Chúng ta

Trải nghiệm của người FPT Sài Gòn về quê WFH và tránh dịch

Thứ năm, 22/7/2021 | 08:08 GMT+7

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng tại TP HCM, nhiều CBNV đã quyết định về quê làm việc từ xa. Không khí trong lành, nhu yếu phẩm phong phú, được gần gia đình, được chăm sóc hỗ trợ... nhiều người F yên tâm làm việc, dù còn một số khó khăn khó tránh khỏi.

CƠ HỘI GẦN GIA ĐÌNH HƠN

Ban đầu dự định ở lại TP HCM để tập trung làm việc, nhưng khi thấy ba mẹ lo lắng, ngày nào cũng gọi điện, Phạm Thị Mỹ Nhung - Trung tâm Đào tạo FPT Telecom - quyết định về quê, tự đi xe máy để đảm bảo an toàn, không tiếp xúc nhiều.

Cô gái trẻ được gia đình tạo điều kiện thuận lợi khi làm việc ở nhà, giờ làm việc vẫn đảm bảo như giờ đi làm ở công ty và có khi còn thêm buổi tối. Trong tuần, Mỹ Nhung dành trọn thời gian cho công việc, cuối tuần sẽ dành thời gian cho gia đình. 

"Tôi nghĩ đây là khoảng thời gian rất quý để có thể ở gần gia đình nhiều hơn. So với nhiều đồng nghiệp, chẳng hạn các anh chị phải đi ra đường hoặc tiếp xúc khách hàng... thì hiện tại tôi may mắn hơn, nên không có gì để phàn nàn cả".

mynhung-7979-1626862710.jpg

Phạm Thị Mỹ Nhung - Trung tâm Đào tạo FPT Telecom

Nhung cho biết không gặp quá nhiều khó khăn khi làm việc từ xa, vì FPT Telecom cũng trải qua rất nhiều lần work from home nên mọi người thích nghi rất nhanh. "Đặc biệt tôi có một đội ngũ có thể phối hợp nhịp nhàng và năng suất công việc cao. Nếu có bất tiện thì tôi nghĩ chỉ là vấn đề đường truyền internet hoặc sự cố cúp điện. Nhóm tôi nhắn tin cho nhau mỗi ngày, kể cả cuối tuần, có những clip vui gắn kết, nên mọi người không bị mất kết nối khi làm việc từ xa".

Những clip vui giúp cán bộ Trung tâm đào tạo FPT Telecom không bị mất kết nối khi làm việc từ xa.

Một tháng làm việc từ xa ở Sài Gòn, một tháng ở quê, cô gái nhà Viễn thông tâm sự rất nhớ công ty, và đồng nghiệp. "Thời gian work from home càng nhiều chứng tỏ dịch bệnh vẫn còn rất căng thẳng. Vậy nên, điều học được trong những ngày này là, khi dịch bệnh ổn định và qua đi, chúng ta nên biết trân trọng những điều ở hiện tại, những người ở bên cạnh mình, vì không biết được có bao nhiêu thời gian ở cùng nhau. Như bây giờ, gặp nhau để ăn cùng một bữa cơm cũng là điều xa xỉ".

CƠM CANH NÓNG HỔI NGAY KHI XONG VIỆC

Từ đầu tháng 5, Ban Kiểm soát chất lượng FPT Software HCM có kế hoạch làm việc từ xa 30% khi thành phố bắt đầu xuất hiện ca nhiễm. Nhà ở Bình Dương, khi tới phiên làm việc từ xa, ngày 24/5, Trần Võ Họa Mi quyết định về quê một tuần. Khi cô gái sắp lên lại thành phố, dịch Covid bùng phát mạnh hơn và công ty yêu cầu work from home tối đa, nên Mi ở lại quê tới nay.

