Chúng ta

‘FPT sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi số’

Thứ năm, 7/1/2021 | 16:07 GMT+7

Sáng nay (7/1), tại diễn đàn ‘Sản phẩm Công nghệ Việt’ ở Tech Awards, anh Phạm Minh Tuấn - CEO FPT Software - đã trình bày về những thành tựu và lợi thế trong chuyển đổi số của tập đoàn FPT suốt thời gian qua.

Trong bài trình bày về "hệ sinh thái số" của FPT, CEO nhà Phần mềm khẳng định Việt Nam là đất nước có lợi thế đặc biệt về chuyển đổi số. Và tất cả tài năng tinh hoa của FPT đều được tham gia những công nghệ mới để phục vụ khách hàng trong hành trình chuyển đổi số. Vì vậy, suốt những năm qua, tăng trưởng của mảng công nghệ mới luôn gấp đôi gấp ba so với bình quân.

IMG-5640-5546-1610006637.jpg

CEO FPT Software trình bày về hệ sinh thái số của FPT.

Bên cạnh việc thực hiện chuyển đổi số cho những tập đoàn lớn, những công ty hàng đầu trên thế giới, FPT nhận ra có một phân khúc thị trường hấp dẫn không kém là SME - doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ có khát khao được chuyển đổi số, được sống sót và bứt phá. Bên cạnh việc tham gia vào các hệ sinh thái của Microsoft, Amazon, SAP... FPT trong 5 năm qua đã đầu tư mạnh để xây dựng hệ sinh thái số dựa trên nền tảng công nghệ của người Việt Nam và hướng đến phân khúc SME. Đây là phân khúc không có nhiều điều kiện để sử dụng công nghệ đã thành danh trên thế giới. Cơ hội của công nghệ Việt Nam chính là phân khúc này.

Trong 5 năm qua, hệ sinh thái số của FPT đã đạt doanh số gần 500 tỷ đồng mỗi năm, đến từ những doanh nghiệp SME. Tên tuổi của FPT cũng đang được xây dựng tại 25 thị trường thế giới bao gồm những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh hay khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

IMG-5647-9019-1610006637.jpg

Anh Tuấn cho biết, hệ sinh thái số của FPT đã đạt doanh số gần 500 tỷ đồng/năm.

Hệ sinh thái FPT xây dựng gồm các giải pháp trọn gói và nền tảng giúp đối tác, thành viên hệ sinh thái phát triển giải pháp đặc thù cho chuyên ngành, phù hợp với từng lĩnh vực, từng quốc gia. Đơn cử akaBot tự động hóa quy trình sản xuất kinh doanh đã được ứng dụng tại Nhật Bản. Một doanh nghiệp đã trả bản quyền 5 triệu USD để được tự do sử dụng nền tảng này, chế tạo bot phục vụ hoạt động kinh doanh liên quan nhân sự. Mỗi sản phẩm bán ra, bên cạnh phí bản quyền FPT Software được hưởng, còn có một tỷ lệ phần trăm dịch vụ mà doanh nghiệp này thu được từ khách hàng. AkaBot là một nền tảng để doanh nghiệp khác phát triển giải pháp và cung cấp cho các doanh nghiệp SME tại thị trường bản địa.

FPT cũng đang có những sản phẩm chủ lực đóng vai trò nền tảng có thể được ứng dụng cho các doanh nghiệp SME với tính tùy biến cao. Tập đoàn còn tham gia chắp cánh cho những start-up công nghệ Việt Nam. Đã có nhiều sản phẩm từ các start-up này được triển khai trên thị trường.

Chia sẻ về F1, anh Tuấn cho biết đây là hệ thống ERP mở, cung cấp nhiều chức năng cho hệ thống kế toán của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nền tảng dễ dàng tích hợp với các sản phẩm của bên thứ 3, các thành viên của hệ sinh thái FPT cũng có thể gắn sản phẩm này vào hệ thống của mình. Về FPT AI, đây cũng là một sản phẩm tạo nên hệ sinh thái của tập đoàn. Sản phẩm đã tạo nên nhiều chatbot để giúp doanh nghiệp chăm sóc khách hàng với công nghệ tương tác tự nhiên. Đây là một trong những nền tảng mở, giúp doanh nghiệp tận dụng thành tựu nghiên cứu của FPT để đưa ra thị trường Việt Nam và quốc tế.

IMG-5649-3308-1610006637.jpg

FPT xác định mục tiêu giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ.

