Chúng ta

Kỹ sư FPT dùng công nghệ 'xây' Chợ Nghĩa Tình miễn phí cho cư dân khu phong tỏa

Thứ sáu, 23/7/2021 | 09:09 GMT+7

Do các đơn vị FPT Software xây dựng, Chợ Nghĩa Tình là mô hình làm từ thiện với thương mại điện tử, giúp đỡ người dân khó khăn trong mùa dịch và chung tay các mạnh thường quân gửi tặng hàng hóa thuận tiện, hạn chế di chuyển. 

Nhận được đồ ăn từ các tình nguyện viên của Chợ Nghĩa Tình, chị Minh Nguyệt (huyện Nhà Bè, TP HCM) thở phào: "Những phần quà này giúp gia đình tôi không còn quá lo lắng về thức ăn trong ít nhất một tuần cách ly nữa. Tôi rất cảm ơn tất cả anh em đã vất vả và không ngại nguy hiểm đến khu cách ly gửi tặng nhu yếu phẩm cho mọi người”.

"Chợ Nghĩa Tình" là dự án phối hợp giữa Sở Công Thương - Thành Đoàn TP HCM và Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX (thuộc FPT Software), ứng dụng công nghệ thông tin vào việc duy trì chuỗi cung ứng nhu yếu phẩm miễn phí. Chợ đặc biệt này dành riêng cho người dân khó khăn, đang sinh sống tại các khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa tạm thời trên địa bàn TP HCM do liên quan ca lây nhiễm dịch Covid-19. 

Hinh-3-2198-1626990106.jpg

"Chợ Nghĩa Tình" ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn, đang sinh sống tại các khu vực cách ly, phong tỏa

Dự án xuất phát từ nỗi trăn trở của chị Nguyễn Thị Thành Thực - FUNiX, từng ở trong vùng dịch Bắc Giang: “Tại các vùng bị phong tỏa, công nhân và bà con gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cuộc sống vì mất nguồn thu nhập, không có chợ và không được đi chợ. Nông sản, thực phẩm được làm ra tại các vùng này cũng khó tiêu thụ. Hàng hóa cứu trợ cũng gặp khó khăn trong khâu phân phối. Việc này có thể kéo dài thậm chí hàng tháng”. 

Cần có một giải pháp bền vững để huy động cộng đồng trợ giúp với sự điều phối của chính quyền địa phương cấp xã/phường, dựa trên nguồn lực và cung cầu của chính địa phương đó. 

"Dựa trên ý tưởng chợ 0 đồng mà bà con đang tự phát triển khai, chúng tôi quyết định xây dựng một "chợ cóc" trên mạng, do các tình nguyện viên tại địa phương quản trị", anh Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Đại học Trực tuyến FUNiX - kể.

Nhóm dự án được thành lập và triển khai bản chạy thử rất nhanh. Dù vậy, các cấp chính quyền ở một số tỉnh phía Bắc tỏ ra e ngại khi được liên hệ vì không có lực lượng để triển khai. Trong bối cảnh đó, anh Nam đã được giới thiệu với ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP HCM.

"Làm ngay thôi anh. Bên anh hỗ trợ kỹ thuật. Hàng hóa thì Sở Công Thương TP sẽ lo. Điều hành, đóng gói và vận chuyển, lực lượng tình nguyện viên thì Thành Đoàn TP HCM chịu trách nhiệm" - ông Vũ nói, sau khi nghe vị Hiệu trưởng FUNiX trình bày về ý tưởng chỉ khoảng 30 phút

Theo người đứng đầu Sở Công Thương TP HCM, dự án có thể giúp phân phối hàng hóa cứu trợ đúng  nhu cầu và đến tận tay người nhận. "Nhà tài trợ sẽ rất hài lòng. Nhưng không chỉ 0 đồng, mà có thể mở cho các tiểu thương, các nhà cung cấp bán hàng với giá hỗ trợ. Bà con và công nhân trong các khu bị phong tỏa vẫn có thể "đi chợ" được".