Nữ nhân viên Phần mềm phía Nam tâm sự, khó khăn nhiều nhất gặp phải khi làm việc ở nhà là vấn đề kết nối mạng. Bên cạnh đó, cũng có hạn chế khi trao đổi công việc với đồng nghiệp. "Ở công ty, khi cần gặp trực tiếp quản lý thì có thể qua chỗ ngồi để tìm, còn khi làm từ xa, đôi khi tìm nhưng… chưa thấy ngay. Làm việc ở nhà còn sợ nhất một điều là cúp điện, mỗi khi cúp điện là phải xin nghỉ và buổi tối làm bù", Mi nói thêm.

Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm work from home 3 lần trước đó nên Mi cũng đã quen và đánh giá độ hiệu quả cũng tương đương như làm việc trên công ty. Đặc thù công việc quản lý chất lượng phải làm thêm báo cáo từ xa nên thời gian làm việc của cô thường kéo dài hơn, có khi đến 19-20h thay vì 17-18h.

hoamifso-1425-1626862710.jpg

Góc làm việc ở quê của Trần Võ Họa Mi - Ban Kiểm soát chất lượng FPT Software HCM.

"Mỗi ngày đều được ăn cơm mẹ nấu, làm việc xong là đã có cơm canh nóng hổi, còn được mẹ chăm chút từng li từng tí, cứ 2-3 tiếng lại có một ly nước cam hay một dĩa trái cây để sẵn ở bàn", Mi vui vẻ cho hay. "Ba mẹ tôi còn đùa hay là xin công ty cho work from home luôn để ở nhà với ba mẹ".

Mỗi ngày, cô gái đều cập nhật tin tức tình hình dịch bệnh ở TP HCM và cảm thấy khá lo lắng. "Bình Dương cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Tôi chỉ mong dịch bệnh mau chóng qua đi để mọi người có thể đi làm bình thường và tôi được gặp lại các đồng nghiệp".

NHU YẾU PHẨM PHONG PHÚ

Cuối tháng 5, Nguyễn Đức Hiền, kỹ sư FPT Software HCM, về quê ở Long An để nghỉ cuối tuần. Vừa về đến nhà, công an và y tế xã yêu cầu đi khai báo y tế và test nhanh, sau đó yêu cầu anh cách ly tại nhà 14 ngày. 

Khi vừa hết hạn cách ly, Hiền phải lên chăm người thân nằm Bệnh viện Đa khoa Long An, lúc này địa phương cũng vừa bùng phát ổ dịch ở bệnh viện. Anh lại phải nhận giấy bắt buộc cách ly từ công an xã thêm 21 ngày nữa. Thế là đã gần 2 tháng, anh Hiền hầu như không được đi đâu.

"Làm việc tại nhà có nhiều khó khăn như ồn ào - từ tiếng xe cộ, tiếng cãi nhau của hàng xóm, tiếng chó sủa, tiếng bạn bè rủ nhậu…; đến khó khăn trong vấn đề trao đổi, theo dõi công việc. Đổi lại, hàng ngày được ăn cơm với gia đình đúng bữa. Nhu yếu phẩm ở quê phong phú và tươi ngon, nhà ai có gì bán nấy. Thực phẩm không khi nào thiếu".

Đợt dịch này, anh Hiền lập kỷ lục: lần đầu tiên từ khi đi làm suốt một tháng không uống bia rượu. 

ahienwfh-3060-1626862710.jpg

Anh Nguyễn Đức Hiền, kỹ sư FPT Software HCM.

KHÔNG KHÍ TRONG LÀNH

Cuối tháng 6, khi có thông báo từ 1/7 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, và được lãnh đạo thông báo về kế hoạch làm việc từ xa, Nguyễn Thị Huyền My (PayTV, FPT Telecom HCM) quyết định về quê ở Tiền Giang ngay trong ngày. Chuẩn bị đồ đạc cấp tốc trong vòng 30 phút, đúng 14h, My cùng em gái rời thành phố. "Tôi ở nhà trọ và tình hình dịch Covid tại TP HCM diễn biến phức tạp, nếu ở lại thành phố thì vấn đề khó khăn nhất là phải ra ngoài để mua gạo, nước, thực phẩm hằng ngày... rất dễ tiếp xúc nhiều người, nên tôi quyết định về quê", Huyền My kể. 

