Được triển khai dưới sự hợp tác giữa chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương của Facebook, Văn phòng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cùng CoderSchool, cuộc thi hướng tới mục đích trang bị cho các nhà phát triển trẻ những kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên số. Ngoài 3 nội dung chính gồm: Khoa học dữ liệu, Lập trình di động và Quản lý sản phẩm, chương trình tại Hà Nội còn có sự xuất hiện lần đầu tiên của khóa học dành riêng cho nữ giới #TechbyHer với mong muốn tạo một sân chơi công bằng cho nữ giới và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào ngành lập trình.
Sau 6 tháng đồng hành cùng cuộc thi, Top 12 đội xuất sắc đã có màn thi đấu ấn tượng tại Demo Day thông qua thuyết trình và diễn thử sản phẩm vào giữa tháng 12 vừa qua. Ban Giám khảo đã chọn ra 1 giải đặc biệt và 6 giải nhất cho mỗi đề bài được đưa ra. Với màn trình diễn thuyết phục của mình, nhóm “Big Brother” của 2 sinh viên năm 3 của Đại học Greenwich (Việt Nam) đã giành được giải Nhất với danh hiệu “FSIxEPU Winning Team”.
Nhóm Big Brother giành được giải Nhất với danh hiệu “FSIxEPU Winning Team”. |
Ngay từ khi phát động, chương trình đã thu hút được hơn 2.000 đơn đăng ký. Sau 2 vòng thi code và 1 vòng phỏng vấn, 405 lập trình viên ưu tú được lựa chọn để đào tạo trong 10 tuần. Cũng trong thời gian đào tạo này, các thí sinh sẽ chủ động lập nhóm, mỗi nhóm từ 3 đến 6 thành viên để cùng tạo ra 1 ứng dụng hoàn chỉnh nhằm giải quyết 1 trong 6 bài toán được đưa ra bởi 6 công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam: Viettel Digital, FPT Software, TEKO, FSI, TNTech, và Tripi.
Cũng từ đây, 2 sinh viên đến từ Đại học Greenwich (Việt Nam) là Phạm Thái Sơn và Nguyễn Đình Cường cùng 4 thành viên khác đã thành lập nên nhóm Big Brother. Vượt qua 58 sản phẩm công nghệ ấn tượng được thực hiện trong thời gian đào tạo, nhóm Big Brother do Thái Sơn làm trưởng nhóm đã lọt vào Top 12 đội xuất sắc nhất để tham dự tranh tài và giành được giải Nhất vinh dự.
“Trong quá trình phát triển sản phẩm dự thi, các nhóm không hề biết được năng lực cũng như sản phẩm của nhau. Em luôn nghĩ rằng đây chính là cơ hội để đẩy bản thân đối mặt, vượt qua các hạn chế của chính mình và chia sẻ mục tiêu này cho cả nhóm”, đội trưởng của Big Brother chia sẻ.
Sơn cũng nhấn mạnh, điểm mấu chốt giúp các thành viên tự tin với sản phẩm của mình là bởi cả đội đã phân tích sản phẩm từ nhiều góc độ khác nhau cũng như áp dụng sự sáng tạo để gây ấn tượng cho Ban Giám khảo thay vì chỉ “chăm chăm” làm đúng đề bài.
Thái Sơn (đang thuyết trình) và Đình Cường (áo xanh lá cây) tại Demo Day khi giới thiệu sản phẩm của nhóm mình. |
Tuy mới chỉ là sinh viên năm 3 nhưng Thái Sơn hiện làm Fullstack Developer tại IFI Solution và Đình Cường thì làm Backend Developer tại Giao hàng Tiết kiệm. Với kinh nghiệm hiện tại này cùng các trải nghiệm trước đây khi thực hiện một số dự án sử dụng công nghệ của Facebook, Sơn và Cường đã không mất nhiều thời gian để làm quen và sử dụng thành thạo các công nghệ cơ bản để triển khai ý tưởng trong cuộc thi.
“Sản phẩm của nhóm là một ứng dụng di động về lĩnh vực Social Listening với mục đích phân tích thái độ về sản phẩm/dịch vụ qua việc thu thập thông tin từ bài đăng, bình luận đề cập về sản phẩm/dịch vụ đó trên một trang Facebook”, Đình Cường giới thiệu.
Với đối tượng khách hàng hướng đến là chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như là các KOL (người có ảnh hưởng) trên Facebook, ứng dụng đã sử dụng thuật toán học máy (machine learning) để phân tích thông tin thu thập được. Từ đó, ứng dụng đưa ra một bức tranh toàn cảnh về các phản hồi của khách hàng, giúp chủ doanh nghiệp, KOL đưa ra các quyết định về chiến lược marketing. Ứng dụng có tỷ lệ phân tích chính xác thái độ của các bài đăng/bình luận lên đến 90% đã hoàn toàn thuyết phục công ty ra đề là FSIxEPU.
Đại học Greenwich (Việt Nam) hình thành trên cơ sở liên kết giữa Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) và Tổ chức giáo dục FPT từ năm 2009, với hơn 10.000 sinh viên từ 10 quốc gia trên thế giới đã và đang theo học. Nội dung đào tạo, giảng viên và cơ sở vật chất được thẩm định, công nhận về chất lượng bởi các chuyêngia của Vương quốc Anh và ĐH Greenwich. Sinh viên tốt nghiệp Greenwich (Việt Nam) được nhận bằng cử nhân do Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) cấp, được kiểm định chất lượng bởi Tổ chức kiểm định giáo dục uy tín QAA và Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam. Bằng cấp này có giá trị toàn cầu. Sau khi ra trường, sinh viên có cơ hội làm việc tại Tập đoàn FPT cùng hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn đối tác ở Việt Nam cũng như khắp thế giới. |
Hà My
Ảnh: ĐVCC
Ý kiến
()