Trong ngày hội công nghệ FPT TechDay 2019 tổ chức tại Hà Nội ngày 21/11, phiên chuyên đề về chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp thu hút sự quan tâm của đông đảo khách mời. Mở đầu phiên chuyên đề mang tính phân tích chuyên sâu, GĐ Phát triển Thị trường FPT IS Phan Thanh Sơn đã chỉ rõ những điều đang và sẽ xảy đến cho các doanh nghiệp Việt Nam khi chuyển đổi số trong kỷ nguyên 4.0.
“Tương lai sẽ xảy đến những điều khó tin”, anh Sơn mở đầu. Những năm gần đây, tại diễn đàn trong nước và quốc tế, Việt Nam nhắc nhiều đến 4.0 và bức tranh khái quát về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của loài người. “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên 4.0, đặc tính chính là tốc độ thay đổi. Trước đây, để xây dựng hệ thống có 50 triệu người dùng mất 10 năm. Nay cùng con số đó, chúng ta mất 2-3 năm, thậm chí nhanh chóng nhân quy mô lên toàn cầu”.
Anh Phan Thanh Sơn phát biểu tại sự kiện. Ảnh: BTC. |
Sự thay đổi mang tính hệ thống, xã hội, chính trị, cá nhân, đây cũng là đặc điểm từ những cuộc cách mạng trước. Theo đó, thế giới mới được hình thành là sự kết hợp của công nghệ, sinh học, vật lý. Làn ranh giới theo đó mờ đi rất nhiều. Cùng với đó, chi phí cho các ứng dụng công nghệ sẽ rẻ hơn rất nhiều. Ví dụ công nghệ DNA, từ năm 2000 đến 2014, chi phí cho mỗi lần xét nghiệm giảm từ hàng chục nghìn USD xuống còn khoảng 1.000 USD, tương lai con số này chỉ còn vài trăm. Ngoài ra, đầu tư hệ thống robot cũng rẻ hơn rất nhiều so với trước đây.
“Đây là câu chuyện có thật, chúng ta chưa thể tưởng tượng được nên dễ dàng bỏ qua các cơ hội”. Tại các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, Đức cũng đang lo ngại tương lai mất khả năng cạnh tranh. Do đó, Chính phủ phòng vệ bằng cách đưa đề án công nghệ cao năm 2020 để phát triển các sản phẩm về công nghệ.
Trong khi đó ở nước láng giềng Trung Quốc, người dân không còn muốn thương hiệu “Made in China” là hàng giá rẻ chất lượng kém. Họ mong muốn những thứ làm ra vẫn giữ cạnh tranh về yếu tố giá, nhưng công nghệ, chất lượng phát triển vượt bậc. Tại Ấn Độ, phong trào “Make in India” tạo nên làn sóng, đưa đất nước trở thành trung tâm công nghệ thế giới.
Phiên chuyên đề Quản trị doanh nghiệp thu hút quan tâm của nhiều khách mời. Ảnh: BTC. |
Còn tại Việt Nam, Chính phủ muốn kiến tạo công xưởng sản xuất số, nơi máy móc làm thay những phần việc thủ công của con người, giúp con người tận hưởng cuộc sống tốt hơn. Để tạo đà theo đuổi mục tiêu này, chính phủ đã có định hướng trong cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ đạo bộ ngành tìm ra giải pháp, trở thành chính phủ kiến tạo hành động.
“Để chuyển đổi số, chúng ta cần nền tảng, và nền tảng thứ 4 đang hình thành trên thành quả cách mạng công nghiệp lần thứ 3, xây dựng công nghiệp mới trở thành mạng xã hội. Khi bước sang kỷ nguyên công nghiệp mới, chúng ta cần kết hợp những ngành truyền thống với công nghệ. Tương lai, các công ty phải trở thành công ty công nghệ mới có thể tồn tại”.
Khi đó, các doanh nghiệp cần kết nối trong một chuỗi, tạo cơ hội mới. Công nghệ trước đây chỉ có chip, phần cứng, phần mềm thì nay được mở rộng để có suy nghĩ, tư duy, phân tích, lưu trữ dữ liệu tri thức để có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong kỷ nguyên mới, doanh nghiệp cần được thiết kế lại, từ tất cả nguyên liệu gồm sinh học, vật lý, công nghệ cốt lõi… Tất cả các bước có thể tiến hành đồng thời. Tại Việt Nam, 3 cuộc chuyển đổi số đang diễn ra: cá nhân thành cá nhân số, chính phủ thành chính phủ số, thành phố trở thành thành phố thông minh. Chính phủ kiến tạo đổi mới, chúng ta có những gì thế giới có.
Các diễn giả trong phần trao đổi. Ảnh: BTC. |
Người đứng đầu mảng phát triển thị trường nhà Hệ thống cho rằng FPT đang có chiến lược chuyển đổi số toàn diện, cùng các đối tác tạo nên giải pháp mới. Dựa trên nền tảng FPT đã tích lũy vài năm qua cùng phương pháp luận Kaizen, từ đó tập đoàn đã đúc kết nền tảng riêng. “Để khởi động thông minh cần có chiến lược. Mỗi khu vực khác nhau đưa ra chương trình, dựa theo cấu trúc doanh nghiệp trong tương lai”. Việc chuyển đổi số cần quá trình, đó là đường đi, không phải đích đến.
Sau phần của anh Phan Thanh Sơn, ông Marc Hoelmer, Giám đốc Tư vấn Quản trị Rủi ro Không gian mạng, Công ty Deloitte Việt Nam, cũng thêm vào bức tranh chuyển đổi số tương lai bằng xu hướng công nghệ.
Một giai đoạn mới của việc quản lý chuỗi cung ứng kỹ thuật số hiện nay theo đại diện Deloitte là máy móc. Robot đang giúp nhiều doanh nghiệp như Amazon tăng cường mạnh mẽ hiệu suất lao động, bên cạnh sự vận hành của con người.
"Những tiến bộ kỹ thuật công nghệ đang biến các chuỗi cung ứng truyền thống phát triển thành mạng lưới cung ứng kỹ thuật số. Điều này cho phép việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn, giảm thiểu chi phí và sáng tạo hơn", ông Marc Hoelmer nhận định.
Cuối phiên thảo luận, đại diện doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế như VNPost, Masan, Trung Nguyên... đã đưa ra bài học kinh nghiệm của công ty khi chuyển đổi số. Phần chuyên đề nhận nhiều quan tâm đã đưa nhiều kiến thức, kinh nghiệm, khái quát viễn cảnh tổng thể đến các khách mời.
Là sự kiện công nghệ thường niên do FPT tổ chức từ năm 2013, mỗi kỳ TechDay đều có sự khác biệt và phát triển dần về quy mô. Năm 2019, nhà F triển khai diễn đàn mở đối với các diễn giả, cộng đồng công nghệ và doanh nghiệp bên ngoài. Sự kiện có 46 khu vực triển lãm, cuộc thi Đấu trường công nghệ với tổng giá trị giải thưởng là 150 triệu đồng tiền mặt dành cho hơn 300 thí sinh tham dự. Cạnh đó, diễn đàn cũng gây ấn tượng với các điểm nhấn công nghệ: Xe tự hành trở thành “người vận chuyển” chính thức trong sự kiện; trợ lý tổng đài ảo đảm nhận ghi danh và xác nhận khách mời. |
Huyền Trang
Ý kiến
()