my5-7245-1626922873.jpg

 Góc làm việc view cây xanh của Nguyễn Thị Huyền My (PayTV, FPT Telecom HCM) ở quê nhà Tiền Giang

Công việc là quản lý, duy trì, phát triển hệ thống (Phòng Kỹ thuật hệ thống - Truyền hình FPT), Huyền My và nhóm phải thảo luận với nhau rất nhiều, nhất là khi trung tâm hiện có dự án mới. Chính vì thế, khi làm từ xa, My gặp một số vấn đề như việc giao tiếp, trao đổi giữa các nhóm khó hơn, truyền đạt thông tin khó hiểu hơn, phải tham gia nhiều cuộc họp hơn...

"Quê ở miền Tây gần sông nước, không khí và không gian sống thoải mái hơn rất nhiều. Sau mỗi ngày làm việc, tôi sẽ ra trước nhà có bến sông ngắm nhìn, hay cùng gia đình chơi đá cầu (mà toàn bị thua), trồng hoa hồng nữa. Về nhà là vui nhất! Nhà tôi trồng cây ăn trái nên tôi thường chụp ảnh khoe cho nhóm nữa", Huyền My hào hứng kể. 

Ngày nào cũng nghe đồng nghiệp ở TP HCM cập nhật thông tin dịch bệnh căng thẳng, mua thực phẩm khó khăn, My cảm thấy mình có phần may mắn hơn khi đã quyết định về quê làm việc.

my1-9106-1626862710.jpg

Về quê làm việc là hoa trái luôn đầy vườn.

YÊN TÂM TẬP TRUNG CHO CÔNG VIỆC 

Ba mẹ lo lắng tình hình dịch bệnh ở TP HCM đang phức tạp, nhà cũng chỉ cách TP HCM 2 giờ xe - khá thuận tiện, nên Nguyễn Thị Phương Thảo (FPT IS ERP HCM) về quê ở Vũng Tàu từ đầu tháng 6 khi FPT IS triển khai work from home.

Theo Thảo, khó khăn lớn nhất khi làm việc từ xa là khi không gặp mặt trực tiếp đồng nghiệp và khách hàng, việc trao đổi công việc sẽ tốn thời gian hơn. Hơn nữa, phòng kinh doanh như của Thảo có một số hợp đồng cũng như thủ tục với khách hàng cần có người hỗ trợ để chuyển, gửi thư.. 

Tuy nhiên, về quê làm việc cũng có nhiều điểm thuận lợi với cô gái trẻ. "Ở nhà có bố mẹ chăm sóc, tôi chỉ tập trung làm việc. Thêm nữa, nhà cách công ty chỉ 2 tiếng đi ô tô thôi, nên tôi cũng không lo lắng nhiều về việc di chuyển". 

Mặc dù ban đầu về Vũng Tàu để tránh dịch, hiện tại tình hình ở Vũng Tàu cũng không khả quan lắm - Thảo cho biết. Thành phố biển đã đóng cửa hơn một tuần nay. Tuy nhiên so với việc ở một mình, thì ở với gia đình cũng khiến cô yên tâm, bình tĩnh để làm việc hơn, Thảo chia sẻ.

thaontp-8286-1626862710.jpg

Nguyễn Thị Phương Thảo, FPT IS ERP HCM gửi gắm lời động viên đến Sài Gòn chóng vượt qua dịch.

"Theo tôi biết thì tình hình hiện giờ ở TP HCM rất căng thẳng. Mọi người đều chỉ ở trong nhà không đi đâu nhiều, việc mua thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn hơn bình thường. Hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, mọi người giữ gìn sức khỏe thật tốt. Sài Gòn cố lên nhé!", Phương Thảo gửi gắm.

>> FPT trở lại cột mốc kỷ lục work from home

Hà An

Ý kiến

()