Ngày 11/4, ĐH FPT phối hợp Báo điện tử VnExpress tổ chức buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề ‘Tiêu chuẩn nào cho sinh viên số thời Cách mạng 4.0?’. Khách mời gồm chị Vũ Thu Chinh - Giám đốc Tuyển sinh ĐH FPT; anh Lê Hùng Cường - Giám đốc Học viện Số FPT; anh Trần Trung Hiếu - Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty cổ phần TopCV, cựu sinh viên ĐH FPT ngành Kỹ thuật phần mềm.
"Công nghệ sẽ được áp dụng vào từng ngóc ngách nhỏ của cuộc sống giúp mọi thứ trở nên tiện lợi hơn. Đáp ứng nhu cầu đó, nguồn nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin là vấn đề cấp thiết", anh Lê Hùng Cường, GĐ Học viện Số FPT, mở đầu câu chuyện.
Ông Lê Hùng Cường, GĐ Học viện Số FPT, cho biết, các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh đang rất quan tâm vào việc nghiên cứu áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh. Một trong những đơn vị tiêu biểu là FPT. |
Theo kết quả điều tra về xu hướng mới nhất và những chuyển biến trong tương lai của nguồn nhân lực IT được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thực hiện vào năm 2016, lĩnh vực IT từ lâu đã thiếu hụt nhân lực. Ngành nghề trong tương lai sẽ cần bổ sung một nguồn lực lớn cả về lượng và về chất là các ngành kỹ thuật IT công nghệ cao như: Big data, trí tuệ nhân tạo (AI), IOT, Robot. Trong đó, Bộ dự đoán AI, Big data và IOT tương lai sẽ thiếu nhân lực nhiều nhất.
Hiện số lượng dự án, việc làm về các mảng công nghệ mới tăng lên rất nhanh và mức lương khởi điểm cao hơn so với các lĩnh vực công nghệ khác. Ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành CNTT nói chung và lĩnh vực IoT nói riêng trong vòng 20 năm tới được xác định với quy mô lên tới hàng triệu kỹ sư. Cơ hội nghề nghiệp rộng mở rộng với các kỹ sư tương lai khi thời gian vừa qua, lĩnh vực này đã thu hút sự quan tâm đầu tư phát triển lớn của các tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin trong nước cũng như quốc tế (Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, CMC, Samsung, LG, Intel, Microsoft, IBM, Google...)
Độc giả Thanh Phong, Hà Nội, đặt câu hỏi: ''Đánh giá thế nào về việc số hoá cuộc sống khiến con người mất tự do hơn, mất đi nhiều việc làm hơn''. GĐ Học viện Số FPT cho rằng, công nghệ khi đi vào đời sống sẽ có hai mặt: mất tự do - tự do, mất việc - nhiều việc làm hơn. Nó phụ thuộc vào cách con người nhìn nhận và thích ứng với môi trường mới. Nhưng trên hết nên nhìn về mặt tích cực, với vô số các công nghệ, phương tiện mới sinh ra trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước, thì tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ một mức tương đối ổn định, mất một công việc nhưng sẽ tạo ra nhiều các công việc khác.
"Có nhiều ngành được hưởng lợi từ máy móc như ngành CNTT. Lý do là bởi những sinh viên CNTT chính là lực lượng những người sẽ góp phần tạo ra thêm rất nhiều giải pháp về công nghệ số cho máy móc để mang lại sự tiện lợi, chăm sóc cho cuộc sống của con người trong tương lai. Trong tương lai, chúng ta sẽ có thêm những sản phẩm như Grab, Uber, không những mang lại sự tiện lợi cho rất nhiều người nhưng cũng đồng thời tạo được một lượng lao động và việc làm rất lớn giải quyết vấn đề việc làm trong xã hội", anh nhìn nhận.
Liên quan đến vấn đề bằng cấp, anh Cường nhìn nhận nó quan trọng nhưng không hoàn toàn bắt buộc. Bằng cấp không phải là thước đo chính nhưng cũng sẽ là một phương thức để rèn luyện năng lực trong lĩnh vực CNTT. Song song với bằng cấp, việc quan trọng đối với sinh viên ngành CNTT là năng lực tự tìm hiểu công nghệ mới, chủ động làm các dự án chuyên sâu...
Đồng quan điểm, Giám đốc Tuyển sinh ĐH FPT - chị Vũ Thu Chinh cho rằng cuộc cách mạng 4.0 đang biến đổi cách sống, làm việc và giao tiếp của con người theo cách hoàn toàn mới. Để người trẻ có thể bắt nhịp với công việc ngay khi ra trường, ngoài việc học tập và nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ trong nhà trường, sinh viên cần chủ động tích luỹ và nâng cao tri thức về công nghệ thông tin.
