Chúng ta

Người trẻ thích cập nhật tin tức qua mạng xã hội

Thứ sáu, 20/3/2015 | 16:14 GMT+7

Xã hội luôn cho rằng giới trẻ chỉ giữ liên lạc với nhau và thường ít kết nối với tin tức. Nhưng một cuộc khảo sát mới đây đã chỉ ra rằng, các thiết bị di động và mạng xã hội giúp họ gắn bó nhiều hơn với thế giới rộng lớn so với quan điểm trước đây.

Cuộc khảo sát đối với người Mỹ tuổi từ 18 đến 34, thường được truyền thông gọi là thế hệ thiên niên kỷ, cho thấy hai phần ba số người được hỏi cho biết họ tiêu thụ tin tức trực tuyến thường xuyên, và phần nhiều là từ đường link trên mạng xã hội. 

Khoảng 85% thanh niên được khảo sát nói rằng việc bắt kịp các tin tức là quan trọng đối với họ và 69% nói rằng đọc tin tức hằng ngày. Các nhà nghiên cứu cho biết, kết quả này phần nào xóa đi những lo ngại rằng người trẻ thờ ơ với thế giới xung quanh. Đã có những ý kiến cho rằng người trẻ tuổi "dành nhiều thời gian trên các mạng xã hội, thường là trên thiết bị di động, gây ra lo ngại rằng nhận thức của họ về thế giới rất hạn hẹp", báo cáo cho biết.

Trong số đó, 40% số người tiếp cận thông tin nhiều lần trong ngày, số liệu của cuộc thăm dò được tiến hành bởi tổ chức The Associated Press-NORC Center for Public Affairs Research (APNORC - Trung tâm Nghiên cứu báo chí công, Mỹ) và Viện Báo chí Mỹ. “Họ muốn tin tức, mặc dù không mấy khi chủ động tìm kiếm. Kết quả chỉ ra, họ sẽ đọc khi bắt gặp nguồn cung cấp tin trực tuyến từ một người bạn. Và họ muốn nó hằng ngày”, báo cáo chỉ ra.

img-1406911682-4-6225-1426829014.jpg

Theo Viện Báo chí Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu báo chí công (Mỹ), Facebook đã trở thành một nguồn tin tức quan trọng của những thanh niên tuổi từ 18 đến 34. 88% nói rằng họ thường xuyên nhận được tin tức từ mạng xã hội này. Khoảng 47% cho biết đọc hầu hết tin tức về chính trị quốc gia và chính phủ từ Facebook. 62% nói rằng mạng xã hội là nguồn tin tức về các vấn đề xã hội hàng đầu của họ và 41% các tin tức quốc tế được đọc từ Facebook.

Nghiên cứu cho thấy thanh niên không tiếp nhận tin tức theo cách của các thế hệ đi trước. "Họ có xu hướng tiếp nhận tin tức rời rạc ở nhiều trang khác nhau hoặc bằng cách đọc tin trực tiếp từ nguồn tin", báo cáo cho biết. Báo cáo cũng chỉ ra thanh niên tiếp nhận các thông tin thường trộn lẫn giữa các tin tức về xã hội, cách thức giải quyết vấn đề, các hoạt động xã hội và thông tin giải trí".

Đây là xu hướng hình thành từ thói quen tiêu thụ tin tức mà các chuyên gia gọi là ‘thẩm thấu giữa các thế hệ’. Và cách thức này giúp những người trẻ kết nối với hiện tại, ngay cả khi họ không mấy khi đọc một tờ báo hay xem tin tức buổi tối trên TV.

Những người được hỏi cho biết họ tiêu thụ tin tức và thông tin trên nhiều thiết bị khác nhau và các vấn đề xã hội được quan tâm thường xuyên nhất. Lý do là thông tin này thường thú vị hoặc giúp họ thảo luận hay tương tác với bạn bè tốt hơn. Khảo sát cho thấy, người trẻ thường ít khi tiếp cận tin tức từ các báo điện tử hay trang web tin tức truyền thống nhưng “những tin tức "mềm hơn" về lối sống từ các mạng xã hội, Facebook được yêu thích áp đảo.

Đó cũng là cách thức mà Marilu Rodriguez, 29 tuổi, từ ngoại ô Chicago, người tham gia cuộc điều tra, thường làm. Rodriguez nhớ lại, khi còn là một đứa trẻ, tin tức trên truyền hình sẽ đến với gia đình sau khi họ xem tập mới nhất của serie kịch dài kỳ yêu thích. "Đó là cách thức nhiều gia đình khác xem tin tức", Rodriguez cho biết.

