Chúng ta

FPT Japan có bằng sáng chế AI đầu tiên

Thứ ba, 13/6/2023 | 15:56 GMT+7

FPT Japan vừa được Tổ chức Japan Patent Office (JPO) ghi nhận bằng sáng chế AI. Đây là minh chứng về năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ AI của FPT, góp phần thúc đẩy đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trong bản đồ công nghệ AI thế giới.

Bằng phát minh sáng chế AI của FPT Japan được Japan Patent Office công nhận và bảo hộ trên lãnh thổ Nhật Bản. Sở hữu bằng sáng chế này, đơn vị sẽ phát triển và bảo hộ công nghệ lõi AI. Khi các công ty khác phát triển sản phẩm sử dụng công nghệ lõi này sẽ phải trả tiền bản quyền. Nhờ đó, danh tiếng của FPT trong lĩnh vực công nghệ AI trên tầm quốc tế được nâng cao.

Công trình này có đóng góp lớn của anh Đào Hữu Hùng (đơn vị AIC.LAB.SC) và anh Phan Châu Phúc Thịnh (đơn vị FHM.QAI) khi công tác tại FPT Japan. Năm 2017, FPT Japan mới kinh doanh dịch vụ AI, gặp nhiều khó khăn để xây dựng lòng tin của khách hàng về năng lực trong lĩnh vực công nghệ mới. Anh Hùng lúc ấy là trưởng nhóm Data Science của FPT Japan đã đặt mục tiêu ngoài các công bố khoa học ở Hội nghị quốc tế thì cần phải có bằng phát minh sáng chế. Từ đấy, anh cùng anh Thịnh đã dày công nghiên cứu và thu về “quả ngọt” khi phương pháp luận, sơ đồ kiến trúc, cách xử lý dữ liệu của công trình cho kết quả benchmark tốt nhất ở thời điểm đó.

fpt-ai.jpg

Bằng sáng chế của FPT Japan.

Năm 2019, anh Hùng đề xuất 2 đề tài xin bảo hộ và chỉ có đề tài về AI được JPO chấp thuận. Khác với quá trình phản biện khoa học tại các hội nghị, việc kiểm tra và xét duyệt của JPO ngặt nghèo hơn rất nhiều khi họ dựa trên nguồn là công bố khoa học và những phát minh đã và đang đăng ký. Theo chuyên gia AI, thời gian 4 năm để có được 1 bằng phát minh sáng chế ở Nhật là khá nhanh.

“Công trình của chúng tôi có cách xử lý dữ liệu về mặt concept giống với công nghệ Vision Transformers (ViT) - phỏng theo mô hình Transformer của ChatGPT. Hồ sơ của chúng tôi nộp lên JPO từ tháng 8/2019 trong khi mô hình ViT đầu tiên được công bố khoa học vào tháng 10/2020. Thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng. Bởi nếu chỉ chậm 1 chút có thể bằng phát minh sáng chế này sẽ không được công nhận mặc dù vẫn có thể công bố kết quả khoa học đến các hội nghị”, anh Hùng chia sẻ.

Với đà phát triển của công nghệ, ViT chắc chắn sẽ được sử dụng rất nhiều trong sản phẩm AI của các công ty trên thế giới. Vì vậy, anh Hùng đang tiếp tục làm việc thêm với các luật sư Nhật Bản để mở rộng phạm vi bảo hộ cho bằng phát minh sáng chế này.

Đối với cá nhân anh Hùng, việc có bằng phát minh sáng chế của JPO là một ghi nhận cho năng lực nghiên cứu sáng tạo world-class của bản thân. Đến nay, anh Hùng đã xuất bản khoảng 20 công trình khoa học tại các hội nghị hàng đầu về AI nhưng đây là lần đầu tiên đăng ký phát minh sáng chế.

“Cảm ơn công ty đã ủng hộ và hỗ trợ tài chính để đăng ký bằng phát minh sáng chế từ những ngày đầu tiên. Tôi vẫn nhớ câu nói của anh Trần Đăng Hòa những năm 2017-2018 là: Làm sao để những công ty lớn như Microsoft… bị FPT kiện vì vi phạm bản quyền sẽ là một tiếng vang lớn có giá trị với FPT Japan nói riêng và FPT nói chung. Hiện tôi đã về nước và công tác tại AI Center của FPT Software. Ngoài việc phát triển kinh doanh AI cho bộ phận, tôi cũng tham gia chương trình AI residency với vai trò mentor. Tôi hy vọng sau bằng phát minh sáng chế này sẽ có nhiều công trình khoa học, nhiều bằng phát minh sáng chế nữa sẽ được đăng ký cho FPT trong lĩnh vực AI”.

N.H

Ý kiến

()