Tại Đại hội đồng cổ đông FPT vừa tổ chức chiều 10/4 ở Hà Nội, năm nay, FPT đặt kế hoạch doanh thu 61.850 tỷ và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ, tăng khoảng 18% so với năm 2023. Nếu đạt mục tiêu, 2024 sẽ ghi nhận mốc lợi nhuận cao kỷ lục của tập đoàn và là năm thứ 7 tăng trưởng liên tiếp.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa cho biết FPT có thể tăng trưởng đều và liên tục do "tập trung vào con người, công nghệ và kỷ luật". Anh khẳng định, với việc đạt được cột mốc 1 tỷ USD doanh thu từ dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài, con số 5-10 tỷ USD là "trong tầm tay".
CEO Nguyễn Văn Khoa: FPT sẽ mở rộng các dịch vụ trong ngành chip bán dẫn, mở rộng các mô hình chip thiết kế và tham gia vào dịch vụ kiểm thử. |
Trong cơ cấu doanh thu năm nay, khối công nghệ dự kiến đem về hơn 31.400 tỷ đồng, tăng hơn 21%. Hai khối Viễn thông và Khối Giáo dục, Đầu tư khác mục tiêu doanh thu tăng trưởng lần lượt 11% lên 17.600 tỷ và tăng 14% lên 6.100 tỷ đồng.
FPT xác định giai đoạn 2024 - 2026 sẽ hướng đến tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh chuyển đổi xanh và bắt đầu chuyển đổi thông minh. Ngoài định hướng với mảng automotive, AI, cloud, cybersecurity, FPT sẽ mở rộng các dịch vụ trong ngành chip bán dẫn, mở rộng các mô hình chip thiết kế và tham gia vào dịch vụ kiểm thử. Mục tiêu đến 2030, tập đoàn đào tạo được 10.000 kỹ sư và chuyên viên ngành bán dẫn.
NGÀNH BÁN DẪN CÒN KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN RẤT LỚN
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ FPT năm 2024, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết, cách đây hai tuần, hiệp hội các Chủ tịch, TGĐ các công ty Nhật Bản đã sang Việt Nam làm việc, trong những đơn vị họ làm việc có FPT. Họ hợp tác với Việt Nam dựa trên 5 từ khoá: Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Và anh Trương Gia Bình gọi tắt đó là "Tuệ Bán Xe Số Xanh".
Theo anh Bình, đây là 5 từ quyết định lịch sử của nhân loại trong 3/4 thế kỷ và tiếp tục xác định 1/4 thế kỷ còn lại. Và cũng vì 5 từ này mà Việt Nam được chọn. Vậy vì sao Việt Nam được chọn? Chủ tịch FPT bắt đầu lý giải, chất bán dẫn đã đi từ Mỹ ra các nước/vùng lãnh thổ. Đầu tiên là Nhật Bản, sau đó là Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ chọn Việt Nam. Và bằng cách này hay cách khác, FPT đã là niềm hy vọng của quốc gia về công nghệ.
Anh Trương Gia Bình nhấn mạnh ngành bán dẫn vẫn còn không gian rất lớn nữa là phát triển phần mềm cho bán dẫn và lợi thế của FPT chính là nguồn lực. |
Người đứng đầu FPT cũng cho biết, có 1 lý do rất quan trọng là nguồn nhân lực. Các quốc gia bắt đầu làm bán dẫn khi nghèo và đã đổi đời nhờ bán dẫn. Bằng chứng là năm 2022, Đài Loan đã vượt GDP đầu người của Nhật Bản. Tuy nhiên sau này, lao động tại các nước này lại không chọn làm bán dẫn nữa. Ngành bán dẫn trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang có nhu cầu lớn khủng khiếp về nguồn nhân lực.
Các quốc gia bắt đầu làm bán dẫn khi nghèo và đã đổi đời nhờ bán dẫn. Nhưng sau này, lao động tại các nước này - khi đã giàu lên - lại không chọn làm bán dẫn nữa. Ngành bán dẫn trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang có nhu cầu lớn khủng khiếp về nguồn nhân lực.
Kể lại chuyến công tác tại Đài Loan, anh Bình chia sẻ, họ nói cần lao động, cần tài năng nhưng chỉ có một nửa. Chính phủ Đài Loan cấp học bổng bán dẫn nhưng không có người học. Hàn Quốc xây dựng 1 thành phố bán dẫn cũng không người làm. Còn Nhật Bản thì sao? Họ đánh rơi nghề sản xuất bán dẫn, vì thế nên họ đã quyết tâm tái xây dựng lại ngành bán dẫn Nhật Bản. Họ muốn đi vào công nghệ mới nhất 2 nano, tiến đến 1 nano.
