Chúng ta

Ngăn tin giả, Microsoft yêu cầu nhân viên không chơi ‘Cá tháng Tư’

Thứ bảy, 30/3/2019 | 10:30 GMT+7

Ngay trước ngày Cá tháng tư (1/4) năm nay, hãng Microsoft có động thái lạ: phát thông báo nội bộ yêu cầu các nhân viên không chơi trò này.

Theo Verge, Giám đốc Marketing Microsoft - ông Chris Capossela cảnh báo toàn thể nhân viên của hãng không tham gia trò tung tin thất thiệt trong ngày Cá tháng Tư năm nay, tức thứ Hai tuần tới (1/4).

Trong thông báo nội bộ, ông Capossela giải thích lý do vì "các dữ liệu cho chúng ta thấy những trò gây chú ý này có tác động tích cực rất hạn chế và có thể dẫn tới những vòng luẩn quẩn tin tức không mong muốn".

ca-thang-4-5163-1553916573.jpg

Microsoft đề nghị nhân viên không chơi trò Cá tháng Tư để tránh rắc rối không đáng có. Ảnh: NT

Từ đó, ông Capossela kêu gọi toàn bộ nhân sự Microsoft không tham gia bất cứ trò Cá tháng Tư nào vì cho rằng việc tạo ra niềm vui bằng những trò đó trong ngày 1/4 sẽ dẫn tới hệ quả xấu nhiều hơn là những điều tích cực.

Cá tháng Tư là ngày có truyền thống tồn tại hơn 500 năm qua và năm nào cũng tái diễn với những chiêu trò độc, lạ. Với thông báo nội bộ, có thể nhận ra Microsoft đang nỗ lực đi đầu trong việc thay đổi điều này từ góc độ của một hãng công nghệ.

Nhiều công ty công nghệ đã sử dụng ngày Cá tháng Tư (1/4) để mang đến những trò đùa vui nhộn nhưng cũng khiến không ít người hy vọng công nghệ này sẽ thành hiện thực trong tương lai gần.

Ngày Cá tháng Tư năm ngoái, nhiều doanh nghiệp, hãng công nghệ đã "chơi khăm" công chúng như Google, Amazon, Lego, Netflix, Snapchat…

Trước đó, năm 2016, trò đùa Cá tháng Tư của Google không còn tạo niềm vui, thay vào đó là sự tức giận của người dùng vì bị tổn thương và thậm chí mất việc. Theo đó, trò Cá tháng Tư của Google liên quan đến Gmail, Google tạo một nút mới bên cạnh nút gửi đi (Send) mang tên "Send + Mic Drop" (Gửi và quăng microphone). 

mic-drop-google-8795-1553916573.jpg

Tính năng Mic Drop nhanh chóng bị xóa bỏ. Ảnh: Google.

Theo giải thích của Google trên blog, ý tưởng này nhằm giúp người dùng muốn "thoát" những lượt email trao đổi dài hơi qua lại như email nhóm bàn thảo một việc gì đó mà bạn không muốn tiếp tục tham gia nhưng cũng không muốn xóa địa chỉ email của mình ra khỏi luồng trao đổi. 

Nói cách khác, sau khi nhấn nút "Send + Mic Drop), đó cũng là nội dung cuối cùng bạn nhận được, ngay cả khi nhóm đó tiếp tục trao đổi email với nhau bao gồm địa chỉ email của bạn. Google còn kèm theo một ảnh động hiển thị một Minion (nhân vật vui nhộn trong phim Kẻ cắp mặt Trăng) quẳng microphone đi như một động thái không muốn tiếp tục nói chuyện.

Giỡn mà không giỡn, tính năng này lại trở thành thật. Nhiều người dùng lỡ nhấn "Send + Mic Drop" nằm kế nút "Send" (Gửi đi) khi soạn email trả lời ai đó sẽ không còn thấy nội dung email người kia gửi lại. 

Ngay lập tức, nhiều người dùng đã lên tiếng phản ánh và bày tỏ sự tức giận vì ảnh hưởng đến thông tin đang trao đổi như công việc quan trọng.

>> Bill Gates so sánh trí tuệ nhân tạo với vũ khí hạt nhân

Thanh Mai

Ý kiến

()