Nhưng thói quen đã thay đổi. Bây giờ, điện thoại thông minh của Rodriguez là cổng thông tin thường xuyên nhất với thế giới, khi cô lướt mạng xã hội rồi xem tin tức, thường là trên chuyến xe khi đi làm công việc của điều phối viên cho một tổ chức phi lợi nhuận ở trung tâm thành phố Chicago. Giống như nhiều người trong cuộc khảo sát, cô nhận được rất nhiều tin tức thông qua "sự đa dạng của những người bạn" trên các trang mạng xã hội. Rodriguez tự nhận mình là người tích cực tìm kiếm và vẫn xem tin tức qua truyền hình.

Báo cáo cho thấy những người đọc tin xã hội thường bị kéo vào các chủ đề đồng nghiệp chia sẻ đường link và đưa ra bình luận về việc đó - những tin mà họ có thể bỏ qua nếu đọc trên báo chí truyền thống. Tuy nhiên, chỉ có 39% số người trả lời khảo sát cho biết họ thường chủ động tìm kiếm tin tức, trong khi 60% tiết lộ họ chủ yếu "đụng vào" (bump into) như cách tương tác trên Facebook và các trang web. “Đó là cách tiêu thụ thụ động”, báo cáo viết. Nhưng Travis Morgan, người tham gia cuộc điều tra, cho biết, ông vẫn thích đọc báo in, xem tin tức trên truyền hình và sử dụng một công cụ tìm kiếm để đào sâu thông tin nếu ông muốn biết nhiều hơn nữa.

Tom Rosenstiel, Giám đốc điều hành của Viện Báo chí Mỹ, lưu ý rằng phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra một “bộ lọc tin” nhưng kết quả khảo sát cho thấy khoảng 70% thanh niên cho rằng tin tức trên các phương tiện truyền thông xã hội thường bao gồm các quan điểm đa chiều - đều được trộn lẫn giữa những người đồng ý và không đồng ý với họ. “Hơn 2/3 người trưởng thành trẻ tuổi được khảo sát nói rằng phương tiện truyền thông xã hội cung cấp các quan điểm đa dạng làm tăng cơ hội để họ có thể tiếp cận những nội dung rộng lớn”, Rosenstiel, người sẽ trình bày các kết quả khảo sát ở Nashville, nói.

Khảo sát cũng cho thấy thanh niên thường sử dụng trung bình ba hoặc nhiều hơn các phương tiện truyền thông xã hội, ngoài Facebook còn có Twitter, YouTube và đôi khi Tumblr và Reddit. "Điều này làm cho tôi như một ông già", Morgan, một phi công 33 tuổi đến từ Grants Pass, Oregon, cười và nói anh không dùng mạng xã hội. "Tôi chỉ muốn câu chuyện. Tôi không muốn biết ý kiến. Tôi không muốn tất cả những công cụ bổ sung này".

44-8151-1426829014.jpg

Người FPT cập nhật mạng xã hội và tin tức bằng điện thoại di động khi quá cảnh tại Singapore trong hành trình đến Ấn Độ công tác. Ảnh: Nam Tiến.

Nhưng điều này không đúng với nhiều người lớn tuổi hơn anh ấy. Các chuyên gia theo dõi thói quen trực tuyến của công chúng nói rằng tiêu thụ tin tức trên đường đi cũng phát triển giữa các thế hệ lớn tuổi hơn. Joseph Kahne, một giáo sư chuyên nghiên cứu về sự tham gia của công dân và chính trị trực tuyến, đã tìm thấy một sự gia tăng ổn định trong tiêu thụ tin tức cũng như phương tiện truyền thông xã hội trên tất cả các nhóm tuổi.

“Đó là tín hiệu tốt khi người dân tham gia nhiều hơn với các chủ đề trong ngày”, Kahne, chuyên gia giáo dục tại Mills College ở Oakland (California), Chủ tịch MacArthur Foundation - mạng lưới nghiên cứu về thanh niên và sự tham gia chính trị, nói.

Cuộc khảo sát với 1.046 người trưởng thành trẻ tuổi, từ 18 đến 34, được tiến hành từ ngày 5/1 đến 2/2. Kết quả có được từ phỏng vấn trực tuyến bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha thực hiện trong đợt tuyển chọn và sàng lọc để tham gia vào cuộc khảo sát qua điện thoại.

Thanh Mai (theo Time)

Ý kiến

()