Dựa vào báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ và phần mềm tại Ấn Độ (NASSCOM), doanh thu SaaS đạt mốc 3,5 tỷ USD cùng với nhu cầu nội địa tăng gấp 1,5 lần so với quốc tế. Trong đó, 5 công ty dẫn đầu về SaaS nắm giữ 33% thị phần trong nước, phần còn lại dành cho hơn 1.000 doanh nghiệp cùng lĩnh vực.
Quan sát từng chuyển biến trong lĩnh vực công nghệ, Chủ tịch NASSCOM - Debjani Ghosh cho biết pha “bứt tốc” của dịch vụ SaaS là bước tăng trưởng vượt mong đợi trong nhiều năm qua. “Có lẽ xu hướng số hóa đã mở ra vô vàn cơ hội mới trong hệ sinh thái SaaS. Do đó, Ấn Độ sẽ cần thêm nhiều cái ‘bắt tay’ liên ngành, các chính sách hỗ trợ mới cùng với nguồn đầu tư rộng rãi vào mảng công nghệ để thúc đẩy tiềm năng của SaaS vươn xa hơn nữa”.
Quốc gia đông dân thứ 2 thế giới tham vọng trở thành nơi cung cấp SaaS toàn cầu. Ảnh: Getty |
SaaS là tên viết tắt của Software-as-a-service, được hiểu là dịch vụ phân phối phần mềm dựa vào nền tảng điện toán đám mây (cloud). Điểm làm nên khác biệt của mô hình SaaS nằm ở khả năng cung ứng phần mềm cho khách hàng thông qua mạng Internet, chạy trực tiếp trên trình duyệt web và khách hàng không cần tải hoặc cài đặt bất cứ yếu tố gì.
Chính nhờ ưu thế đó nên các công ty cung cấp dịch vụ SaaS không cần nhân viên đến trụ sở của khách hàng để cài đặt phần mềm cho mỗi máy tính riêng lẻ, cũng như toàn bộ quy trình nâng cấp hệ thống sẽ được cập nhật liên tục và thực hiện từ xa. Công ty này cũng phụ trách việc quản lý tất cả vấn đề kỹ thuật về máy chủ, kho lưu trữ dữ liệu, giúp quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Công ty nghiên cứu và phân tích thị trường Gartner, SaaS là dịch vụ cloud được doanh nghiệp Ấn Độ rót vốn mạnh mẽ nhất. Chỉ riêng năm 2019, mức chi tiêu của người dùng cuối cho SaaS đạt 1,1 triệu đô, chiếm 42% trong tổng doanh thu dịch vụ cloud. Gartner dự đoán, đà tăng vọt 2 chữ số này sẽ tiến triển lạc quan hơn và Ấn Độ sẽ là quốc gia lớn thứ 3 trong ngành dịch vụ này, xếp sau Trung Quốc và Indonesia.
“Chuyển dịch và đầu tư vào cloud đã trở thành yếu tố cốt lõi nếu doanh nghiệp muốn bức phá trên thương trường. Chúng tôi nhận thấy chẳng còn ai đặt vấn đề về lý do tại sao nên áp dụng cloud mà thay vào đó là việc chọn ra thời điểm phù hợp để doanh nghiệp sẵn sàng lên ‘mây’”, ông Sid Nag - Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu điện toán đám mây tại Gartner - cho hay và khẳng định rằng tiết kiệm nguồn vốn vận hành là một trong những điều kiện đã hấp dẫn nhiều công ty Ấn Độ chú trọng vào cloud.
Đồng thời, xu hướng doanh nghiệp đầu tư vào cloud cũng phù hợp với mục tiêu chung của nền kinh tế 5.000 tỷ USD khi Ấn Độ đang muốn tăng tốc quá trình chuyển đổi số và từ đó sử dụng công nghệ để giải quyết nhiều bài toán kinh tế lớn.
Hiện nay, thị trường SaaS của quốc gia đông dân thứ 2 thế giới có quy mô hơn 1,000 doanh nghiệp với hơn 150 công ty sở hữu doanh thu định kỳ hàng năm vượt mức 1 triệu USD. NASSCOM ước tính, lĩnh vực dịch vụ SaaS tại Ấn Độ sẽ tăng ở mức từ 13-15 tỷ USD vào năm 2025 và doanh thu thị trường toàn cầu lúc đó sẽ chạm ngưỡng 400 tỷ USD. Các “gã khổng lồ” CNTT như Google, Amazon, Microsoft, Alibaba và IBM sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường những năm tới.
Theo khảo sát của hãng nghiên cứu IDC, điện toán đám mây là số ít những dịch vụ công nghệ không bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà còn tăng trưởng dương trong thời gian qua. Riêng Ấn Độ, trong số 64% tổ chức tìm đến các dịch vụ cloud thì có đến 56% lựa chọn mô hình SaaS. Về phía Gartner, tuy ngân sách dành cho việc đầu tư CNTT sẽ giảm trong năm nay, với mảng thiết bị và hệ thống trung tâm dữ liệu giảm nhiều nhất (-9,7%), hơn 1/3 nhà đầu tư sẵn sàng ưu tiên rót vốn vào cloud. Dù chưa có số liệu chính thức nhưng hãng này dự báo điện toán đám mây vẫn sẽ tăng tốc trong năm 2020, ở mức 2,7 tỷ USD. |
>> AI là tương lai của an ninh mạng
Đình An
Ý kiến
()