Để giúp sinh viên tự tin hội nhập và làm chủ công nghệ, ĐH FPT chú trọng trang bị các kỹ năng và tri thức số cho sinh viên thông qua môi trường giáo dục chuyển đổi số, đồng thời tạo văn hoá số cho người đọc... Nội dung các chương trình học của trường được định hướng kinh tế số, đặc biệt là ở các chuyên ngành IoT, AI, Digital Marketing... Phương pháp học tập cũng dần được chuyển đổi theo hướng số (học liệu số, eTextbook, MOOC - based... Sinh viên cũng được làm quen với văn hoá số (bảng điểm online, đăng ký môn học online, sử dụng thư viện online...).
"Học gì, làm gì cũng cần có tình yêu, sự đam mê. Đây sẽ là chất xúc tác để đạt hiệu quả cao, thành công hơn. CNTT nói chung, IoT và AI nói riêng sẽ yêu cầu người học sự đam mê và tâm huyết. Sự yêu thích và đam mê công nghệ là đòn bẩy tích cực để vượt qua khó khăn, căng thẳng của công việc", chị nói.
Tại ĐH FPT sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên ngành mà còn được học các kỹ năng mềm, được học song song 2 ngoại ngữ Anh, Nhật/ Trung bao gồm 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. |
Từng là cựu sinh viên ĐH FPT, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty cổ phần TopCV - anh Trần Trung Hiếu khẳng định nhà trường hướng tới việc sinh viên tự học, có thể chủ động tìm hiểu và làm việc thực tế. Ngoài ra môi trường giúp sinh viên xây dựng được đội nhóm có cùng chung đam mê, sở thích rất dễ. Đây là điểm tốt nếu sau này sinh viên muốn khởi nghiệp. "Môi trường mở, năng động và tạo điều kiện cho sinh viên phát triển tối đa năng lực là điều mà tôi quyết định lựa chọn học tại ĐH FPT", anh nói.
Anh thừa nhận học CNTT về cơ bản rất vất vả, phải tìm hiểu và tự học nhiều. Thường sau khi học xong, có thể làm lập trình viên một thời gian, sau đó chuyển qua làm quản lý, hoặc Kiểm thử (Tester/QA). Nếu có kiến thức về lập trình, có khả năng ngôn ngữ Nhật, có thể bắt đầu làm vị trí Kỹ sư cầu nối. Đây là vị trí có mức thu nhập rất cao và phù hợp với cả các bạn nữ. "Về tố chất, người học CNTT cần chịu khó, hay tìm hiểu cái mới, có tư duy logic tốt và đặc biệt cần có khả năng đọc hiểu tiếng Anh. Do phần lớn các tài liệu về công nghệ mới nhất đều từ nước ngoài", nhà sáng lập TopCV, bật mí.
Năm 2019, ĐH FPT tổ chức 2 kỳ sơ tuyển vào ngày 12/5 và 14/7. Bên cạnh các đối tượng có tổng điểm 3 môn theo học bạ THPT (trung bình 2 học kỳ cuối) hoặc theo điểm thi THPT đạt 21 điểm trở lên (xét theo tổ hợp môn tương ứng ngành đăng ký học), trường mở rộng đối tượng miễn thi sơ tuyển với những thí sinh đã tốt nghiệp chương trình APTECH HDSE (áp dụng với ngành CNTT) hoặc Chương trình ARENA ADIM (áp dụng với chuyên ngành Thiết kế đồ họa), các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 80 hoặc IELTS (Học thuật) từ 6.0 (áp dụng với ngành Ngôn ngữ Anh), chứng chỉ tiếng Nhật JLPT từ N3 (áp dụng với ngành Ngôn ngữ Nhật). Ngoài ra, người đã tốt nghiệp đại học cũng được miễn kì thi này. Các thí sinh khác, cần đáp ứng 1 trong 2 điều kiện sau mới được tham gia vào kì thi sơ tuyển, gồm: Tổng điểm 3 môn theo học bạ (mỗi môn tính trung bình hai học kỳ cuối THPT) đạt 18 điểm trở lên xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại ĐH FPT hoặc tổng điểm 3 môn trong kỳ thi THPT đạt 15 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên) xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại ĐH FPT. Bên cạnh đó, trường dành 3 điểm ưu tiên cho thí sinh khi xét tuyển nếu đăng ký ĐH FPT là 1 trong 3 nguyện vọng đầu tiên trong kỳ đăng ký xét tuyển đợt 1 của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Trong kì tuyển sinh năm nay, ĐH FPT tiếp tục duy trì 2 bài thi gồm bài thi toán logic trắc nghiệm và văn nghị luận xã hội. Bài thi toán logic hình thức trắc nghiệm nhằm đánh giá năng lực phổ thông nền tảng và năng lực chuyên biệt có liên quan đến ngành học đăng ký dự thi; bài văn nghị luận xã hội nhằm đánh giá năng lực nghị luận của thí sinh thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi với thí sinh. Thời gian làm bài lần lượt là 120 phút và 60 phút. |
>> ĐH FPT mở rộng đối tượng miễn thi vào trường năm 2019
Việt Nguyễn
Ý kiến
()