Ngày 23/7, trong chương trình Cafe sáng với FPT, Giám đốc FPT Automotive Nguyễn Đức Kính đã có những chia sẻ về chủ đề "Định hình ngành công nghiệp ô tô trong kỷ nguyên số".
Theo anh Nguyễn Đức Kính, để tăng cường vị thế của FPT trên bản đồ công nghệ thế giới, FPT Automotive đã được thành lập tháng 12/2023 tại Texas (Mỹ), với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô có đẳng cấp thế giới trị giá 1 tỷ USD vào năm 2030.
Anh Nguyễn Đức Kính - Giám đốc FPT Automotive - chia sẻ về chủ đề "Định hình ngành công nghiệp ô tô trong kỷ nguyên số. |
Thay vì lựa chọn các thị trường lớn khác như châu Âu hay Trung Quốc, anh Nguyễn Đức Kính cho biết, công ty chọn đặt trụ sở tại Mỹ để có thể nắm bắt những công nghệ mới nhất trên toàn thế giới, từ đó đưa vào các sản phẩm.
Hiện nay, một chiếc ô tô có khoảng 100 hệ thống điều khiển mọi hoạt động, từ cửa xe, túi khí, phanh ABS, đèn sau cho tới hệ thống thông tin giải trí, chỉ đường... Công việc của FPT Automotive là tạo nên các hệ thống phần mềm đó. Công ty không làm dịch vụ công nghệ thông tin thông thường mà dùng các kiến thức về toán học, vật lý, hóa học, cơ điện tử, chip vi mạch... để viết ra các hệ thống phần mềm cho ô tô.
Là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, theo anh Nguyễn Đức Kính, ngành công nghiệp ô tô được chia thành nhiều tầng với cấu trúc theo hình kinh tự tháp. Trong đó, tầng cao nhất là các OEM (Original Equipment Manufacturer) - các hãng sản xuất ô tô. Ví dụ, ở Việt Nam có VinFast; ở Nhật Bản có Toyota, Honda; ở Đức có BMW…
Tầng giữa là Tier-1 Supplier - các nhà cung cấp linh kiện bán trực tiếp cho các OEM. Với hàng chục nghìn linh kiện lớn nhỏ trong mỗi chiếc ô tô, các hãng sản xuất cần nhiều nhà cung cấp, tạo nên chuỗi cung ứng. Ví dụ điển hình về các nhà cung cấp linh kiện lớn như Bosch (Đức), Magna (Canada), Denso (Nhật Bản)...
Tầng cuối cùng là Chipmaker - những nhà sản xuất tạo nên "bộ não" cho những chiếc ô tô hiện đại. Bên trong mỗi ô tô được trang bị không ít những con chip, được lập trình để bảo vệ an toàn cho con người và xe trong nhiều trường hợp cũng như nâng cao trải nghiệm khi sử dụng xe. Ví dụ về các hãng sản xuất chip lớn cho ô tô hiện nay như NVIDIA, Qualcomm, NXP…
Không sản xuất ô tô, FPT Automotive lựa chọn con đường cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ phần mềm và một chút phần cứng cho các công ty của cả 3 tầng trên.
Các dịch vụ và giải pháp công nghệ dành cho ô tô mà FPT Automotive tập trung phát triển. |
Mặc dù cùng là sản xuất phần mềm, tuy nhiên, quy trình sản xuất phần mềm cho ô tô đòi hỏi sự khắt khe cao hơn về độ an toàn và tính bảo mật. Không chỉ vậy, ngành này còn cần sự tương thích rất cao, do đó, cần phải tuân theo các chuẩn mang tính toàn cầu.
Kỹ sư Việt Nam đã làm chủ công nghệ lõi ô tô thế giới
Theo CEO Nguyễn Đức Kính, hiện nay, 70% doanh số của FPT Automotive đến từ hai lĩnh vực là hệ thống giải trí trên ô tô và nền tảng Autostar. Autosar là thuật ngữ viết tắt của cụm từ ''Architecture of Open Systems for Automotive Electronic Control Units'', có nghĩa kiến trúc hệ thống mở cho điều khiển điện tử ô tô.
Kiến trúc này có cấu trúc phân lớp với các thông số kỹ thuật tiêu chuẩn, được quy định bởi các công ty gồm BMW Group, Bosch, Ford, Volkswagen, Continental, Daimler, General Motors, PSA Group và Toyota. Những công ty này là thành viên chính trong mối quan hệ đối tác sáng lập ra tiêu chuẩn Autosar.
Khi lĩnh vực công nghệ ô tô ngày càng tiến xa, các công ty sản xuất ô tô cần phải thiết lập ra những tiêu chuẩn chung để quản lý hệ thống điện tử trên các dòng xe ô tô mới. Vì thế nên Autosar rất cần thiết và quan trọng đối với lĩnh vực chế tạo ô tô và trở thành công nghệ lõi của ngành.