Cuộc họp bàn kế hoạch triển khai chợ với sự hỗ trợ của công nghệ đã được quyết định ngay sau cuộc nói chuyện ấy, vào lúc 16 giờ. Anh Phan Thanh Giản, một mentor FUNiX, đại diện anh Nguyễn Thành Nam lúc bấy giờ đang ở Hà Nội, dự cuộc họp. Các bên có một tuần để chuẩn bị. Mục tiêu của nhóm là triển khai đầy đủ tại 2 điểm trong 2 tuần, rồi tiến tới áp dụng trên phạm vi toàn TP HCM. Bắt đầu là phân phối các hàng hóa cứu trợ, sau đó mở bán.

Hinh-5-9549-1626990107.jpg

Dự án “Chợ Nghĩa Tình” chính thức được triển khai.

Để đẩy nhanh dự án, Công ty cổ phần Công nghệ Utop - thành viên FPT Software - tham gia, hỗ trợ cung cấp giải pháp công nghệ, vận hành và triển khai, tập huấn tình nguyện viên triển khai e-commerce, quản lý hàng hóa và xử lý đơn hàng… 

CEO Utop Phạm Nguyên Vũ cho hay: “Ngay khi biết dự án này, Utop đã không ngần ngại quyết định chung tay Sở Công Thương, Thành Đoàn TP HCM và hợp tác cùng FUNiX triển khai hỗ trợ người dân. Dù thời gian khá gấp rút, nhưng chúng tôi cũng đã hoàn thành tốt phần việc của mình. Đứng vào vị trí người dân, chúng tôi phát triển website với giao diện thân thiện và mượt mà nhất, nên việc truy cập, đăng nhập và đặt mua hàng rất nhanh chóng, tiện lợi”.

"Đây là một dự án ra kịp thời, thể hiện tầm nhìn của FPT. Tại thời điểm đó, chưa một đơn vị nào đưa ra giải pháp tương tự. Điều đó nói lên tầm nhìn của FPT về 4.0, về chống dịch 4.0", anh Nguyễn Hòa An (FST, FPT Software) chia sẻ. 

Theo anh An, nhóm làm dự án chỉ có mục đích đơn thuần là giúp đỡ bà con. Từ một chợ cho từng từng xã phường một, anh không ngờ sau đã mở rộng lên 22 chợ tương ứng 22 quận huyện của TP HCM.

Trong quá trình triển khai, nhóm gặp một số khó khăn như thời gian phát triển ngắn, nghiệp vụ chưa rõ, và thách thức phải sử dụng công nghệ đáp ứng bài toán "nhanh, dễ nâng cấp, chịu tải lớn". Đội ngũ đã dành 200% thời gian làm việc liên tục trong một tuần, thử nghiệm các giải pháp khác nhau. Sau khi chốt được nền tảng công nghệ, đội tiến hành kiểm thử với các yêu cầu thực tế từ Bắc Giang, với sự hỗ trợ của các Hannah của FUNiX.

Hinh-2-6018-1626990107.jpg

Nhu yếu phẩm từ Chợ Nghĩa Tình được chuẩn bị tại quận 10.

Mỗi hộ gia đình được tạo một tài khoản trên trang www.chonghiatinh.vn để đăng nhập và mua tối đa 25 đơn vị sản phẩm/ngày. Sản phẩm đã mua sẽ được giao tận nhà vào lúc 17h cùng ngày; để người dân có đủ các nhu yếu phẩm sử dụng trong ngày hôm sau. Gói hỗ trợ cho người dân khá lớn, có những đơn hàng mua miễn phí lên đến 700.000 đồng/ngày cho một hộ dân.

