Chúng ta

Những người đứng sau thành công Cuộc đua số 2019

Thứ tư, 29/5/2019 | 10:17 GMT+7

Mùa giải thứ 3 có nhiều điểm thách thức so với năm trước như sa hình khó, sự tham gia của các đội quốc tế, VTV đồng tổ chức và phát sóng khiến Ban tổ chức phải căng sức vượt qua.

So với mùa giải trước, Cuộc đua số 2019 đã được VTV2 đồng tổ chức. Đây là một lợi thế nhưng cũng là áp lực không nhỏ đối với Ban tổ chức. Để đạt được sự đồng thuận của Đài truyền hình Việt Nam coi đây là một chương trình chính thức của VTV2 là nhờ thành công của 2 mùa giải trước.

Mặc dù đã trải qua mùa thứ 3 nhưng hầu hết thành viên trong Ban tổ chức năm nay đều là những người trẻ, chưa từng có kinh nghiệm tổ chức những chương trình lớn. Thêm vào đó, VTV cũng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe để trận Chung kết phát phát trực tiếp 2 tiếng trong khung giờ vàng. Những chi tiết dù là nhỏ nhất như màn hình sân khấu, băng-rôn, các video giới thiệu đội chơi lẫn thể lệ cuộc thi đều phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Dù được sự hỗ trợ lớn từ phía ê-kíp của VTV2 nhưng để hai bên phối hợp ăn khớp cũng không hề dễ dàng. “Phối hợp với VTV để trực tiếp mượt mà là thử thách lớn nhất mà chúng tôi phải vượt qua”, chị Đặng Ánh Tuyết, PGĐ Truyền thông FPT - Phó ban tổ chức, nhận định về Cuộc đua số mùa 3 sau trận Chung kết diễn ra tối 25/5 tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Tây Hồ (Võ Chí Công, Hà Nội), chia sẻ.

Sự góp mặt của 2 đội thi quốc tế là điểm nhấn nâng tầm cuộc thi cũng là một sự mạo hiểm của Ban tổ chức. Theo Phó ban tổ chức, những người làm Cuộc đua số tự đặt ra một mục tiêu “Leng Leng” cho mỗi mùa giải để cuộc thi được nâng cấp qua từng năm. Giữa tháng 2, khi cuộc thi đã đi được một nửa chặng đường, công cuộc tìm kiếm những đội thi nước ngoài đủ điều kiện và tiêu chuẩn vẫn đang tiến hành. Cái khó khi đi mời các đội nước ngoài là tuổi đời của cuộc thi còn quá trẻ. Mới chỉ qua 2 năm tổ chức, Cuộc đua số chưa thể tạo đủ uy tín để sinh viên các trường hàng đầu về công nghệ chú ý.

“Khi đó Ban tổ chức cũng khá lo lắng nhưng chúng tôi tin rằng với thương hiệu FPT, nhất định sẽ có đội tuyển đáp ứng yêu cầu tham gia cuộc thi”, chị Tuyết bày tỏ. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, C305 (Đại học Liên bang viễn đông Nga) và Meanteam (Greenwich Anh) là hai cái tên đã vượt qua bài kiểm tra trên môi trường giả lập để tới Hà Nội tranh tài cùng 8 đội tuyển xuất sắc của Việt Nam.

CHT-5553-8279-1559056268.jpg

Tấm ảnh chụp vội của Ban tổ chức Cuộc đua số, những người âm thầm làm nên thành công của cuộc thi

Hai đội quốc tế đều có người hướng dẫn đi kèm và được Ban tổ chức bố trí nơi ở thuận tiện cho việc luyện tập. Dù vậy, một thành viên Ban tổ chức là Phạm Đoàn Thu Trang vẫn được cắt cử riêng để đồng hành cùng những chàng thí sinh ngoại quốc. “Ngoài việc đảm bảo điều kiện tập luyện, nghỉ ngơi, đi lại, tôi còn muốn hai đội bạn có những trải nghiệm thú vị khi lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam”, Trang trải lòng.

Áp lực của cuộc thi khiến thành viên của hai đội quốc tế nhiều khi cảm thấy nản lòng. Họ có quá ít thời gian để làm quen với xe đua và thực hành ngoài mội trường thực. Bên cạnh đó, cái nóng tháng 5 của Hà Nội và việc lệch múi giờ cũng là trở ngại đối với những chàng trai đến từ hai nước xứ lạnh là Anh và Nga. Vì vậy, dù gần như “sập nguồn” khi giải quyết “hàng núi” công việc để chuẩn bị cho đêm Chung kết, Trang vẫn cố giành chút thời gian ít ỏi buổi tối để theo chân hai đội ra sân tập, có khi là đi ăn đêm hoặc dạo phố cổ để giảm bớt căng thẳng.

