mềm nguồn đóng và nguồn mở được thể hiện như thế nào?

- Sử dụng phần mềm nguồn mở giúp công ty tiết kiệm chi phí cho việc mua bản quyền, đồng thời cho phép chỉnh sửa phần mềm phù hợp nhu cầu. FPT có lượng lập trình viên lớn nên hoàn toàn có thể chỉnh sửa lại các mã nguồn mở này để đáp ứng cho nhu cầu của tập đoàn cũng như cung cấp cho cộng đồng.

Mã nguồn mở sẽ không còn sự lệ thuộc vào nhà sản xuất, do đó không phải đối mặt với những vấn đề phát sinh như khi một nhà sản xuất phần mềm độc quyền phá sản.

Các nước bắt đầu phát triển CNTT như Việt Nam luôn gặp phải vấn đề thiếu hụt về tiềm lực tài chính, nhân lực và công nghệ. Việc ưu tiên phát triển phần mềm mã nguồn mở sẽ tạo ra cú hích ban đầu, giúp hình thành và phát triển ngành CNTT - Truyền thông trong nước đạt mức độ đủ mạnh, đủ điều kiện tiếp nhận lợi ích thực sự mà lĩnh vực công nghệ cao này đem lại cho đất nước.

Với rất nhiều lợi ích có thể đem lại cho người sử dụng thì phần mềm mở là một giải pháp đáng được xem xét nghiêm túc.

- Trong quá trình áp dụng phần mềm nguồn mở, FPT gặp những khó khăn hay thách thức gì phát sinh từ thực tế?

- Khi chuyển từ một phần mềm này sang phần mềm khác, người sử dụng phải được đào tạo lại. Mã nguồn mở thường chỉ tập trung vào các mã của nó mà ít chú ý đến thiết kế giao diện và phát triển các tiện ích.

g

FPT yêu cầu phải chuyển sang mã nguồn mở với những đối tượng sử dụng Microsoft Office có tần suất thấp trong toàn FPT. Ảnh minh họa.

Trước đây, một IT có thể hỗ trợ được cho 100 người dùng, nhưng khi chuyển sang dùng mã nguồn mở thì chỉ hỗ trợ tối đa cho 50 người. Vấn đề về nguồn lực cũng sẽ gây ra một số khó khăn ban đầu cho Ban CNTT (FIM) khi triển khai ra toàn tập đoàn.

Việc chuyển sang phần mềm mã mở sẽ khiến người sử dụng lúng túng nhưng với đội ngũ IT tập đoàn thì có thể khắc phục được những khó khăn này. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà phân phối phần mềm mở đều có một cộng đồng trực tuyến với tài liệu, diễn đàn, danh sách địa chỉ e-mail, từ điển, nhóm thông tin và thậm chí cả hỗ trợ tán gẫu trực tuyến. FIM cũng xây dựng một wesite hỗ trợ nội bộ dành riêng cho người FPT tại địa chỉ: http://sotay.ho.fpt.vn/.

Sản phẩm nguồn mở về cơ bản là đa đạng, đáp ứng hầu hết yêu cầu sử dụng của FPT. Tuy vậy, cũng còn một số hạn chế như thường có nhiều phiên bản, nhiều dòng khác nhau nên tản mạn và gây khó khăn trong việc lựa chọn, nâng cấp sử dụng. Do đó, FIM sẽ phải chọn và đưa ra các định hướng về phần mềm mã mở có thể có tính năng tương đương với phần mềm thương mại cho người sử dụng trong tập đoàn.

- Ứng dụng mã nguồn mở sẽ mang lại hiệu quả như thế nào cho FPT và người sử dụng?

- Đối với các hệ thống đang hoạt động, chủ động thực hiện chuyển đổi sang phần mềm mã mở sẽ tránh được “nguy cơ” bị phạt vi phạm bản quyền hoặc bị “bắt buộc” mua license. Tăng tính thương hiệu cho FPT khi giới thiệu được với cộng đồng, đối tác, khách hàng và độ tin cậy.

Giảm chi phí phát triển phần mềm đáp ứng theo yêu cầu nghiệp vụ, sử dụng phần mềm, module có sẵn để phát triển tiếp, sửa đổi điều chỉnh cho phù hợp với nghiệp vụ. Kéo dài thời gian sử dụng và tái sử dụng các phần cứng, thiết bị trong khi vẫn đảm bảo hiệu năng toàn hệ thống. Giảm tối đa sự phụ thuộc vào một vài nhà cung cấp phần mềm.

- Thực tế, dù được ưu tiên triển khai, nhưng phần mềm mã nguồn mở còn khá xa lạ đối với người dùng. FPT sẽ thay đổi thực tế này bằng cách nào?

- FIM sẽ phối hợp với cộng đồng CNTT của Việt Nam mở rộng các hoạt động tuyên truyền xã hội, tổ chức các cuộc thi sản phẩm phần mềm nguồn mở, để nhấn mạnh các giá trị đích thực mà nó mang lại, nhất là những giá trị giúp phát triển bền vững ngành CNTT trong nước, hướng tới xuất khẩu phần mềm.

Bên cạnh đó, FPT sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên trách của nhà nước mở rộng các chương trình đào tạo phần mềm mở, cấp chứng chỉ trong nước và quốc tế. Khuyến khích các trường đại học đầu tư, xây dựng chương trình và triển khai các hoạt động đào tạo này. Khuyến khích các dự án nghiên cứu phát triển phần mềm nguồn mở, ứng dụng trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như sinh học, vật lý, hóa học, y học, môi trường... các dự án nhận kinh phí nhà nước khi mua sắm phần mềm ứng dụng cần ưu tiên lựa chọn phần mềm nguồn mở.

Với đội ngũ lập trình viên phong phú và nhiều kinh nghiệm, FPT có thể viết thêm các chức năng cho nó, cung cấp thêm giá trị gia tăng.

Thực tế, không phải phần mềm mở nào cũng dễ dùng và để triển khai được nó cho các công ty sẽ cần rất nhiều chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm. FPT với đội ngũ chuyên gia của mình có thể thu được tiền từ các dịch vụ này, bởi số tiền thuê chuyên gia là rất lớn.

Hiện tại, FIM đã lên kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo sử dụng phần mềm mã mở ở các trung tâm vùng miền, chủ yếu là hướng dẫn sử dụng OpenOffice, một số đào tạo sử dụng hệ điều hành Ubuntu và các phần mềm tiện ích thông dụng khác như bộ gõ tiếng Việt Unikey, trình duyệt web Mozilla Firefox, phần mềm thư điện tử máy trạm Mozilla Thunderbird, bộ từ điển Startdict, phần mềm nén và giải nén 7-zip. Đối tượng tham gia đào tạo là các IT, và các cán bộ được yêu cầu sử dụng phần mềm nguồn mở trong công việc.

Ngư Nhi thực hiện

Ý kiến

()