FPT cũng đang đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp như Homa trong lĩnh vực an toàn trong nhà máy. Trong lộ trình hoàn thiện hệ sinh thái, FPT xác định mục tiêu giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn thiện, có thêm nhiều công cụ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển chuyển đổi số thành công. Cuối cùng, đại diện FPT tự tin cho rằng Việt Nam có một lợi thế rất lớn trong chuyển đổi số, có nhiều tài năng trong lĩnh vực công nghệ. Với đội ngũ vững mạnh, kết quả chuyển đổi số của FPT Software vẫn tăng trưởng rất nhanh trong năm qua, thậm chí trong Covid-19, chuyển đổi số của FPT vẫn tăng 50%.

Song song đó, FPT còn phát triển bộ sản phẩm akaSuite tập hợp các sản phẩm, giải pháp giúp doanh nghiệp SME giải quyết các bài toàn vận hành như akaminds, akaChain kiến tạo giá trị mới, vận hành tối ưu với akaBot, akaWork, akaTrans, akaAT... hay nâng tầm trải nghiệm với akaDrive, akaMeet giúp khách hàng bán hàng từ xa, akaInsights hỗ trợ khai thác thông tin để thúc đẩy doanh số.

FPT không chỉ hướng đến khách hàng mà còn nâng tầm trải nghiệm cho nhân viên với hàng chục nghìn nhân viên, trong đó có hàng nghìn "chiến binh" đang làm việc ở nước ngoài. Do đó, việc liên kết đóng vai trò sống còn. Những nền tảng cho phép kết nối nhân viên bất kể ngày đêm, địa điểm. Trong năm qua, akaSuite đã được quốc tế ghi nhận, được hãng phân tích Gartner trao những giải thưởng danh giá. FPT có ba sản phẩm dịch vụ vào danh sách này, gồm akaBot, akaChain và Clouds. Đây là lần đầu tiên có một doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện trong danh sách này.

IMG-5657-1301-1610006637.jpg

CEO FPT Software khuyên các doanh nghiệp Việt cần có sự kiên nhẫn.

Trong phiên thảo luận, khi được hỏi về vai trò của doanh nghiệp lớn trong hỗ trợ start-up công nghệ mới, anh Phạm Minh Tuấn cho rằng nếu nói về hệ sinh thái chuyển đổi số, Việt Nam đang có lợi thế khi nguồn cung đang thấp hơn cầu rất nhiều. Chẳng hạn ở Nhật Bản, nguồn cung chỉ tập trung ở những thành phố lớn, trong khi startup phải cần có những khách hàng đầu tiên để xây dựng uy tín, thương hiệu, hoàn thiện sản phẩm.

Việt Nam tự tin rằng khoảng cách so với các nước phát triển công nghệ trên thế giới không lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam phải biết tìm những khách hàng đầu tiên để hoàn thiện sản phẩm. Đó cũng là lý do mà FPT đã đầu tư vào sản phẩm dịch vụ mới, tìm kiếm khách hàng. CEO nhà Phần mềm cũng dành lời khuyên các doanh nghiệp Việt cần có sự kiên nhẫn.

"FPT sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp với data khách hàng rất lớn ở các nước. Nếu có nhiều nguồn lực hơn, có sự liên minh, thì sự tăng trưởng của FPT không chỉ dừng lại ở 50%, mà sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa", CEO FPT Software chia sẻ.

Sáng ngày 7/1, VnExpress đã tổ chức sự kiện Tech Awards, quy tụ những doanh nghiệp đi đầu trong khoa học công nghệ cùng hàng trăm chuyên gia, để cùng bàn về những xu hướng, sản phẩm, giải pháp trên nền tảng công nghệ, sức mạnh AI và kỷ nguyên 5G. “Sản phẩm Công nghệ Việt” là một trong ba chuyên đề thuộc diễn đàn "Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới", được tổ chức trong hai ngày 7 và 8/1 tại TP HCM. Các phiên còn lại có nội dung: Việt Nam trong kỷ nguyên 5G và Sức mạnh AI trong kỷ nguyên kết nối mới.

Diễn đàn còn có sự hiện diện của nhiều khách mời khác như: ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc ngành hàng Thiết bị Di động của Samsung Việt Nam, sẽ nói về hành trình đón đầu xu thế 5G ở những tập đoàn công nghệ toàn cầu như Samsung; ông Trần Thế Toàn - Phó chủ tịch công nghệ, mảng di động của Lazada; bà Vũ Phương Nga - Giám đốc mảng thanh toán di động của Moca; bà Lê Thị Thu Thuỷ - Phó chủ tịch VinGroup; ông Văn Bá Luýt - Giám đốc sản phẩm của Oppo; ông Đặng Kim Long - Giám đốc truyền thông Huawei Việt Nam; ông John Lê - CEO của Propzy và ông Trần Viết Quân - nhà sáng lập của nền tảng Tanca.

>> FPT Telecom trình diễn nhà thông minh ở Tech Award

Trân Trân

Ý kiến

()