“Hôm nào cũng quá nửa đêm mới về đến nhà” là câu miêu tả cường độ làm việc của những người làm công tác chuẩn bị cho đêm Chung kết. 2h ngày 23/5, tại nhà thi đấu Tây Hồ, anh Nguyễn Ngọc Đức cùng đồng nghiệp vẫn miệt mài lắp đặt sân thi đấu. Năm nay, sa hình lớn gấp đôi so với năm trước cùng với đó là những địa hình hoàn toàn mới như cầu, hầm, vùng tuyết và những vòng cua liên tiếp. Không dừng lại ở đó, hệ thống đèn báo, các mốc tính điểm, vạch xuất phát cũng được điều khiển tự động khiến khối lượng thiết bị điện tử cần lắp đặt tăng đột biến. Ngoài ra, mạng Internet và hệ thống điện cũng phải hoàn thiện trước khi các đội bắt đầu luyện tập trên sân.

Chỉ có hơn 2 ngày để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ đó, không còn cách nào khác nhóm kỹ thuật viên phải làm ngày làm đêm. Anh Đức biết rằng các đội thi của 2 năm trước tận dụng từng phút giây để chạy thử trên sa hình chuẩn. Vì vậy, phải cố gắng hoàn thiện sân thi đấu thật nhanh để các thí sinh có được sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc tranh tài quyết định.

Cùng lúc đó tại trụ sở Ban Công nghệ FPT, các thành viên phòng IoT của anh Lê Ngọc Tuấn vẫn đang bám trụ lại văn phòng để hoàn thiện những dòng lệnh cuối cùng cho nền tảng mã nguồn mở hỗ trợ các đội thi. Với đề thi vòng Chung kết, các đội thi sẽ không thể dùng lại những thuật toán đã áp dụng tại vòng Bán kết. Để những chiếc xe đua vượt qua sa hình, các thí sinh chỉ có thể dựa vào kho mã nguồn mở của Ban tổ chức cung cấp nhằm hoàn thiện các thuật toán. Có thể nói, những dòng code này sẽ quyết định sự thành công cho cả cuộc thi.

Ở một góc khác, những kỹ sư IoT đang hỗ trợ hai đội thi nước ngoài để trong thời gian ngắn nhất chiếc xe đua của họ có thể lăn bánh vượt qua những vật cản. Theo anh Tuấn, bù lại quãng thời gian các đội Việt Nam được tiếp cận xe đua trước, Ban tổ chức cần giành nhiều thời gian hỗ trợ các thí sinh nước bạn. “Có như vậy mới tạo sự công bằng cho cuộc thi”, anh Tuấn nhấn mạnh.

Kết quả, đội MTA_R4F gồm 4 sinh viên năm thứ ba và thứ tư Học viện Kỹ thuật Quân sự đã xuất sắc giành ngôi Vô địch Cuộc đua số mùa thứ ba. 23h ngày 25/5, khi trận Chung kết đã kết thúc được gần 1 giờ đồng hồ. Các thành viên Ban tổ chức mới tranh thủ được thời gian chụp tấm ảnh chung đánh dấu thành công của một mùa Cuộc đua số đáng nhớ. Sau bức ảnh chụp vội ấy, mọi người lại tản ra thu dọn sân khấu, kiểm kê tài sản, tổng kết chương trình. Lại một đêm làm việc đến gần sáng. Nhưng không còn gấp gáp, lo âu như những ngày trước, đó là đêm lâng lâng đầy phấn khích của những người đã làm nên thành công của Cuộc đua số.

Cuộc đua số là cuộc thi công nghệ được FPT tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2016 - 2017 với mong muốn các bạn trẻ Việt Nam xây dựng một nền tảng vững chắc để đón nhận cơ hội và thành công trong cuộc cách mạng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. FPT cũng kỳ vọng cuộc thi sẽ giúp phát hiện những sinh viên tiềm năng cùng FPT tiên phong trong cuộc cách mạng số. 

Cuộc đua số mùa 2018-2019 được chính thức khởi động ngày 11/10/2018 với sự đồng tổ chức của VTV. Để đáp ứng các bài toán công nghệ ngày càng nâng cao đó, tại cuộc thi năm nay, FPT cũng nâng cấp phiên bản mô hình xe tự hành lên tỷ lệ 1/7 với động cơ mạnh mẽ hơn, khung xe chắc chắn tích hợp hệ thống giảm sóc. 

Cuộc đua số mùa 3 kết thúc đánh dấu một bước trưởng thành mới cho nhiều sinh viên công nghệ. Từ sân chơi này, họ đã được học hỏi, tiếp cận và thực hành những công nghệ mới nhất trên thế giới do FPT tiên phong kiến tạo tại Việt Nam. 

Nguyễn Thắng

Ý kiến

()