Hàng hóa bày bán trên Chợ Nghĩa Tình đến chủ yếu từ 2 nguồn: hàng được cứu trợ từ những người làm thiện nguyện mua sẵn để gửi tặng người dân; và nông sản, thực phẩm của bà con ngay trong địa phương. Hàng cứu trợ sẽ được bày “bán” với giá niêm yết là 0 đồng. Hàng do bà con bán sẽ do chính họ tự niêm yết giá theo nguyên tắc giá tối thiểu.

Như vậy, dù là bất kỳ ai trong địa phương muốn gửi tặng hàng hóa cứu trợ hay muốn chia sẻ nhu yếu phẩm đến người dân với giá tốt, đều có thể đăng ký để tham gia online trên trang. Việc này không chỉ giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, mà những người làm thiện nguyện cũng có thể gửi tặng hàng hóa cho người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện và hạn chế di chuyển trong mùa dịch. 

Hinh-1-9293-1626990107.jpg

Người dân ở khu cách lý nhận hàng từ Chợ Nghĩa Tình.

Để tiếp cận được người dân khu vực phong tỏa, giúp họ biết đến Chợ Nghĩa Tình và chủ động đặt nhu yếu phẩm cần thiết, các cơ quan địa phương, cùng Utop và  FUNiX đã truyền thông trên báo chí, mạng xã hội, thậm chí phát tờ rơi. 

Trước thực tế nhiều bà con không sử dụng được điện thoại thông minh, các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ nhập đơn hàng lên hệ thống từ danh sách các món hàng cần mua mà bà con đã ghi ra giấyVấn đề nan giải nhất, làm sao để người mua chỉ “chốt đơn” đúng nhu cầu và tránh “mua” nhiều hơn thực tế. Khâu tuyên truyền vận động cũng đặc biệt được chú trọng lúc này.

Anh Hồng Văn Tuấn - Phó Giám đốc Utop chia sẻ, khi TP HCM áp dụng chỉ thị 16, Thành Đoàn đã được chỉ đạo phải triển khai diện rộng dự án Chợ Nghĩa Tình cho toàn bộ 22 quận huyện trong 2 ngày. Thời điểm này toàn thành phố đã có trên 10.000 hộ dân bị phong tỏa. 

Thời gian triển khai cực ngắn, với hàng loạt công tác cần chuẩn bị như vận chuyển đến 22 điểm trong khi các nhà xe đã dừng, triển khai hệ thống website sẵn sàng cho các quận huyện; hệ thống back-end chịu tải; đào tạo cho các tình nguyện viên tại cơ sở sử dụng ecommerce, quy trình quy định về kho bãi, hàng hóa, chốt số lượng hàng tồn; số điện thoại đường dây nóng cho người dân có thể tìm hiểu; triển khai báo cáo hằng ngày… Được sự đồng lòng của toàn bộ thành viên, dự án đã kịp thời triển khai đúng thời hạn.

"Điều tôi tâm đắc nhất là mô hình làm từ thiện với thương mại điện tử. Số liệu, hình ảnh dự án minh bạch giúp nhà tài trợ có thể yên tâm hàng tài trợ đến được tay người dân thông qua ecommerce và số liệu. Dự án kiểm soát tồn kho từng thùng mì, gạo, nước mắm ở địa phương. Quan trọng là quy mô cả thành phố từ Củ Chi, Hóc Môn đến Nhà Bè…", anh Tuấn nói.

Hiện dự án đang được đẩy nhanh tiến độ hàng ngày. Ngày càng nhiều người dân được nhận hỗ trợ. Nhưng đồng thời, hàng hóa còn giới hạn so với thực tế người dân cần hỗ trợ lúc này. Đội dự án tin tưởng khi thông tin số liệu được minh bạch, sẽ có nhiều nguồn lực xã hội đóng góp vào chương trình Chợ Nghĩa Tình, từ đó hỗ trợ người dân hiệu quả hơn nữa.

>> Trải nghiệm của người FPT Sài Gòn về quê WFH và tránh dịch

Hà An

Ảnh: ĐVCC

Ý kiến

()