Chúng ta

Microsoft cấm nhân viên dùng ứng dụng của đối thủ

Thứ ba, 25/6/2019 | 15:33 GMT+7

Hãng phần mềm thông báo cấm toàn bộ nhân viên sử dụng Slack cùng nhiều ứng dụng khác không chỉ vì đây là đối thủ cạnh tranh với Microsoft Teams, mà còn do những lo ngại về bảo mật.

Digital Trends dẫn chia sẻ của nhân viên Microsoft cho biết họ không được phép sử dụng Slack tại nơi làm việc dựa trên "danh sách nội bộ các ứng dụng bị cấm và không được khuyến khích" mà hãng này mới công bố. Danh sách này cho biết Slack cùng nhiều phần mềm và dịch vụ trực tuyến khác là đối thủ cạnh tranh với các sản phẩm của Microsoft nhưng lý do chính khiến loạt  ứng dụng ‘lọt’ danh mục cấm đến từ việc không có khả năng bảo mật.

GettyImages-1139077451-2282-1561451364.j

Slack là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Microsoft Teams. Ảnh: Getty

“Các phiên bản Slack Free, Slack Standard và Slack Plus không cung cấp các quản lý cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Microsoft. Phiên bản Slack Enterprise Grid dù tuân thủ các yêu cầu bảo mật của Microsoft; tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích sử dụng Microsoft Teams thay vì một phần mềm của đối thủ cạnh tranh”, thông báo nêu.

Ngoài Slack, các ứng dụng khác trong danh mục bị cấm gồm chương trình kiểm tra ngữ pháp Grammarly, phần mềm bảo mật Kaspersky. Ngoài ra còn có một danh mục ứng dụng không được khuyến khích gồm Amazon Web Services, Google Docs, PagerDuty và thậm chí cả GitHub - nhà sản xuất công cụ phát triển phần mềm được Microsoft mua với giá 7,5 tỉ USD vào năm ngoái.

Báo cáo chỉ ra, nhân viên Microsoft sẽ được sử dụng Amazon Web Services và Google Docs tùy  yêu cầu và “tính cấp thiết của dự án”, trong khi GitHub không được khuyến nghị cho “các loại thông tin, thông số kỹ thuật hoặc mã có độ bảo mật cao”. Trong khi đó, Grammarly bị cấm do có thể truy cập được nội dung Information Rights Management được bảo vệ bên trong các tài liệu và email của nhân viên.

Microsoft Teams được giới thiệu từ năm 2016, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Slack hay Workplace. Ứng dụng cho phép đồng nghiệp trong công ty tạo ra kênh hoặc phòng chat riêng, nơi họ có thể trò chuyện các dự án công việc. Ứng dụng cũng tích hợp với Chatbot và hệ thống tự động khác, bao gồm cả bộ Office của Microsoft để đưa những thông tin quan trọng vào khung chat. Microsoft Teams còn có khả năng hỗ trợ chat thoại cũng như video theo cách thức mà Skype mang lại.

Satya-Microsoft-Teams-2-web-44-2342-9999

"Tại Microsoft, chúng tôi nhắm tới mục tiêu thông qua công nghệ, trao quyền cho mỗi người và mỗi tổ chức làm việc hiệu quả hơn dù độc lập hay theo nhóm. Microsoft Teams tạo thêm trải nghiệm mới cho Office 365, là một không gian làm việc dựa trên hội thoại, được thiết kế để trao quyền sáng tạo nghệ thuật cho các nhóm làm việc”, ông Satya Nadella, CEO Microsoft, nói khi giới thiệu ứng dụng mới.

Để Teams nổi bật hơn so với các đối thủ là Microsoft đã bổ sung vào ứng dụng một số tính năng riêng. Ví dụ, Teams đi kèm công cụ lập kế hoạch dự án, do đó bạn có thể phân công nhiệm vụ và kiểm tra trạng thái của các thành viên trong nhóm.

Trước đó, truyền thông đưa tin Microsoft muốn mua Slack với giá 8 tỷ USD hồi đầu năm 2015. Nhưng thương vụ đổ bể vì nhà sáng lập Bill Gates phản đối và CEO Satya Nadella đã hủy bỏ kế hoạch. Gates được cho là đã gợi ý công ty xây dựng một ứng dụng tương tự dựa trên chính nền tảng Skype đã mua lại từ năm 2011.

Theo Business Insider, tháng 9/2016, Microsoft bắt đầu thử nghiệm sản phẩm mới có tên “Skype Team” cho chat nhóm, và giờ đây đã chính thức đổi tên thành “Teams”.

Trước khi Microsoft Teams được khách hàng sử dụng, ngày 2/11, trong một mẫu quảng cáo nguyên trang trên tờ New York Times bản in đúng ngày Microsoft công bố Teams, Slack đã “có lời” với đối thủ Microsoft bằng một vài “lời khuyên thân thiện” để tiến vào thị trường.

Trong bài viết dài, Slack cảnh báo Microsoft rằng điều quan trọng làm nên sức hút của ứng dụng loại này không phải là các tính năng (có thể dễ dàng cóp nhặt) mà là sự thông thạo trong việc nắm bắt trải nghiệm người dùng của đội ngũ phát triển. “Chúng tôi đã dành hàng chục nghìn giờ nói chuyện trao đổi với khách hàng và tùy chỉnh Slack theo hướng phù hợp nhất với họ. Cảm giác minh bạch và có chung tầm nhìn, mục tiêu mà các team được trải nghiệm khi sử dụng Slack không phải ngẫu nhiên mà có. Những chi tiết nhỏ bé đôi khi lại làm nên tất cả sự khác biệt”.

>> CEO Synnex FPT: ‘Tôi chỉ trao đổi trên Workplace’

Hải Ninh

Ý kiến

()