Từ đầu những năm 2000, các doanh nghiệp ở Đức và châu Âu được nhận định thống trị công nghệ chế tạo Autosar. Tuy nhiên, tình thế kể trên đã dần đảo ngược. Giám đốc FPT Automotive bật mí, vào năm 2018, có một hãng xe Hàn Quốc tìm đến FPT Automotive để đặt vấn đề rằng trong thời gian qua, họ phải dùng công nghệ tiêu chuẩn Autosar chủ yếu từ Đức và châu Âu. Điều này dẫn tới việc không thể làm chủ được sản lượng, kéo dài quá trình nghiên cứu, chế tạo.
Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô, một doanh nghiệp xe hơi châu Á muốn làm chủ công nghệ Autosar. Và ngay khi nhận được lời đề nghị của hãng xe này, FPT Automotive đã huy động vốn và nhân lực để thực hiện dự án này. Đặc biệt, đội ngũ chế tạo công nghệ gồm khoảng 1.000 người này hầu hết là kỹ sư Việt Nam, làm việc tại FPT Software TP HCM. Sau khi hoàn thành dự án, đội ngũ kỹ sư người Việt của FPT Automotive đã chính thức làm chủ công nghệ Autosar, giúp hãng xe kể trên liên tục ra mắt sản phẩm mới trong các năm trở lại đây.
''Các kỹ sư Việt Nam đang làm rất tốt. Họ được làm việc với các chuyên gia hàng đầu trên thế giới. Họ không chỉ học mà còn trao đổi, thảo luận trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu thế giới'', anh Nguyễn Đức Kính nhận định.
Cạnh đó, anh Nguyễn Đức Kính thông tin, một kỹ sư của FPT Automotive đã có bằng sáng chế và đã có một hãng xe Nhật Bản xin phép dùng sáng chế này trong sản xuất xe của doanh nghiệp.
Với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) dần có thể thay thế con người trong mọi công việc. Chính vì vậy, FPT Automotive cũng đã đầu tư nghiên cứu để biến AI thành công cụ, tìm mọi cách để ứng dụng AI trong công việc, giúp tăng trưởng doanh số cao hơn tăng trưởng về nhân sự.
Hiện tại, FPT Automotive có khoảng 4.500 nhân sự, trong đó có khoảng 500 người làm dịch vụ thiết kế và mô phỏng cơ khí trong xe, toàn bộ công việc này từ thiết kế đến kiểm thử được thực hiện trên hệ thống máy tính. Số nhân sự còn lại, chiếm khoảng 90% tổng nhân sự của FPT Automotive, làm về phát triển giải pháp và dịch vụ phần mềm cho ô tô. Nhu cầu trong lĩnh vực này rất lớn. Từ nay đến năm 2025, FPT Automotive dự kiến cần tuyển khoảng 1.000 nhân sự.
"Chúng tôi tìm kiếm nguồn nhân lực ở khắp nơi trên thế giới. Cuối cùng, nhân lực tại Việt Nam vẫn là cốt lõi vì các yếu tố về văn hóa, ngôn ngữ...", anh Nguyễn Đức Kính nhấn mạnh.
Giám đốc FPT Automotive khẳng định, Việt Nam có rất nhiều nhân tài trong khi ngành công nghiệp ô tô đang rất cần các kỹ sư phần mềm. Riêng tại thị trường Mỹ, theo các con số thống kê, cần khoảng 27.000 kỹ sư phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô.
Với khát vọng mang tới cơ hội cho các tài năng trẻ Việt Nam được làm việc tại môi trường quốc tế, từ năm nay, FPT Automotive đã kết hợp với Đại học FPT mở chuyên ngành đào tạo về Công nghệ ô tô số.
"Ngành ô tô toàn cầu được dự đoán sẽ chi hơn 238 tỷ USD/năm vào năm 2030 khi chuyển sang xe điện từ hệ truyền động đốt trong. Tốc độ phát triển nhanh chóng đòi hỏi lực lượng lớn các chuyên gia có chuyên môn sâu về cả kỹ thuật ô tô và công nghệ số. Ở họ cần có kỹ năng, kinh nghiệm và sự linh hoạt - những phẩm chất mà AI không thể thay thế" - anh Nguyễn Đức Kính hào hứng.
Trước đó, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông FPT 2024 diễn ra hồi tháng 4, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã nói về 5 từ khóa sẽ quyết định lịch sử nhân loại: “Tuệ Bán Xe Số Xanh”, viết tắt của Trí tuệ nhân tạo (AI), Bán dẫn, Xe điện, Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh. Chủ tịch FPT nhận định, 5 từ này đã quyết định lịch sử của nhân loại trong 3/4 thế kỷ vừa qua và tiếp tục xác định trong 1/4 thế kỷ còn lại. |
Đ.A
Ý kiến
()