“Tôi sang Mỹ, gặp các trường đại học nổi tiếng… Austin là thành phố mới nổi, tập đoàn Google, Intel, IBM đã về đây nhưng họ không có lao động. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất họ cấp visa đặc biệt để người Việt Nam vào Mỹ", anh Trương Gia Bình chia sẻ câu chuyện thực tế về thực trạng của thế giới và cơ hội người Việt Nam. "Chúng ta được chọn vì ta là bạn ở mức độ cao nhất của quan hệ chiến lược toàn diện với Mỹ và Trung Quốc. Và ngành bán dẫn ngày càng trở nên quan trọng! Trong bối cảnh đó, FPT làm gì?”, anh tiếp tục nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, hiện nay FPT đã mở lớp đào tạo đầu tiên, phối hợp với một số Việt kiều, mở lớp Tre-semi (Cây tre + bán dẫn). Giảng viên sẵn sàng tham dự vào sự nghiệp bán dẫn cho đất nước, đã có 120 học viên đầu tiên. "Chúng tôi sẽ liên tục mở lớp”, đó là lời hứa hẹn của anh Bình. 25 năm trước, FPT đã nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia số 2 về xuất khẩu phần mềm, chỉ sau Ấn Độ. “Sau 25 năm, chúng ta sẽ làm lại, hay hơn nữa”, anh khẳng định. “Hồi làm phần mềm chúng ta rất lẻ loi nhưng lần này, có những anh “lớn” đồng hành. Việt Nam nếu có 1 triệu người làm bán dẫn, 1 triệu người làm AI thì bán dẫn và AI đi cùng nhau sẽ tạo ra con chip thông minh”, nhà lãnh đạo FPT đầy hãnh diện với hoài bão lớn.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề thiếu nguồn nhân lực mảng bán dẫn và FPT có ký hợp đồng hợp tác với đối tác nào để cung cấp nguồn lực? Anh Bình chia sẻ khi sang Đài Loan để tìm hiểu về bán dẫn, anh đã choáng ngợp khi gặp 1 công ty có 600 nhân viên phần mềm, và doanh thu gần 1 tỷ USD. “Mỗi người tạo ra năng suất lao động khoảng 1,5 tỷ, giá thị trường 7-8 tỷ USD."
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tron phần trả lời câu hỏi của cổ đông. |
Anh cũng nói thêm "Tôi cảm giác mình có lỗi vì trước đó rất lâu tôi từng đến Đài Loan thăm TSMC khi họ còn nhỏ mà không hiểu bán dẫn và phần mềm, nếu ngày ấy tôi hiểu bán dẫn và phần mềm thì bây giờ đã khác”.
Chủ tịch FPT cũng nhấn mạnh ngành bán dẫn vẫn còn không gian rất lớn nữa là phát triển phần mềm cho bán dẫn. “Mình có lực lượng lao động. Mediatech mở công ty ở Mỹ nhưng thiếu người, toàn tuyển người Việt Nam”.
Khi được hỏi về “FPT chuẩn bị cho lĩnh vực bán dẫn thế nào và làm gì cho lĩnh vực bán dẫn?", anh Bình cho biết, đầu tiên FPT sang Ấn Độ làm việc với NIIT. Tiếp đó, APTECH sang Việt Nam, ngoài đào tạo sẽ cung cấp 100 công việc ở Mỹ và điều quan trọng nhất với FPT ngày ấy là đầu ra. Đấy chính là điểm khởi đầu của ngành Công nghiệp phần mềm Việt Nam. Về đầu ra, FPT đi ký với các doanh nghiệp. Đầu tiên là nhắm tới thị trường Nhật Bản, FPT đã có cam kết các nhà máy hiện đại xây lại tại Nhật Bản là FPT sẽ cung cấp nhân lực.
Với đơn đặt hàng 70 triệu chip đến năm 2025, Phó tổng giám đốc Nguyễn Thế Phương cho biết FPT làm chip đơn giản nên giá không cao.
"Chúng tôi làm về thiết kế, sau đó đặt OEM (Original Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc) cho các nhà máy Đài Loan, Nhật Bản sản xuất. Đơn hàng 70 triệu chip dự kiến mang về doanh thu khoảng 10 triệu USD, biên lợi nhuận xác định khiêm tốn vì đang trong giai đoạn đầu tư", anh Phương cho hay.
S.T
Ảnh: Trần Huấn
Ý kiến
()