Chúng ta

Ngành IT Việt Nam thiếu hụt khoảng 400.000 nhân lực năm 2020

Thứ sáu, 4/10/2019 | 09:44 GMT+7

Quy mô và chất lượng nhân sự Công nghệ thông tin đang là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp hiện nay, theo dự báo của ITViec.com.

Theo kết quả khảo sát quý III năm 2019 của ITviec.com, trang tuyển dụng chuyên ngành IT hàng đầu Việt Nam, tình trạng “cầu vượt cung” tiếp tục bao trùm thị trường nhân sự ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Trong 3 năm từ 2016 – 2019, tổng số việc làm ngành IT được đăng tải trên các wesite tìm việc tăng gấp 5 lần. Data Scientist và Big Data Engineer được cho là sẽ lọt top đầu bảng các vị trí “khát” nhân sự trong vòng 5 năm tới với mức tăng trưởng lần lượt là 121% và 135%.

196A1496-7041-1570152316.jpg

Nhân sự IT tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu hụt trông năm 2020.

ITviec.com cũng dự đoán IT tiếp tục thuộc top 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất tại Việt Nam trong năm 2020, bên cạnh các ngành: bán hàng, hành chính, thư ký, kế toán, quảng cáo truyền thông… Ngành Công nghệ thông tin sẽ thiếu hụt khoảng 25% nhân lực so với nhu cầu thực tế trong năm 2020. Con số này tương ứng với 350.000 – 400.000 người.

Hàng năm, số lượng cử nhân IT ra trường luôn ở trên ngưỡng 50.000 người. Tuy nhiên, hơn 70% trong số đó phải qua đào tạo bổ sung mới đủ trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Với FPT, Tập đoàn đang chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ CNTT thành một thương hiệu cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện, với hai hướng đi mũi nhọn là: chuyển dịch FPT thành “doanh nghiệp số” và phát triển các dịch vụ toàn diện cho chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, FPT cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 2 chữ số, với tốc độ tăng trưởng trên 15% hàng năm. Mặt khác, Tập đoàn cũng đặt ra mục tiêu lọt vào top 50 các công ty dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ CNTT trên toàn thế giới.

Để thực hiện các mục tiêu lớn đã đề ra trong 3 năm tới, FPT đã và đang xây dựng kế hoạch hành động trên 4 hướng, bao gồm: Nguồn lực, Giải pháp & Dịch vụ, Công nghệ và “Trở thành hình mẫu”.

Đáng chú ý, đối với định hướng phát triển nguồn lực, FPT tập trung vào yếu tố con người để phục vụ cho việc hoàn thành mục tiêu chiến lược. Tập đoàn xác định nguồn lực là thế mạnh đặc biệt nổi trội của Việt Nam trên bản đồ dịch vụ chuyển đổi số và CNTT thế giới với nền tảng dân số trẻ, ham học hỏi, đặc biệt có năng lực toán học.

Đầu năm 2019, FPT đã thành lập Ban chuyển đổi số (FPT Digital - FDX) và Học viện số nhằm quy tụ đội ngũ tư vấn chuyển đổi số và thu hút các chuyên gia công nghệ số để nghiên cứu, phát triển dịch vụ tư vấn chuyển đổi số cho khách hàng.

Dự kiến trong 3 năm tới, FPT sẽ thu hút thêm 10.000 – 20.000 nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển, triển khai dịch vụ chuyển đổi số của khách hàng trên toàn cầu.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, nhân sự cho các dự án lớn về Big Data, AI hay công nghệ hàng không vũ trụ… đang là nhu cầu cấp bách và là bài toán nan giải đối với Viettel ở thời điểm hiện tại.

Theo khảo sát của trang tuyển dụng chuyên ngành IT hàng đầu Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là do kiến thức giảng dạy ở các trường đại học vẫn chưa thực sự sát với thực tế, sinh viên ngành IT tại Việt Nam cũng chưa chủ động tìm kiếm cơ hội học hỏi kinh nghiệm tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, 3 tháng thực tập là quá ít ỏi để các nhà tuyển dụng hài lòng.

Theo ITviec.com, trong năm tới, các doanh nghiệp sẽ dành hơn 29% tổng chi phí để đầu tư cho phần mềm, hơn 39% để đầu tư cho phần cứng nhằm giữ chân nhân viên và thu hút nhân lực mới.

Trang này cũng cho rằng các doanh nghiệp nên hướng tới phương án đầu tư cho công tác đào tạo dài hạn hoặc chỉ nên tập trung vào những website tìm việc làm IT chất lượng thay vì “chạy đua” trên nhiều trang tuyển dụng phổ thông.

Một số tập đoàn lớn như VinGroup đã chọn cách “đặt hàng” các trường đại học hàng đầu để chiêu mộ hơn 1.000 sinh viên tốt nghiệp khối ngành IT mỗi năm. Qua đó tăng cường sức cạnh tranh trong điều kiện “khát” nhân lực Công nghệ thông tin hiện nay.

Trước đó, báo cáo hồi tháng 8 vừa qua của ITviec.com cũng chỉ ra yếu tố khiến nhân sự IT Việt mất điểm là khả năng tiếng Anh, với tận 82,6% nhà tuyển dụng đồng tình. Đây là điểm mà họ khuyên các kỹ sư IT Việt nên cải thiện nếu muốn làm trong một môi trường hoặc quy trình quốc tế. Ngoài ra, 35% nhà tuyển dụng khuyên các kỹ sư IT Việt cần phải có “năng lực thiết kế phần mềm và tư duy phản biện thay vì chỉ làm theo hướng dẫn”.

>> 6 năm thai nghén ý tưởng đến 'cú ăn ba' giải iKhiến

Hoàng Hương

Ý kiến

()